.
.

Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 10

Thứ Năm, 15/10/2020|20:48

Sáng 14/10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 10 và tập huấn công tác tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Trung ương.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của 250 điểm cầu trong cả nước, gồm 32 điểm cầu cấp tỉnh; 142 điểm cầu cấp huyện, 73 điểm cầu cấp xã.

HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 13: NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, THẢO LUẬN DÂN CHỦ, THẲNG THẮN

Tại Hội nghị, đồng chí Lê Quang Vĩnh, Trợ lý Thường trực Ban Bí thư Trung ương đã thông tin nhanh về “Kết quả Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII” và chuyên đề “Việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân và tổng hợp ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Theo đó, trong 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị Trung ương 13 đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng vào các báo cáo, đề án. Trung ương đã xem xét, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cập nhật những vấn đề mới, những nội dung bổ sung, sửa đổi theo nguyên tắc: Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác là báo cáo chuyên đề, chuyên sâu, phải đồng bộ, thống nhất.

Trung ương đã thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng, trách nhiệm và thống nhất cao với sự chuẩn bị của Bộ Chính trị về nhân sự; đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.

Theo đồng chí Lê Quang Vĩnh, công tác nhân sự được Trung ương thực hiện rất chặt chẽ, bài bản, khoa học, có kế thừa phương hướng nhân sự khóa trước; trong đó có quy định rõ độ tuổi tái cử Ủy viên Trung ương Đảng chính thức tính đến thời điểm Đại hội năm 2021 không quá 60 tuổi; với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là không quá 65 tuổi. Trường hợp đặc biệt sẽ do Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét quyết định trình Đại hội. Căn cứ ý kiến góp ý và kết quả Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và Quy trình công tác nhân sự đã đề ra, báo cáo Trung ương xem xét, quyết định trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.

CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM: TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, HIỆU QUẢ

Cũng tại Hội nghị, Quyền Vụ trưởng Vụ chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Hải đã báo cáo chuyên đề “Những vấn đề mới đặt ra và định hướng chính sách đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”.

Theo đại diện Bộ Ngoại giao, thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua những biến động mới, chưa từng có từ trước đến nay. Đó là 5 vấn đề lớn nổi lên trong bối cảnh hiện nay: 1) Đại dịch COVID-19; 2) Tình hình suy thoái kinh tế; 3) Cạnh tranh Mỹ-Trung; 4) Thách thức về an ninh; 5) Tình hình chung của khu vực.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trên, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19, với tinh thần chủ động nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần duy trì môi trường hòa bình, thu hút các nguồn lực cho phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Trong vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý để giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế; thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, đặc biệt là ASEAN.

Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cùng các nước thành viên đang hết sức nỗ lực để xây dựng một khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác, từng bước trở thành một Cộng đồng ngày một gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội. Việt Nam cam kết cùng các nước trong và ngoài khu vực duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tuân thủ các nguyên tắc kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

5 NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu kết  luận Hội nghị và định hướng tuyên truyền, đồng chí Đoàn Văn Báu, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trong thời gian tới tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tuyên truyền công tác chuẩn bị; kết quả đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tuyên truyền việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tập trung cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng dự thảo các văn kiện; đồng thời thông tin những tư tưởng, quan điểm mới trong dự thảo văn kiện và ý kiến đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân.

Tăng cường báo cáo, giới thiệu nội dung dự thảo các văn kiện; đồng thời theo dõi, nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc đóng góp nội dung dự thảo các văn kiện.

Hai là, tuyên truyền về tình hình quốc tế và công tác đối ngoại.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi Liên Hợp quốc được thành lập, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 gây ra đối với kinh tế, xã hội, chính trị và trên hết là đối với cuộc sống của con người; mặc dù môi trường chiến lược phức tạp hơn trước, song với tinh thần chủ động nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần duy trì môi trường hòa bình, thu hút các nguồn lực cho phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, và nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Ba là, tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội.

Từ số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, có cơ sở khẳng định năm nay kinh tế tăng trưởng dương (GDP chín tháng năm 2020 tăng 2,12%), đứng đầu các nước ASEAN trong bối cảnh các nước chung quanh tăng trưởng âm. Xuất khẩu đạt mức kỷ lục, thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều hình thức phù hợp, đạt mức cao. Chúng ta duy trì được tăng trưởng trong khi các đối tác, chuỗi cung ứng suy thoái nặng nề. Trong khi đó, CPI giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại mạnh mẽ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng, chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để gỡ “thẻ vàng” của EU đối với vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến đời sống của ngư dân, người dân ven biển mà còn liên quan đến hình ảnh, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Bốn là, tuyên truyền Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức mục đích và ý nghĩa của các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Từ đó, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy tinh thần thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thông qua tuyên truyền về Đại hội thi đua yêu nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; đưa phong trào thi đua yêu nước lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Năm là, tuyên truyền phòng, chống COVID-19.

Tính đến trung tuần tháng 10/2020, hơn một tháng, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và tỷ lệ chữa khỏi bệnh của Việt Nam đạt hơn 93%, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các khuyến cáo của cơ quan chức năng về các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.

Tuyên truyền phản ánh đầy đủ về tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới để người dân đề cao cảnh giác về nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn; đồng thời nhận thức rõ, ủng hộ, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong thực hiện “mục tiêu kép”: vừa sẵn sàng phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội./.

Theo tuyengiao.vn

.
.
.
.