.
.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Thị trường chứng khoán trong năm 2012 sẽ tốt hơn năm ngoái

Thứ Năm, 02/02/2012|01:25

 

“Với nhiều chính sách hỗ trợ TTCK đã và sẽ được triển khai, TTCK trong năm 2012 sẽ tốt hơn năm ngoái và dần đi vào thế phát triển tích cực, vững chắc”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhận định khi đánh cồng phiên giao dịch đầu Xuân tại Sở GDCK Hà Nội.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Vương Đình Huệ

Thưa Bộ trưởng, đâu là những chính sách cốt lõi mà Bộ Tài chính sẽ triển khai trong năm nay để hỗ trợ TTCK phục hồi lành mạnh?

Kinh tế vĩ mô có tốt thì mới tạo nền tảng vững chắc cho TTCK phục hồi bền vững và tăng trưởng ổn định, qua đó tạo điều kiện cho DN huy động vốn hiệu quả trên TTCK. Bởi vậy, trong năm 2012, Bộ Tài chính sẽ triển khai quyết liệt chương trình hành động để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01 của Chính phủ, nhằm ổn định vĩ mô vững chắc hơn, qua đó hỗ trợ thiết thực cho TTCK. Nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế đang được Chính phủ triển khai hiệu quả, nên tạo được niềm tin trong NĐT.

Đặc biệt, các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ thị trường, nhất là biện pháp tái cấu trúc TTCK đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) triển khai đồng bộ, nên bước đầu phát huy hiệu quả hỗ trợ thị trường.

Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt với Ngân hàng Nhà nước trong việc sớm tạo ra những điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho TTCK phát triển ổn định, bền vững, minh bạch, công bằng.

Năm 2012, kinh tế Việt Nam cũng như thế giới còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng đã có những dấu hiệu tích cực, nên TTCK trong năm 2012 sẽ “xanh” hơn năm 2011 và dần đi vào thế phát triển vững chắc hơn.

 

Có bước tiến mới nào trong việc triển khai tái cấu trúc TTCK dựa trên 4 trụ cột mà Bộ Tài chính đã đề ra, thưa Bộ trưởng?

Quan điểm nhất quán của Bộ Tài chính là luôn coi TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Bởi vậy, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là UBCK triển khai quyết liệt chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, trong đó chú trọng thực hiện tái cấu trúc TTCK với 4 trụ cột là: tái cơ cấu tổ chức quản lý, vận hành thị trường; hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ; cơ sở NĐT và hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Việc chấn chỉnh hiệu quả hoạt động cũng như tái cấu trúc các CTCK đang được triển khai quyết liệt và khẩn trương. Các trụ cột còn lại đang được Bộ, UBCK chuẩn bị các điều kiện để triển khai hiệu quả ngay khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua đó, giúp đảm bảo cho việc tổ chức thị trường được vận hành hiện đại hơn, thông suốt, minh bạch hơn.

Cùng với đó, Bộ sẽ chỉ đạo UBCK thực thi đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển của TTCK thông qua hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, các giải pháp hỗ trợ TTCK sẽ phát huy tác dụng và thị trường sẽ phục hồi, phát triển lành mạnh hơn trong những năm tới. Để hỗ trợ TTCK phục hồi bền vững từ năm 2012, rất cần NĐT, CTCK và doanh nghiệp niêm yết tiếp tục vượt khó.

 

Để hỗ trợ nhiều DN niêm yết vượt qua khó khăn hiện tại, Bộ Tài chính có giải pháp cụ thể nào trong năm 2012, thưa Bộ trưởng?

Để tiếp sức cho nỗ lực vượt khó của các DN nói chung, DN niêm yết nói riêng, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ thiết thực trong năm nay.

Theo đó, ngoài có chính sách hỗ trợ các DN tiến hành tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, Bộ Tài chính sẽ đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp cả trong trước mắt và lâu dài.

Trong đó, trọng điểm là hỗ trợ 3 lĩnh vực: tín dụng, thuế và phát triển thị trường trái phiếu DN. Đặc biệt, đối với thị trường trái phiếu, cùng với triển khai các giải pháp quyết liệt để nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia, giảm chi phí phát hành trái phiếu cho DN, Bộ Tài chính đã phối hợp với các đơn vị hữu quan xây dựng và phát triển các tổ chức định hạng tín nhiệm DN, qua đó hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường trái phiếu DN.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy TTCK phát triển đồng bộ, mạnh mẽ và bền vững hơn trong thời gian tới.

 

 

Hữu Hòe
.
.
.
.