.
.

Tọa đàm "Nhà nước với doanh nghiệp" lần thứ nhất

Thứ Năm, 22/03/2012|20:47

Bộ Tài chính đang chủ trì sửa đổi bổ sung các quy định pháp lý dành cho doanh nghiệp, trong đó, làm rõ vai trò của Nhà nước trong thực hiện chức năng quản lý của doanh nghiệp, xử lý hài hòa, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Ảnh: Chinhphu.vn

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu tại buổi tọa đàm "Nhà nước với doanh nghiệp" lần thứ nhất với chủ đề “Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế bền vững”.

Buổi tọa đàm do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức hôm nay 22/3.

Theo ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, từ khi tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên được thành lập vào năm 2005, đến nay đã có 12 tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình này, ngoài ra có các tổng công ty 90, 91… Riêng trong lĩnh vực tư nhân có khoảng hơn 670 doanh nghiệp có tên tập đoàn…

PGS. TS Trần Văn Tá, Chủ tịch Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), nhận xét việc hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu tích tụ tập trung nguồn lực kinh tế tạo nên thực thể kinh tế có tiềm lực tài chính, thị trường, công nghệ lớn hơn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận và thích ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, nhìn nhận về mô hình hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà  nước có thể thấy nổi lên một số vấn đề như việc phân công, phân cấp các quyền sở hữu vốn nhà nước tại công ty mẹ chưa được quy định đầy đủ, cụ thể, chưa gắn quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể tham gia thực hiện các quyền của chủ sở hữu...

Ông Nguyễn Trọng Dũng cho biết các đề án đang tích cực xây dựng, tạo dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn cho doanh nghiệp như: đề án về thành lập Tập đoàn kinh tế tư nhân, có quy định cụ thể thế nào là Tập đoàn, thế nào là Tổng công ty. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang soạn thảo các quy định cụ thể về các tổ chức giải thể hay phá sản.

Các ý kiến tại tọa đàm cho rằng cần phải phát huy hết quyền làm chủ thật sự của doanh nghiệp, hoàn thiện đồng bộ các vấn đề như quản trị tài chính, nhân sự...

Về vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết định hướng xây dựng chính sách là làm rõ vai trò của nhà nước trong thực hiện chức năng quản lý của doanh nghiệp; vai trò của nhà nước với tư cách là chủ sở hữu khối tài sản lớn; tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh.

Bộ Tài chính cũng sẽ xây dựng và trình các Nghị định mới về đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, các quy định về vai trò của Tập đoàn kinh doanh vốn nhà nước.

Bộ Tài chính đã nhận thức được tầm quan trọng vấn đề công khai minh bạch thông tin, các thông tin doanh nghiệp đang từng bước được công khai, dự thảo các văn bản được lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin Bộ Tài chính …

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đề nghị: “Các doanh nghiệp cần tích cực hơn trong quá trình lấy ý kiến. Thực tế có tình trạng khi lấy ý kiến thì không tham gia, nhưng khi triển khai vướng mắc thì các doanh nghiệp lại phàn nàn”.

Huy Thắng/CP

.
.
.
.