.
.

Hội nghị Tổng kết Công đoàn Dệt May VN 2011 và triển khai nhiệm vụ 2012

Thứ Sáu, 17/02/2012|10:55

Sáng 15 tháng 02 năm 2012 tại trụ sở Công đoàn Dệt May Việt Nam, 460 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết phong trào công nhân viên chức và hoạt động công đoàn năm 2011, triển khai công tác năm 2012.

Đ/c Nguyễn Tùng Vân, UV BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị
Đ/c Nguyễn Tùng Vân, UV BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Đến dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Văn Ngàng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (Vitas) - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex); đồng chí Nguyễn Tùng Vân, UV BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam.

Năm 2011 Kinh tế VN chịu ảnh hưởng mạnh từ những biến động của kinh tế thế giới làm cho lạm phát tăng cao, lãi suất vay ngân hàng tăng lên trên 20%, giá NPL biến động, giá than, điện, xăng, dầu liên tục cùng tăng… đã làm giảm hiệu quả SXKD của các DN dệt may dẫn đến tình trạng lương thấp, nên lao động có biến động. Trước tình hình trên, trong năm 2011, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã triển khai thành công việc thí điểm thỏa ước LĐ tập thể (TƯLĐTT) ngành đầu tiên tại VN. Những đơn vị tham gia TƯLĐTT ngành dệt may đã từng bước ổn định lực lượng, giảm tình trạng biến động LĐ, mối quan hệ giữa người sử dụng LĐ và NLĐ cũng hài hòa hơn. Thu nhập bình quân của NLĐ các đơn vị trực thuộc Công đoàn DMVN là 4,1 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 25% so với năm 2010.

Đến năm 2012, mục tiêu phấn đấu mà Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam và chuyên môn Tập đoàn Dệt May VN đặt ra là: Lương công nhân phải đủ nuôi thêm một người, theo mức bình quân thu nhập tại các tỉnh và thành phố lớn. Phải làm hết sức để tăng thu nhập cho NLĐ cho dù những khó khăn về kinh tế - xã hội trong nước trong năm 2012 sẽ còn tác động lớn đến việc làm, đời sống của NLĐ và hoạt động Công đoàn ngành dệt may, bởi vậy Công đoàn DMVN đặt ra mục tiêu động viên CNVCLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD của đơn vị, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ xuất khẩu của toàn ngành.

Các Công đoàn trực thuộc phối hợp với chuyên môn phấn đấu doanh thu tăng 14%, thu nhập của NLĐ tối thiểu tăng 13%, tạo thêm 10.000-15.000 việc làm mới so với năm 2011.

Đặc biệt, Công đoàn và lãnh đạo Tập đoàn DMVN đã ký kết phối hợp tổ chức “Phong trào thi đua LĐSX năm 2012”, trong đó phấn đấu nâng cao năng suất LĐ từ 10-20%, cải thiện điều kiện làm việc của NLĐ và xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, công khai, minh bạch, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi NLĐ trong DN, đảm bảo cho CNLĐ có thể nuôi thêm 1 người bằng tiền lương và có đời sống tinh thần phong phú để họ yên tâm gắn bó với DN.

Đ/c Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, Bí thư Đảng uỷ-Chủ tịch HĐTV Vinatex phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Đ/c Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, Bí thư Đảng uỷ-Chủ tịch HĐTV Vinatex phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Chủ tịch Vũ Đức Giang đã nêu 4 vấn đề cần quan tâm đối với Công đoàn ngành:

1. Ngành dệt may là ngành kinh tế phát triển vượt bậc đóng góp vào thành tích chung cho xã hội, một phần thành tích đạt được là nhờ công người lao động. Công đoàn và người lao động ngành Dệt May Việt Nam có bước phát triển chiều rộng, sâu, tay nghề người lao động ngày càng vững. Do đó ngành dệt may chúng ta đạt kết quả khả quan: Đứng đầu Asean và đứng hàng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu.

2. Nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn có chính sách đãi ngộ như tiền lương tăng, nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, khẩu phần ăn ca ngày càng cải thiện rõ rệt, nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn đã tổ chức chào cờ vào ngày thứ 2 đầu tuần và treo ảnh Bác Hồ trong các phòng ban, phân xưởng làm việc. Không có hiện tượng đình công lãn công xảy ra ở doanh nghiệp.

Muốn làm được chính sách xã hội tốt thì công đoàn cần có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa với công đoàn cơ sở để nắm bắt tình hình, từ đó đưa ra giải pháp tốt cho phát triển của cơ sở.

Người cán bộ công đoàn phải là chỗ dựa tin cậy và có tiếng nói chung. Phải lý luận giỏi, phải là nhà tuyên giáo, nhà tuyên truyền, là chỗ dựa của người lao động. Doanh nghiệp có mạnh thì công đoàn mới mạnh.

Phong trào nữ công, công tác nữ công, đảm việc nước giỏi việc nhà, phải cụ thể ở từng cán bộ, từng công tác công đoàn.

Năm 2011 công đoàn đã làm rất tốt công tác xã hội đặc biệt là công đoàn phía Nam đã thực hiện đi hiến máu nhân đạo, tặng quà vùng sâu vùng xa…

Năm 2012 phải đưa ra những giải pháp phát huy hơn nữa để Công đoàn ngành ngày càng có tiếng nói sâu sát cho công đoàn cơ sở.

3. Để thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2012 phấn đấu đạt 18-19 tỷ USD xuất khẩu, công đoàn ngành nên có định hướng phát triển cho công đoàn cơ sở.

Xây dựng đội ngũ công đoàn cơ sở có trình độ lý luận chính trị giỏi. Công đoàn ngành phải có thông tin đầy đủ cho công đoàn cơ sở để nhận biết kịp thời, hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Công đoàn ngành phải có thông tin tuyên truyền cho Nhà truyền thống ngành Dệt May VN để được đổi thành Bảo tàng Dệt May Việt Nam.

Công đoàn phải có hướng tích cực tuyền truyền để người công nhân trực tiếp sản xuất tại DN lớn là anh hùng lao động.

Công đoàn phải đánh giá lại công đoàn cơ sở, lấy mô hình công đoàn làm tốt để học tập kinh nghiệm cho công đoàn còn yếu ở doanh nghiệp.

4. Đảng uỷ tập đoàn sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động VN làm quy hoạch cán bộ cho công đoàn khoá tới và kiến nghị với TLĐLĐVN cho cơ chế đặc thù cho Công đoàn ngành Dệt May VN để tăng thu nhập cho cán bộ công đoàn yên tâm công tác.

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng đã có ý kiến chỉ đạo như sau:

- Công đoàn ngành Dệt May VN đã triển khai rất tốt ý kiến chỉ đạo của Đảng uỷ Tập đoàn và TLĐLĐ VN, thực hiện rất tốt sự chỉ đạo của công đoàn ngành xuống công đoàn cơ sở. Công đoàn Dệt May làm tốt đại diện quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển đoàn viên công đoàn và thành lập thêm các công đoàn cơ sở. Nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu tổ chức để thành lập các công đoàn cấp trên cơ sở, có như vậy mới chỉ đạo kịp thời.

- Ký thoả ước lao động tập thể rất tốt, ngành dệt may là ngành đặc thù hoạt động theo mô hình công đoàn ngành với sự phát triển từ Tổng LĐLĐ Việt Nam.

- Nhiệm vụ 2012 phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là quyền đại diện cho công đoàn.

- Tích cực triển khai sâu rộng mô hình công đoàn cơ sở tốt ở DN.

Tích cực hơn trong bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

- Phối hợp thật tốt với công đoàn địa phương nơi có các doanh nghiệp dệt may để mở rộng ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

- Tiếp tục đẩy nhanh phát triển đoàn viên, mở rộng thêm nhiều công đoàn cơ sở, mở rộng các đối tượng thoả ước tập thể để cuối năm thí điểm tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm về TƯLĐTT ngành Dệt May VN.

- Công đoàn phải tích cực hơn nữa trong tổ chức công tác nữ công.

- Cụ thể hóa công tác kiểm tra, công tác tài chính công đoàn.

- Tích cực hơn nữa trong công tác hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa.

Tại Hội Nghị, Cờ thi đua của Tổng LĐLĐ VN đã được trao cho 27 Công đoàn Cơ sở, Bằng khen của Tổng LĐLĐ VN đã được trao cho các Tập thể và cá nhân; Trao Cờ của Công Đoàn Dệt May cho các CĐCS và Bằng khen cho các cá nhân.

PV

.
.
.
.