.
.

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 12/2018

Thứ Sáu, 30/11/2018|23:43

I – TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

Quán triệt, triển khai các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII)

Ngày 23/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) theo hình thức trực tuyến qua 74 điểm cầu trên toàn quốc tới các đảng ủy trực thuộc Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Tại Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 365 điểm cầu với hơn 14 nghìn cán bộ, đảng viên của Cơ quan Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc tham gia học tập, quán triệt Nghị quyết.

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt Quy định “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ quán triệt Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường quán triệt Nghị quyết về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội nghị nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương nắm vững những nội dung cơ bản của Hội nghị Trung ương 8; vận dụng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, thống nhất về nhận thức và hành động, sớm đưa các nội dung của Nghị quyết vào cuộc sống.

Bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Sau gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, sáng 20/11, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng.

Với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, được nhân dân và cử tri đánh giá cao. Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, về ngân sách nhà nước. Bên cạnh việc đánh giá sự phát triển khá toàn diện của tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và ba năm qua, Quốc hội đã phân tích, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế, đề xuất giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN),  trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tham dự có các Phó Thủ tướng và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương và đông đảo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức ở trong và ngoài nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất nhận định, cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau cổ phần hóa. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Tuy nhiên, quá trình đổi mới DNNN thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế. Đến hết tháng 11/2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017) nhưng đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp; năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn nhưng đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, DNNN hết sức cần thiết cho sự phát triển đất nước, là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, tập đoàn, tổng công ty, DNNN tiếp tục tập trung cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Cổ phần hóa ngay cả doanh nghiệp có hiệu quả, để thu hút vốn xã hội, nâng cao năng lực quản trị, góp phần chống tham nhũng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định. Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước ngày 31/12/2018.

II - TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI VÀ CƠ SỞ

Giới thiệu nhân sự quy hoạch BCH Trung ương Đảng, nhiệm kỳ 2021 – 2026

Thực hiện Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 06/11/2018 của Bộ Chính trị về “Xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026”, Thông báo số 03-TB/BCĐ ngày 08/11/2018 của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; trong tháng 11/2018, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức các Hội nghị, tiến hành các bước theo quy trình giới thiệu nhân sự tham gia quy hoạch BCH Trung ương Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Việc giới thiệu nhân sự bảo đảm các quan điểm, nguyên tắc, mục đích, yêu cầu, phương châm; tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng, số lượng, cơ cấu, nguồn nhân sự và quy trình giới thiệu quy hoạch BCH Trung ương theo đúng quy định tại Kế hoạch của Bộ Chính trị và Thông báo của Ban Chỉ đạo. Qua đó nhằm lựa chọn, giới thiệu những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tham gia quy hoạch BCH Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tháng 11/2018

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương họp phiên thường kỳ tháng 11/2018. Đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối: Lê Văn Châu, Phạm Tấn Công, cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối.

Tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã cho ý kiến vào các tờ trình về việc rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 - 2020; bổ sung Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 - 2020; tờ trình về việc giới thiệu nhân sự tham gia quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (bước 4); ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về tăng cường công tác phát triển đảng viên; việc thành lập Ban Chỉ đạo của Đảng bộ Khối DNTW thực hiện cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; về kế hoạch tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thảo luận và cho ý kiến một số nội dung khác.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thăm và làm việc với Công ty Nhôm Đắk Nông, Lâm Đồng

Trong 2 ngày (29 - 30/11/2018), Đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương do đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối dẫn đầu cùng lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đến thăm và làm việc với Công ty Nhôm Đắk Nông và Công ty Nhôm Lâm Đồng.

Tại Công ty Nhôm Đắk Nông, Đoàn công tác đã thị sát, kiểm tra thực tế tại các khu vực sản xuất Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Chính thức đi vào vận hành thương mại tháng 7/2017, ngay trong năm đầu tiên, Nhà máy đã đạt doanh thu 2.961,8 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 242,3 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2018, Công ty Nhôm Đắk Nông đã sản xuất được 538.000 tấn Alumin quy đổi/580.000 tấn kế hoạch năm 2018; doanh thu đạt trên 5.326 tỷ đồng; đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.000 công nhân.

Còn tại Công ty Nhôm Lâm Đồng, sau gần 8 năm vận hành sản xuất đã không ngừng đổi mới công nghệ đưa dây chuyền sản xuất hoạt động ổn định. Riêng 10 tháng đầu năm 2018, Công ty đã sản xuất được 559.000 tấn alumin quy đổi và phấn đấu hết năm nay sẽ đạt 670.000 tấn, vượt 3% công suất thiết kế; tạo việc làm ổn định cho 1.559 lao động. Đảng bộ Công ty hiện có hơn 280 đảng viên sinh hoạt tại 16 chi bộ trực thuộc. 3 năm liền, Đảng bộ Công ty đạt “trong sạch vững mạnh”.

Phát biểu với cán bộ, công nhân Công ty Nhôm Đắk Nông và Nhôm Lâm Đồng, đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối DNTW biểu dương nỗ lực của cán bộ, công nhân TKV và các đơn vị đã vượt qua khó khăn để xây dựng và đưa vào vận hành các dự án khai thác bauxite hiệu quả; đảm bảo an toàn môi trường, đóng góp lớn vào ngân sách cũng như đảm bảo an sinh xã hội và an ninh chính trị của địa phương. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, TKV cũng như công ty Nhôm Đăk Nông, Lâm Đồng cần tiếp tục quan tâm đến đời sống, văn hóa tinh thần cho cán bộ công nhân viên, làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn môi trường và công tác truyền thông để mọi người hiểu rõ hơn về dự án và những hiệu quả mà dự án mang lại.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ký Quy chế phối hợp công tác với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW) và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa 2 đơn vị.

Theo Quy chế, hai bên phối hợp để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước và có tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Khối DNTW. Phạm vi phối hợp tập trung vào quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng ủy Khối và của Ủy ban về thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức, cán bộ, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo và xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

Quá trình phối hợp được thực hiện trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để hai bên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi bên.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý vốn nhà nước tại 19 đơn vị, trong đó có 16 doanh nghiệp có tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Khối DNTW, gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Các doanh nghiệp này có tổng nguồn vốn chủ sở hữu là trên 970.000 tỷ đồng, tổng tài sản gần 2,2 triệu tỷ đồng, với tổng số trên 510.000 lao động.

Thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Chiều 16/11/2018, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tham nhũng với các cấp ủy đảng Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Cùng với việc đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng chống tham nhũng từ đầu năm 2018 đến nay, đại diện một số ngân hàng, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong Đảng bộ Khối tập trung thảo luận về việc phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra, giám sát; chất lượng các cuộc kiểm tra, việc làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm để đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm theo quy định; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương lưu ý: Các cấp ủy đảng trong Khối DNTW cần thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề cao việc tự kiểm tra, phát hiện sai phạm trong nội bộ các tập đoàn, doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, đặc biệt quan tâm đến phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý tài chính, đất đai, tài sản công, đầu tư dự án, xây dựng cơ bản, đấu thầu, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ...; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các Nghị quyết của Trung ương. Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh tập thể, cá nhân có sai phạm.

Đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Vừa qua, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề "Đổi mới khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" bằng hình thức trực tuyến qua 3 điểm cầu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với gần 1.000 đại biểu tham dự.

Nội dung do đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày nêu rõ, mặc dù mang lại cơ hội cho nền công nghiệp số hóa cũng như lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, song Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần có những đổi mới mạnh mẽ trong việc xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ; phát triển cơ sở hạ tầng thông tin; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh…

Đảng bộ Khối DNTW gồm có 35 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 33 đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng lớn, với hơn 80.000 đảng viên, hoạt động trên tất cả các vùng miền của đất nước và cả ở nước ngoài. Quán triệt sâu sắc quan điểm lãnh đạo của Đảng, thời gian qua Đảng ủy Khối luôn chú trọng bồi dưỡng, cập nhật những nội dung, kiến thức mới về khoa học công nghệ và quản trị doanh nghiệp, quản lý kinh tế cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối thông qua các hội nghị thông tin chuyên đề và nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần cập nhật, bổ sung kiến thức, đổi mới tư duy kinh tế và phương pháp quản trị doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối.

Chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong 10 năm (2008 - 2018) thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Với tổng tài sản đạt gần 1 triệu 300 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn huy động đạt trên 1 triệu 200 ngàn tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1 triệu 1 ngàn tỷ đồng, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt tỷ trọng 73,6% và chiếm tới 51% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho “Tam nông”. Agribank đã và đang triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách như: Cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo; Cho vay xây dựng Nông thôn mới; Cho vay gia súc, gia cầm; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản;…

Trong thời gian tới, lãnh đạo Agribank cam kết sẽ tiếp tục chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn, quan tâm đến việc đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay, tiết kiệm chi phí cho vay để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển “Tam nông”.

Đảng ủy Tổng công ty Lương thực miền Bắc tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng

Đảng ủy Tổng công ty Lương thực miền Bắc vừa tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng cho đội ngũ cán bộ cấp ủy cơ sở; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở; cán bộ làm công tác đảng tại các đảng bộ cơ sở trực thuộc.

Tại hội nghị các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Dân vận Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương hướng dẫn thực hiện các nội dung về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc; công tác tổ chức xây dựng đảng và kế hoạch kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hằng năm.

Qua hội nghị tập huấn nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ cấp ủy cơ sở nắm rõ hơn những nội dung văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về công tác đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên đáp ứng chuẩn mực Basel II tại Việt Nam

Ngày 28/11/2018, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chấp thuận áp dụng Thông tư 41 sớm một năm so với thời hạn hiệu lực. Với sự kiện này, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên đáp ứng chuẩn mực Basel II tại Việt Nam.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu là ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất, từ năm 2014, Hội đồng quản trị Vietcombank đã chỉ đạo triển khai dự án phân tích chênh lệch giữa yêu cầu của Basel II với hiện trạng Vietcombank, trên cơ sở đó đưa ra Lộ trình thực hiện Basel II với tổng cộng 82 sáng kiến nhằm đáp ứng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào năm 2018 và đáp ứng phương pháp nâng cao vào năm 2019.

Kết quả này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Vietcombank trong thực hiện mục tiêu trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất Châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới, được quản trị theo các chuẩn mực quốc tế tốt nhất.

Đoàn Khối tổ chức Chung kết cuộc thi Olympic Tiếng Anh năm 2018

Ban Thường vụ Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương vừa tổ chức Chung kết Cuộc thi “Olympic Tiếng Anh Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ II”.

Vòng Sơ khảo Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến trên mạng Internet đã diễn ra hết sức sôi nổi từ 08/11 đến 14/11/2018, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Chỉ trong 7 ngày đã có 6.091 thí sinh đến từ 35 đơn vị trong Khối đăng ký dự thi với 10.356 lượt bài thi. Kết thúc vòng Sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn ra 40 thí sinh xuất sắc đến từ 16 đơn vị trong Khối tham gia vòng chung kết của Cuộc thi. 

Tại vòng Chung kết, các thí sinh thể hiện vốn kiến thức, sự hiểu biết của bản thân xung quanh các lĩnh vực về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa Việt Nam, các kiến thức cơ bản và nâng cao về kinh tế, quản trị kinh doanh, hội nhập quốc tế, công tác Đoàn và phong trào thanh niên qua 2 phần thi (phần thi trắc nghiệm trên máy và phần thi tranh luận trên sân khấu). Sau các phần thi sôi nổi, hấp dẫn, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cuộc thi cho thí sinh Nguyễn Văn Khánh Duy, đoàn viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; giải Nhì thuộc về thí sinh Lành Hải Long, đoàn viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và thí sinh Hoàng Trọng Tiến, đoàn viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam. Ngoài ra, Ban tổ chức trao 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích tới các thí sinh; trao Bằng khen của Đoàn Khối DNTW cho Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đã có thành tích với số lượng thí sinh tham gia vòng sơ khảo trực tuyến trên mạng Internet đông nhất.

III - TIN THAM KHẢO

Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam

Hội thảo quốc tế “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam” vừa được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo nhằm đưa ra những mục tiêu, tầm nhìn, giải pháp chiến lược để ngành năng lượng phấn đấu đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 không những đảm bảo đủ năng lượng bền vững mà còn có năng lượng dự phòng và giải quyết các vấn đề môi trường ngày càng tốt hơn.

Bàn về tầm nhìn mới về phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2050, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần định hướng chính sách nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như: Tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò nhằm nâng cao trữ lượng nguồn năng lượng (than, dầu, khí đốt...); đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, xuất khẩu năng lượng với các nước trong khu vực... Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển ngành năng lượng toàn diện và có khả năng cạnh tranh.

Từ kết quả của hội thảo, VEA sẽ có văn bản báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành để xem xét giúp đỡ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; đặc biệt về cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho ngành năng lượng phát triển đạt được những mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 một cách bền vững.

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018

Diễn ra tại TP Đà Nẵng từ ngày 29/11-1/12, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018 (Techfest 2018) thu hút 250 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, diễn giả trong nước, quốc tế; 20 nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là đại diện của các cơ quan phụ trách khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư, DN khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu tại các nước ASEAN là đại diện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN.

Trong thời gian diễn ra sự kiện, các tọa đàm, hội thảo theo 8 lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, công nghệ du lịch, công nghệ 4.0, công nghệ tài chính, tác động xã hội và hỗ trợ khởi nghiệp đã được tổ chức với những nội dung thiết thực cùng sự tham gia chia sẻ, thảo luận của các nhà quản lý, nhà đầu tư, các DN khởi nghiệp thành công và các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Cũng tại sự kiện này, còn diễn ra triển lãm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giới thiệu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp của hơn 250 DN và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Ngoài ra, đã có 160 cuộc kết nối đầu tư, số quan tâm đầu tư là 7,86 triệu USD. Như vậy, có thể thấy các kết nối ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng của các startup ngày càng tăng cao. Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia diễn ra trong khuôn khổ Techfest 2018 đã thu hút sự chú ý quan tâm của hơn 600 DN khởi nghiệp từ cuộc thi của các làng công nghệ và từ các cuộc thi Techfest vùng, từ đó chọn ra được 10 DN khởi nghiệp xuất sắc nhất tham gia vòng chung kết.

Phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ tối cao quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp. Thủ tướng yêu cầu phải hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, đồng thời đề xuất hình thành một Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất (trước mắt đặt tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng) và xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tới 4 triệu tỷ đồng

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 4 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,34% (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,25%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm nay ước tính đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,7%; may mặc tăng 12,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,8%; phương tiện đi lại tăng 11,3%. Một số địa phương có mức tăng khá: Thanh Hóa tăng 13,5%; TPHCM tăng 13,2%; Bình Định tăng 12,8%... Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng ước tính đạt 488,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% tổng mức và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bình Định tăng 14%; Nghệ An tăng 12,3%... Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng năm nay ước tính đạt 37 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có mức tăng khá: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 22,9%; Hải  Phòng tăng 19,9%; TPHCM tăng 18,6%...

IV. VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI

Tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương

Ngày 02/11/2018, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Kết luận số 202 - KL/ĐUK “về tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.

Nội dung Kết luận được đăng tải trên Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương./.

------------------

Bản PDF Tài liệu sinh hoạt chi bộ download tại đây.

 

 

 

.
.
.
.