.
.

DN cần nghiêm túc hơn nữa trong việc XK sang Anh

Chủ Nhật, 27/11/2011|20:42

  Trả lời phỏng vấn của DĐDN tại buổi “Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Anh” do VCCI phối hợp với Phòng Thương mại London, Vương quốc Anh (LCCI) tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Hoàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực VCCI cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiêm túc hơn nữa trong việc xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Anh.

Ông Hoàng Văn Dũng –
Phó Chủ tịch 
Thường trực VCCI

 

 
- Ông có thể cho biết tình hình đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam?

Các công ty Anh vào Việt Nam sớm (1988-1989) nhưng trong thời gian này chủ yếu tập trung vào dầu khí (70% tổng đầu tư). Nay đầu tư của Anh đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới như ngân hàng tài chính, công nghiệp chế tạo, dịch vụ, may mặc... Các nhà đầu tư Anh có mặt tại 17 địa phương trong cả nước. Dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư của Anh là các dự án dầu khí ngoài khơi với 712,6 triệu USD (chiếm 33%).

Tính đến tháng 11/2010, Anh có 135 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 2,2 tỷ USD (đứng thứ 3 trong các nước EU, sau Hà Lan và Pháp và đứng thứ 17/93 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam). Ngoài ra, các công ty Anh thuộc British Virgin Island đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn khoảng 3 tỷ đô-la.

Bên cạnh đó, các công ty lớn cũng đã có mặt tại Việt Nam như: Công ty dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, động cơ máy bay Rolls-Royce, viễn thông Vodafone, vận tải P&O, hoá chất dược GlaxoSmithKline, các ngân hàng HSBC, Standard Chartered, bảo hiểm Prudential.

Tháng 3/2008 nhân chuyến thăm Anh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đã cho phép trên nguyên tắc hai ngân hàng của Anh là HSBC và Standard Chartered được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Hai nước đã ký nhiều thoả thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực có giá trị trên 5 tỷ USD trong đó nổi bật là: thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai công ty dầu khí, thỏa thuận xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Miền Trung…

Có thể nói hiện nay quan hệ Việt Nam và Anh đã mang tầm chiến lược và đang phát triển khá sâu rộng trên nhiều lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, an ninh quốc phòng… Anh đã ký với ta hầu hết các hiệp định kinh tế khung; trở thành một trong những nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam; ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU.

- Vậy đầu tư của nước ta sang Vương quốc Anh thì như thế nào, thưa ông?

Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 2 dự án đầu tư sang Anh với tổng vốn đầu tư là 500.000 USD. Trong đó có 1 dự án trong lĩnh vực dịch vụ của Cty Vải Thuận Kiều để trưng bày và quảng bá sản phẩm Việt Nam và Liên hiệp Hàng hải Việt Nam đầu tư làm dịch vụ đại lý Hàng hải; 1 dự án của Công ty Đầu tư và phát triển chè mở đại lý tiêu thụ chè tại London.

- Ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư tại thị trường đầy tiềm năng này?

Nhìn chung, Anh là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khai thác và phát triển trong những năm tới nếu ta biết cách tận dụng lợi thế và khắc phục các thiếu sót. Đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng lao động phổ thông cao. Trước đây ta còn xem với lợi thế giá nhân công rẻ nên có thể cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác tại thị trường này. Nhưng hiện nay yếu tố này không còn là lợi thế nữa. Muốn phát triển xuất khẩu tại thị trường này, các tổ chức xúc tiến, cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xem xét khắc phục một số vướng mắc như: Cần phải có các chương trình xúc tiến, quảng bá sâu rộng hình ảnh Việt Nam, các cơ hội buôn bán đầu tư và chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường này. Đối với rất nhiều người dân nước Anh, những thông tin về đất nước và con người Việt Nam còn rất nghèo nàn, mà điều này thì lại tác động rất nhiều đến tâm lý tiêu dùng khi họ đi mua sắm.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiêm túc hơn nữa trong việc xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Anh. Chất lượng phải đảm bảo, đặc biệt với các mặt hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản, thủy sản, đồ gỗ…

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh và xuất khẩu dài hạn đối với thị trường này, phải xây dựng thương hiệu, chính sách tiếp thị phù hợp với người tiêu dùng Anh.

- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

Trong năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt 1,68 tỷ USD, nhập khẩu từ Anh đạt 551,1 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2010 đạt 2,19 tỷ USD, tăng 27,32 % so với năm 2010.

Trong 8 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Anh và Việt Nam đạt 1,221.719 triệu Bảng, tăng 22.4 % so với cùng kỳ năm 2010.

 

Hồ Hường - Theo Diễn đàn doanh nghiệp

.
.
.
.