.
.

Hội thảo về định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức

Thứ Hai, 26/12/2011|21:48

 

Mức lương của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay chưa phản ánh đúng giá trị lao động của họ và chưa giúp họ đảm bảo cuộc sống để yên tâm công tác. Đó là ý kiến của đa số các đại biểu tại cuộc hội thảo “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 26-12 tại Hà Nội.
 

 

 Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: TH)


Bắt đầu từ 1-5-2012, lương tối thiểu chung áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng từ 830.000 đồng/tháng lên 1.050.000 đồng/tháng. Như vậy, mặc dù đã tăng nhưng lương tối thiểu chung vẫn chỉ bằng 75% lương tối thiểu vùng thấp nhất (vùng IV: 1,4 triệu đồng/tháng) và bằng 52,5% lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng I: 2 triệu đồng/tháng).

 

Ông Đặng Như Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Bộ Nội vụ cần cụ thể hoá về chế độ lương cho cán bộ, công chức, viên chức chứ không thể quy định quá chung chung, khó khả thi vì “mức trung bình khá trong xã hội” là gì, ai xác định và xác định như thế nào? Và tiền lương ở đây “phải được coi là giá cả sức lao động“ thì ai là người mua, ai là người bán?

Bên cạnh đó, khi tính toán cải cách tiền lương, cần xác định rõ là tiền lương của người lao động trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khác tiền lương của cán bộ công chức viên chức hay không, chống tình trạng bình quân, cào bằng. Theo ông Lợi, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức phải là nguồn thu chính đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình họ, giúp họ yên tâm làm việc và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu công vụ theo luật định.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Hữu Dũng - Nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, việc cải cách tiền lương phải thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của những lần cải cách trước. Đó là chính sách tiền lương thấp không đủ sống nhưng thu nhập ngoài lương lại rất cao, mỗi lần tăng lương tối thiểu lại làm cho gáng nặng ngân sách càng tăng và cải cách lần sau lại lặp lại những vấn đề cần giải quyết như lần trước.

Mặt khác, cần thể chế hóa đầy đủ, đúng với tinh thần các quan điểm của Đảng về cải cách tiền lương, trong đó đặc biệt quan tâm đến nội dung “coi trọng việc trả lương đúng cho người lao động”, "việc cải cách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức phải tạo ra bước đột phá về động lực cho phát triển nguồn nhân lực nhà nước, đặc biệt phải có chính sách thu hút nhân tài cho khu vực nhà nước” - Ông Dũng nhấn mạnh

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản cũng nêu quan điểm: “Điểm yếu hiện nay của chúng ta là thiếu đội ngũ chuyên gia, tham vấn. Trong khi đội ngũ này có vai trò rất quan trọng trong việc tham vấn các chính sách, quyết định của đội ngũ lãnh đạo.” Thêm vào đó, cần tách biệt vấn đề thâm niên và cống hiến vì nếu không những người trẻ có nhiều cống hiến cũng khó có cơ hội để vượt qua những người thâm niên.

Trong khi đó, ông Thang Văn Phúc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại cho rằng: Trả tiền lương cao, trả đúng cho từng vị trí công chức sẽ nâng cao trách nhiệm và tính kỷ luật trong nền công vụ mới, nếu không muốn tình trạng chảy máu chất xám tiếp diễn, đặc biệt trong các ngành như tài chính, ngân hàng …

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, hiện nay, lương tối thiểu chung chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011, như vậy là quá thấp và không đủ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu.

Thừa nhận việc cải cách tiền lương vẫn chưa thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của những lần cải cách trước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các cơ quan, ban, ngành... tập trung nguồn lực mạnh để thực hiện mục tiêu chiến lược cải cách tiền lương trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI là “bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội”.

 

Theo đề án của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2013-2020, lương tối thiểu dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có ba phương án, tương ứng với ba mức: 2.000.000 đồng/tháng, 1.680.000 đồng/tháng và 3.150.000 đồng/tháng.

Viên chức sự nghiệp có hai phương án, áp dụng mức lương tối thiểu vùng như đối với doanh nghiệp hoặc mức lương tối thiểu như cán bộ, công chức.

Mức độ dãn cách mức lương tối thiểu, trung bình, tối đa cũng có hai phương án, đó là nếu theo cách tiếp cận tương quan với khu vực thị trường sẽ có các bậc 1 - 3,2 - 15, tương ứng 830.000 đồng/tháng - 2.656.000 đồng/tháng - 12.450.000 đồng/tháng. Dựa trên cách tiếp cận độ phức tạp lao động có các bậc 1 - 3,5 - 15, tương ứng 830.000 đồng/tháng - 2.905.000 đồng/tháng - 12.450.000 đồng/tháng.

Về lộ trình thực hiện, giai đoạn 2013-2015, hằng năm tập trung nguồn lực ưu tiên điều chỉnh lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; giai đoạn 2016-2020 thực hiện mở rộng quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình - tối đa từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 3,2 - 15./.

 

Theo ĐCSVN

 

.
.
.
.