.
.

Tái cơ cấu để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn

Thứ Sáu, 02/12/2011|14:16

 Các chương trình tái cơ cấu góp phần giải phóng mạnh mẽ hơn sức sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và sử dụng hiệu quả hơn đồng vốn của Nhà nước.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam phát biểu tại Họp báo - Ảnh Chinhphu.vn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ  thường kỳ tháng 11/2011 được tổ chức chiều nay (1/12).

 

Các giải pháp của Chính phủ để thực hiện thắng lợi những mục tiêu nhiệm vụ của năm 2012, 3 đề án tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng và các chính sách điều hành về tài chính, tiền tệ là nội dung được đông đảo báo chí quan tâm.  

Đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền

Đối với những vấn đề liên quanđến tái cơ cấu ngân hàng thương mại (NHTM), Bộ trưởng Vũ Đức Đam chỉ rõ, nguyên tắc là đảm bảo hệ thống NHTM nói riêng, các tổ chức tín dụng và các thiết chế tài chính nói chung phải lành mạnh, an toàn, minh bạch.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, trong suốt những năm qua, hệ thống ngân hàng đã có bước lớn mạnh cả về số lượng và quy mô, tuy nhiên cũng bộc lộ những yếu kém.

Đối với nhóm ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh hiện nay cần phải được sắp xếp lại, những ngân hàng nào hoạt động hiệu quả tiếp tục tạo điều kiện để hoạt động tốt hơn, ngân hàng nào khó khăn thì trợ giúp, đảm bảo các ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị ngày càng cao, hoạt động minh bạch, thực sự là ngân hàng đại chúng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP một lần nữa khẳng định, Chính phủ không để đổ vỡ hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. “Người dân gửi tiền ở ngân hàng nào thì cũng hoàn toàn yên tâm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nói.

Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu rõ, chủ trương chung của Chính phủ sẽ đẩy nhanh hơn nữa tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn cho biết thêm, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã duyệt 49 đề án sắp xếp doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương và đang tiếp tục triển khai các thủ tục của 36 đề án khác. Qua tổng hợp bước đầu 5 năm tới, sẽ tiếp tục cổ phần hóa 573 doanh nghiệp nhà nước.

“Đây là nhiệm vụ lớn đòi hỏi không chỉ về mặt kế hoạch, chương trình, các giải pháp chỉ đạo mà còn là cơ chế tài trợ. Do đó, nếu kinh tế thế giới được phục hồi, kế hoạch này sẽ được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn”, Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn cho biết.

Điều hành lãi suất thận trọng, linh hoạt

 

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2011 - Ảnh Chinhphu.vn

Thông tin tới báo chí về việc điều hành lãi suất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, là theo hướng thận trọng, linh hoạt trên cơ sở tín hiệu thị trường vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát vừa đảm bảo tăng trưởng hợp lý.

 

Theo đó các công cụ bao gồm cả lãi suất sẽ được điều hành phù hợp theo diễn biến thị trường để từng bước giảm dần mặt bằng lãi suất theo mức giảm của lạm phát. Đến nay lạm phát có chiều hướng chậm lại, như vậy có cơ sở để điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh, giảm ở thời điểm nào, giảm ở mức độ bao nhiêu cần phải có những đánh giá thận trọng.

Nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Về  các phương án miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ đã xây dựng các phương án, giải pháp gia hạn nộp thuế và miễn giảm thuế. Tuy nhiên, việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, do đó vấn đề này sẽ được xem xét trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa XIII.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết thêm, Chính phủ đã thảo luận các giải pháp để làm sao doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Chính phủ nhận thấy mặt bằng lãi suất cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vì vậy đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét có phương án hạ mặt bằng lãi suất, vẫn đảm bảo lãi suất dương nhưng phải linh hoạt.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét những chính sách thuế tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Trước sự quan tâm của báo chí lo ngại về việc nếu khu vực đồng tiền chung châu Âu vỡ nợ và ảnh hưởng đến các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, hiện nay cơ cấu dự trữ ngoại hối có đồng euro nhưng tỷ trọng nhỏ. Chính phủ Việt Nam cũng như các nước rất quan tâm đến vấn đề này. Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, các nước châu Âu sẽ có giải pháp để tìm ra lối thoát, tránh sự sụp đổ.

Bộ  trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, khi tính toán tất cả các  phương án để điều hành, Chính phủ đặc biệt chú ý tới báo cáo dự báo tình hình khu vực và thế giới trong đó có nợ công của châu Âu. Chính phủ đã thảo luận rất kỹ vấn đề này, nếu vấn đề nợ công ở châu Âu không được giải quyết đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Trong đó, nền kinh tế Việt Nam rất mở nên cũng chịu ảnh hưởng nhất định.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, với cán cân xuất nhập khẩu rất khả quan, dự trữ ngoại hối của chúng ta được tăng cường.

Mai Chi (Theo Chính Phủ)

.
.
.
.