Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam:
Xây dựng các Ban Đảng trong sạch vững mạnh
(ĐUKDNTW) - Lịch sử xây dựng, phấn đấu, hy sinh và trưởng thành hơn 81 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, cùng với các mặt công tác khác, công tác tổ chức, dân vận, kiểm tra và văn phòng cấp ủy Đảng gắn bó chặt chẽ với sự ra đời và hoạt động của Đảng, là một bộ phận không thể thiếu để xây dựng Đảng vững mạnh đảm bảo vai trò tiên phong, đảm đương sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.
Ngược dòng lịch sử, từ ngày 14 đến cuối tháng 10 năm 1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời tiến hành tại Hương Cảng (Trung Quốc) do đồng chí Trần Phú chủ trì, đã thông qua Luận cương chính trị, các án Nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, các Nghị quyết về vận động các giới quần chúng; Điều lệ Đảng và Điều lệ của một số đoàn thể quần chúng; đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương; đồng thời bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Gắn với ý nghĩa to lớn của sự kiện trọng đại này, ngày 14/10/1930 trở thành truyền thống của ngành công tác tổ chức xây dựng Đảng. Thời kỳ đó, đồng chí Nguyễn ái Quốc và những chiến sỹ cộng sản vừa là những nhà lãnh đạo cách mạng, vừa là những cán bộ tổ chức đầu tiên của Đảng, đặt nền móng cho công tác xây dựng Đảng để các thế hệ chiến sỹ cách mạng nối tiếp, tiến hành từng bước việc bổ sung, phát triển và hoàn thiện đường lối cách mạng Việt Nam, hoàn thiện đường lối và phương pháp công tác tổ chức của Đảng, xây dựng Đảng ta không ngừng lớn mạnh.
Cũng trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất, từ ngày 14 đến 31/10/1930 ghi rõ: trong các Đảng bộ (từ Thành và Tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các ban chuyên môn về các giới vận động: công nhân vận động, nông dân vận động, quân sự vận động, phụ nữ vận động… như vậy, trong tháng 10/1930 hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của đảng được xác định bao gồm: Cộng vận, Nông vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế. Lịch sử công tác dân vận của Đảng từ đây được điểm một dấu son chói lọi, ngày 15/10/1930 đánh dấu sự ra đời chặng đường phát triển vẻ vang của công tác dân vận, trở thành ngày truyền thống ngành dân vận của Đảng.
Cũng tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định thành lập các bộ phận chuyên giúp việc Trung ương Đảng (nay là Văn phòng Trung ương Đảng), trong đó chỉ rõ “Cần căn cứ vào Điều lệ mới của Đảng mà tổ chức cơ quan chỉ đạo cho thích hợp với điều kiện bí mật, cần phân quyền và phân công rõ rệt, Đảng bộ phải có hai, ba đầu mối khác nhau với Đảng bộ khác (đồng cấp hay khác cấp) để đề phòng khi mất mối này thì còn mối khác, một người không nên biết nhiều đầu mối giao thông”. Hội nghị này đã được chuẩn bị chu đáo, bảo vệ an toàn và tổ chức thành công trong điều kiện hoạt động bí mật và chịu sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù. Điều đó, có sự đóng góp rất lớn của Bộ phận giúp việc Trung ương Đảng; đây chính là trang sử đầu tiên viết về những người làm công tác văn phòng của Đảng. Trong thời kỳ 1930 đến 1945, tuy chưa có tổ chức văn phòng của Trung ương, nhưng những công việc thuộc chức năng của văn phòng đều được các bộ phận giúp việc thực hiện tốt; đó có thể coi là những tổ chức sơ khai tiền thân của tổ chức Văn phòng Trung ương Đảng. Với lý do đó, ngày 29/01/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 18/10/1930 là ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng, đồng thời là ngày Truyền thống Văn phòng cấp ủy Đảng.
Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã coi trọng việc giữ gìn kỷ luật Đảng và công tác kiểm tra. Điều lệ Đảng năm 1930 quy định trách nhiệm của đảng viên và các Đảng bộ là chấp hành kỷ luật Đảng một cách nghiêm khắc. Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng ngày 29/3/1935 đã chỉ rõ: để kiểm tra và chỉ đạo công tác của địa phương, các cấp ủy có thể đặt ra Ban Đặc biệt ủy viên để tra xét những vấn đề phạm đến kỷ luật nên thời kỳ tiền khởi nghĩa, Đảng ta chưa có điều kiện lập ra cơ quan kiểm tra chuyên trách. Đến cuối năm 1947, đầu năm 1948, do yêu cầu lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương mới điều một số cán bộ ở các tỉnh về tăng cường cho cơ quan Trung ương (phần lớn là các đồng chí tỉnh ủy viên, ủy viên thường vụ tỉnh ủy) và cuối năm 1948, Đảng ra quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, ngày 16/10/1948 trở thành ngày truyền thống của ngành kiểm tra.
Đảng Cộng sản Việt
Năm 2002, đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên và những người làm công tác xây dựng Đảng vô cùng vinh dự, phấn khởi, tự hào được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng cho Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương và Văn phòng Trung ương, và năm 2003, tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho UBKT Trung ương, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng vì những đóng góp, cống hiến của các thế hệ làm công tác tổ chức, dân vận, kiểm tra, văn phòng cấp uỷ đối với sự nghiệp xây dựng Đảng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc thời gian qua.
Kỷ niệm ngày truyền thống các ban xây dựng Đảng cũng là dịp để những người làm công tác xây dựng Đảng nhìn lại chặng đường phấn đấu, hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi vẻ vang của mỗi cơ quan, tổ chức đảng, mặt khác cũng là dịp kiểm điểm kết quả công tác, để đẩy mạnh thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, thiết thực chào mừng kỷ niệm ngày truyền thống.
Kết quả thời gian qua rất đáng trân trọng nhưng nhiệm vụ trước mắt còn rất nặng nề. Từ thực tiễn thời gian qua, xin đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh chất lượng công tác các Ban xây dựng Đảng nói chung, công tác Tổ chức, Dân vận, Kiểm tra và Văn phòng Cấp ủy nói riêng tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Một là: Tham mưu với cấp uỷ lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Kết luận số 81-KL/TW tiếp tục khẳng định công nghiệp cơ khí chế tạo là ngành trọng điểm trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo; khẩn trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) và Kết luận số 45-KL/TW, ngày 10/4/2009 của Bộ Chính trị về thí điểm mô hình Tập đoàn kinh tế; chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển, sớm ổn định sản xuất kinh doanh, từng bước củng cố uy tín thương hiệu Tập đoàn Vinashin. Đây là những định hướng cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm, và là thuận lợi rất căn bản để Tập đoàn Vinashin đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiến lên phía trước.
Bám sát nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn, công tác mỗi Ban xây dựng Đảng cần tham mưu với Cấp ủy lãnh đạo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu, chú trọng tham mưu lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ còn yếu, các chỉ tiêu công tác còn đạt thấp quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sản phẩm chất lượng tốt, đúng tiến độ, hiệu quả cao, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, đời sống người lao động…
Tiếp tục tham mưu cho BCH Đảng bộ Tập đoàn lãnh đạo thực hiện tốt mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong thiết kế, sản xuất, chế tạo sản phẩm mới, tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của từng đơn vị; giữ vững và phát triển thương hiệu, uy tín Vinashin theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ II Đảng bộ Tập đoàn (nhiệm kỳ 2010-2015) đã xác định.
Tạo sự thống nhất cao về tư tưởng, nhận thức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu, quy hoạch mạng lưới, sắp xếp tổ chức khoa học, bố trí hợp lý, tạo sự phát triển vững chắc… Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, như một yếu tố góp phần tăng lợi thế cạnh tranh, coi trọng cải cách bộ máy phù hợp, cân đối giữa bộ máy trực tiếp và gián tiếp trên cơ sở yêu cầu công việc, vừa quan tâm mở rộng quy mô, vừa tinh giản hợp lý. Tăng cường hoạt động lực lượng bảo vệ, tự vệ, giữ vững ANTT, đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển sản xuất kinh doanh.
Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo việc làm, thu nhập và thực hiện tốt chế độ chính sách để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó, phát huy trách nhiệm dốc sức vì sự phát triển của từng đơn vị và lợi ích của mỗi người, sẵn sàng chia sẻ với mỗi bước đi thăng trầm của doanh nghiệp vì mục tiêu chung. Chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Mở rộng dân chủ trong doanh nghiệp, thực hiện tốt các quy chế dân chủ theo quy định.
Hai là: Tham mưu xây dựng Đảng, bộ máy điều hành, các tổ chức đoàn thể ngày càng trong sạch vững mạnh. Trong đó trọng tâm là tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế hoạt động; quy chế nội bộ; quy chế phối hợp tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng của bộ máy trong thực hiện các nhiệm vụ. Mỗi Cấp ủy Đảng cần xây dựng Kế hoạch, nội dung chương trình công tác toàn khóa, nhiệm vụ các Hội nghị Ban Chấp hành, Hội nghị Ban Thường vụ. Trên cơ sở đó, mỗi Ban xây dựng Đảng cần xây dựng kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng, hàng tuần của từng Ban. Coi trọng tính kế hoạch trong lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, nâng cao chất lượng chuẩn bị các nội dung đề án trình Cấp ủy, do đó góp phần nâng cao chất lượng mỗi Hội nghị Cấp ủy và chất lượng Nghị quyết.
Để làm tròn vai trò lãnh đạo các cấp uỷ Đảng phải thường xuyên tự đổi mới phương thức lãnh đạo, đảm bảo sự lãnh đạo trên mọi mặt công tác. Chú trọng công tác cán bộ, công tác chi bộ. Thực hiện tốt các nội dung nguyên tắc công tác xây dựng đảng về tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật và tự giác; đoàn kết thống nhất trong nội bộ đảng. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Duy trì chế độ hội họp, giao ban triển khai nghị quyết Cấp uỷ Đảng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh giữa Đảng uỷ, Ban Giám đốc và cán bộ chủ chốt doanh nghiệp. Sự lãnh đạo của đảng thông qua vận động, thuyết phục, do đó, hơn bao giờ hết cần nêu cao văn hoá trong đảng, nâng cao tầm trí tuệ và bản lĩnh chính trị của mỗi tổ chức đảng, nâng cao uy tín, tính tiền phong gương mẫu của mỗi đảng viên trước tập thể người lao động.
Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình; phương châm làm việc nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, có kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra; nắm chắc thực tiễn, tiếp thu và áp dụng cái mới... Nâng cao chất lượng sinh hoạt của BCH Đảng bộ và mỗi Cấp uỷ chi bộ, gắn nội dung sinh hoạt với bàn biện pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi chi bộ, nêu cao vai trò của mỗi Cấp uỷ thông qua sinh hoạt tổ chức Đảng. Thực hiện tốt công tác phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, phân loại cán bộ, đảng viên gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân hàng năm. Nêu cao tính chiến đấu, giáo dục, lãnh đạo trong sinh hoạt tổ chức đảng. Coi trọng việc xây dựng ý chí chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, chống biểu hiện cơ hội trong đảng.
Cán bộ quyết định chất lượng công việc, cần đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ, rà soát nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn cán bộ cơ quan Tập đoàn và các đơn vị thành viên; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ. Chú trọng đào tạo cán bộ, khuyến khích cán bộ, đảng viên tự học tập nâng cao trình độ lý luận, kiến thức chuyên môn, khoa học công nghệ, ngoại ngữ, tin học để tiếp cận với kỹ thuật hiện đại, vững vàng trong quá trình hội nhập, tham gia các quan hệ giao dịch kinh tế quốc tế. Coi trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao chất lượng lao động, xác định đây là yếu tố đầu vào nguồn cán bộ doanh nghiệp.
Bốn năm qua, kể từ năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, thời cơ đan xen thách thức, cạnh tranh gay gắt; giá cả ngày một tăng, thời tiết, bão lụt thất thường, bệnh dịch diễn biến phức tạp; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội tiếp tục hoạt động ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn; khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin và công nghệ sinh học tiếp tục có những bước nhảy vọt, ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức, làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực xã hội; sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn dự báo vẫn tiếp tục gặp khó khăn, ảnh hưởng tới thu nhập, việc làm, tác động không nhỏ đến tiến trình tái cơ cấu... Do đó đang đặt ra yêu cầu không ngừng đổi mới, không ngừng cố gắng đối với mỗi tổ chức Đảng, mỗi ban tham mưu của đảng và mỗi cán bộ làm công tác xây dựng đảng và đội ngũ đảng viên, nếu không sẽ bị lạc hậu, tụt hậu, bất cập trước yêu cầu đòi hỏi của cách mạng giai đoạn mới. Đổi mới và chỉnh đốn Đảng, xây dựng mỗi tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh mới có thể hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo doanh nghiệp phát triển tiến lên phía trước. Kỷ niệm 81 năm ngày truyền thống công tác Tổ chức, Dân vận, Văn phòng Cấp ủy và 63 năm ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng, cán bộ, đảng viên, người lao động Tập đoàn tin tưởng sâu sắc rằng, phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, chắc chắn đội ngũ làm công tác xây dựng Đảng nói chung, làm công tác tổ chức, kiểm tra, dân vận, văn phòng Cấp ủy từ Tập đoàn đến các cơ sở Đảng sẽ đoàn kết một lòng, không ngừng đổi mới, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Đảng./.
Ths.
Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy
Trưởng Ban Tổ chức nhân sự và Đào tạo Tập đoàn