.
.

Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí

Thứ Năm, 08/03/2012|10:13

Đó là một trong các nội dung được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), diễn ra ngày 7/3 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị chiều 7/3. (Ảnh: TTXVN)
Quang cảnh hội nghị chiều 7/3. (Ảnh: TTXVN)

Qua 13 ý kiến tham luận trực tiếp tại Hội nghị cùng nhiều ý kiến gửi bằng văn bản đến Ban Tổ chức đã cho thấy, về cơ bản, các Bộ, ngành và địa phương đều đồng tình với các nội dung được nêu lên trong Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá: Hội nghị lần này có vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đồng chí Lê Hồng Anh cho rằng, 5 năm qua, những thành tựu ban đầu của công cuộc đấu tranh PCTN đã cho thấy quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và những kết quả đó bước đầu đã góp phần vào sự phát triển của đất nước, ổn định chính trị, đảm bảo an toàn trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, củng cố niềm tin của nhân dân... Hội nghị lần này đã được nghe các phân tích cụ thể, chi tiết về nguyên nhân hạn chế, yếu kém đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN.

Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện đường lối, chính sách pháp luật liên quan đến công tác PCTN, quyết tâm từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí ra khỏi đời sống xã hội. Đồng chí nhấn mạnh, người đứng đầu phải đi tiên phong, không nể nang né tránh trong công tác PCTN; nói đi đôi với làm, cấp trên phải thực sự gương mẫu để cấp dưới noi theo. Nhất trí với những nhiệm vụ mà Hội nghị đã đề ra, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị tiếp tục kiện toàn bộ máy PCTN từ Trung ương đến địa phương. Coi PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ  đạo Trung ương về PCTN khẳng định: 5 năm qua, các cấp, ngành đã nghiêm túc, tích cực quán triệt, thực hiện các nội dung của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) cũng như Luật PCTN. Công tác PCTN, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả, từng bước được khống chế trên một số lĩnh vực, góp phần thiết thực vào các thành tựu chung của đất nước. Bên cạnh đó, cũng còn có một số mặt chưa đạt yêu cầu đề ra. Tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, còn nghiêm trọng, gây bức xúc cho xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. PCTN vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống nhà nước hiện nay của nước ta. Đây cũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi phải luôn kiên trì, kiên quyết, đồng bộ trong đấu tranh phòng, chống nhằm tiến tới đạt được mục tiêu “ngăn chặn, đẩy lùi” tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng bộ máy lãnh đạo trong sạch, vững mạnh.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: ĐB)

Trước yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp, ngành Trung ương và địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, hết sức quyết tâm, chủ động, phòng đi đôi với chống, không coi nhẹ mặt nào trong PCTN. Theo đó, tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu:

Một là, nâng cao hơn nữa quyết tâm, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó, nâng cao hơn nữa vai trò, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đặc biệt là tổ chức cơ sở Đảng; nâng cao tính tiền phong, gương mẫu, tự rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức.

Hai là, tập trung chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong quản lý kinh tế - xã hội, khắc phục những sơ hở, bất cập “xin-cho” trong quản lý bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp thuộc các lĩnh vực: đất đai, khoáng sản, thu – chi ngân sách, đầu tư công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính...

Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác cán bộ, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng, đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng – kỷ luật cán bộ; phải có chính sách hoàn thiện, rõ ràng, công khai, phù hợp về lương, đất đai – nhà ở cho cán bộ, khắc phục cơ chế tạo ra các đặc quyền đặc lợi, đảm bảo công bằng, tạo tâm lý yên tâm công tác, phụng sự Đảng, Tổ quốc và nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức.

Bốn là, xây dựng bộ máy cơ quan chức năng về PCTN trong sạch, vững mạnh và nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.

Năm là, dân chủ, công khai, minh bạch đối với các lĩnh vực dễ có nguy cơ tham nhũng, lãng phí, tăng cường phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, nêu cao sự giám sát của cả cộng đồng xã hội, của nhân dân đối với hệ thống công quyền.

Sáu là, xây dựng tổ chức cơ quan Ban chỉ đạo PCTN từ Trung ương xuống cơ sở đồng bộ, hiệu quả.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), triển khai Nghị quyết Đại hội XI và mới đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), với sự kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, quyết liệt, công tác đấu tranh PCTN của nước ta sẽ từng bước đạt kết quả tốt hơn, đạt mục tiêu, yêu cầu “ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí” xây dựng Đảng, Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh.

Theo ĐCSVN

 

.
.
.
.