.
.

Tỷ lệ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm có phải là thước đo uy tín của người lãnh đạo hiện nay?

Thứ Bảy, 06/10/2012|21:48

 

Mấy năm qua, việc đánh giá đề bạt cán bộ đều thông qua việc hiệp thương, bỏ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm. Nhiều nơi, nhiều đơn vị đã làm tốt, nhưng ở một vài đơn vị đã lợi dụng chủ trương này để tạo phe cánh, hạ bệ lẫn nhau.

Một sự vật bao giờ cũng có hai mặt. Làm thế nào để phát huy hết mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của việc bỏ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm, để nó trở thành thước đo uy tín, sự tín nhiệm của người lãnh đạo hiện nay?

Tôi đã có một cuộc đàm đạo và tranh luận với đồng chí P -  nguyên là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ - người cùng quê, trên quan điểm bạn hữu thân tình. Tôi đặt vấn đề: “Theo anh, thế nào được gọi là người lãnh đạo có uy tín hiện nay?”. Anh P trả lời như một quan niệm đã được chuẩn bị trước: “Người lãnh đạo có uy tín hiện nay là được nhiều người, hay nói chính xác hơn là được hơn 75% số người trong cơ quan công nhận và ủng hộ”. Tôi công nhận quan điểm của anh P, và nghĩ, có lẽ cũng chỉ có cách đó để đánh giá uy tín của người lãnh đạo hiện nay. Nhưng đó là lý thuyết trong “điều kiện tiêu chuẩn”. Ở đây, chúng ta muốn nói đến cán bộ trong môi trường sống, công tác cụ thể. Hằng ngày, hằng tuần họ đang cọ sát và phấn đấu tại một chi bộ, đảng bộ, trong một cơ quan, đơn vị cụ thể. Anh P cười xòa, giảng giải với tư cách của một người lãnh đạo: “Nếu có sự việc cụ thể nào đó, trong một cơ quan hoặc một chi bộ, đảng bộ nào đó có quan điểm đánh giá trái với quy luật tôi đã nêu, thì đó là trường hợp riêng lẻ, mang tính cá biệt mà thôi”.

Thực tế cuộc sống đang có hàng loạt sự việc xảy ra trong các cơ quan, đơn vị, địa phương… “trái với quy luật” anh P đã nêu. Nhất thiết đó không là hiện tượng riêng lẻ và cá biệt.  Vậy hiểu uy tín của người lãnh đạo thế nào là đúng?

“Uy tín” là một từ ghép. “Uy” có thể hiểu là người “có uy”. Chúng ta hiểu nó dưới góc độ “uy nghiêm”, “uy phong”, “uy nghi”… được toát ra từ tướng mạo của người lãnh đạo. “Uy” toát ra từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, giao tiếp…, nhất là từ những khẩu lệnh, quyết định, chỉ thị… của người lãnh đạo đối với cấp dưới mình. “Uy” chúng ta có thể hiểu nó là hình dáng bề ngoài dễ che đi cái thực chất bên trong. Chúng ta cũng có thể hiểu nó bằng vế đầu của câu ngạn ngữ: “Miệng Nam Mô…”, còn bên trong người đó có chứa “một bồ giao găm” hay là sự thiện tâm thì phải hiểu nó qua từ “tín”.

“Tín” có thể hiểu là “tin” - là niềm tin đích thực, chân chính của cấp dưới đối với người lãnh đạo. Để đánh giá đúng uy tín, chúng ta nên hiểu theo câu ngạn ngữ: “tâm phục - khẩu phục”. Trong một cơ quan, một chi bộ, đảng bộ có những người “khẩu phục” bằng cách tâng bốc, nịnh bợ… để làm vừa lòng lãnh đạo, như việc tung hô “vạn tuế ” đối với việc “trung quân”, nhưng trong tâm lại khinh bỉ, hằn học, sẵn sàng “ngáng chân” khi có điều kiện.

Những sự việc đang xảy ra quanh ta, đủ để cho mỗi người, mỗi đảng viên, tổ chức Đảng suy ngẫm... Bỏ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm thuộc vào phạm trù “tâm” (ấy là chưa nói “tâm phục”). Vì tâm có sáng, có trung thực thì khi bỏ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm sẽ đúng với nghĩa “phục” hay “không phục”, đúng với việc đánh giá bản chất của người lãnh đạo hiện nay. Ngược lại, “tâm” chứa “một bồ dao găm” thì làm sao phiếu bầu, phiếu tín nhiệm trở thành thước đo chính xác để đo uy tín của người lãnh đạo!

Ba sự việc nêu ra dưới đây đáng để mỗi đảng viên suy ngẫm:

Thứ nhất, sự việc xảy ra ở Đảng bộ xã N, thuộc huyện H. Đồng chí K đang giữ chức Bí thư Đảng bộ và Chủ tịch HĐND xã N. Trong Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2011 - 2016, đồng chí K tái trúng cử Bí thư Đảng bộ xã N với 100% số phiếu bầu. Chỉ 11 tháng sau, đồng chí K được lãnh đạo Đảng, Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức giới thiệu ra ứng cử đại biểu HĐND xã N. Trong các vòng hiệp thương, đồng chí K được lãnh đạo Đảng định hướng cơ cấu lại Chủ tịch HĐND xã. Nhưng khi bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 thì đồng chí K không trúng cử đại biểu HĐND xã N do số phiếu không quá bán.

Xin nói thêm rằng đồng chí K là kỹ sư nông nghiệp, một người có năng lực thực sự, đã từng làm Chủ tịch UBND xã hai nhiệm kỳ. Do việc chia tách xã làm hai nên đồng chí K được tổ chức điều động làm Bí thư Đảng bộ của xã N.

Thứ hai, cũng từ xã N nói trên, đồng chí T là Phó Chủ tịch UBND xã. Trong đợt bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, đồng chí T được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND huyện H và đại biểu HĐND xã N. Theo định hướng của lãnh đạo Đảng cấp trên thì đồng chí T sẽ giữ chức Chủ tịch UBND xã N. Kết quả bầu cử đồng chí T trúng cử đại biểu HĐND huyện H và đại biểu HĐND xã N với số phiếu bầu trong cả hai cấp khá cao.

Khi bầu các chức danh lãnh đạo, 19 đại biểu HĐND xã N bầu Chủ tịch UBND xã thì đồng chí T chỉ được 8/19 phiếu, mặc dầu chỉ có duy nhất đồng chí T trong danh sách ứng cử, đề cử để bầu Chủ tịch UBND xã N.

Thứ ba, ở một phòng chuyên môn cấp huyện có 13 người gồm 01 trưởng phòng, 02 phó trưởng phòng và 10 cán bộ. Họ đều là đảng viên. Khi một phó trưởng phòng nghỉ hưu, lãnh đạo huyện về chỉ đạo lấy phiếu tín nhiệm để đề bạt 01 phó trưởng phòng mới. Trong hội nghị có 02 lãnh đạo phòng và 05 cán bộ phát biểu nhận xét. Cả 07 người đều “khẩu phục” thạc sỹ M. Nhưng  kết quả thì thạc sỹ M chỉ được 4/12 phiếu bầu.

Như vậy, ít nhất có 03 người “khẩu phục” nhưng tâm lại “không phục”. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng cả 07 người “khẩu phục” đều không bỏ phiếu cho thạc sỹ M! Biết đâu 04 phiếu bầu này là của những người không phát biểu!

Tỷ lệ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm chỉ là thước đo uy tín của người lãnh đạo khi và chỉ khi tổ chức Đảng ở đó đoàn kết, trung thực, có tình đồng chí, có sự đồng tâm. Khi mọi người, mọi đảng viên trong cơ quan đều có tâm trong sáng, không có tư tưởng kèn cựa địa vị, không cơ hội hữu khuynh.

Thiết nghĩ, việc kiểm điểm từ lãnh đạo Đảng đến từng đảng viên hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương bốn, khóa XI phải được kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn và đồng thời với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.


 

Tạp chí Cộng sản
.
.
.
.