.
.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2012:Giữ vững ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất

Thứ Ba, 06/03/2012|20:59

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có phản ứng chính sách nhanh nhạy, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế nhằm thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát để giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.

Ảnh: Chinhphu.vn

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong 2 ngày (ngày 5 và 6/3), Chính phủ đã họp phiên họp thường kỳ tháng 2/2012.

CPI tăng thấp, xuất khẩu tăng khá, thực hiện tốt an sinh xã hội

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đánh giá, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trước, sau Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả nhất định.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2012 tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 2,38% so với tháng 12/2011, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (cùng kỳ 2 tháng đầu năm 2011 tăng 3,87). Như vậy, mặc dù là tháng sau Tết Nguyên đán, song mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2012 là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm qua (ngoại trừ năm 2001 tăng 0,4% và năm 2009 tăng 1,17%, CPI tháng 2 so với cùng kỳ năm trước các năm 1986 – 2011 đều cao hơn 1,37%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2012 ước đạt 8,2 tỷ USD; lũy kế hai tháng đầu năm 2012 đạt xấp xỉ 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Nhập siêu tháng 2/2012 là 800 triệu USD; lũy kế hai tháng đầu năm nhập siêu là 628 triệu USD, bằng 4,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ cho các hộ thiếu đói (trong tháng 2 năm 2012 đã hỗ trợ khoảng 900 tấn lương thực; lũy kế hai tháng đầu năm 2012 đã hỗ trợ cứu đói khoảng 13,6 nghìn tấn lương thực và khoảng 22,4 tỷ đồng). Trong tháng, ước tạo việc làm cho khoảng trên 137 nghìn người, trong đó xuất khẩu lao động ước đạt 7,2 nghìn người.

Trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giảm nhiều so với cùng kỳ (giảm 17% số vụ, giảm 11% số người bị chết, giảm 18% số người bị thương).

Bên cạnh khẳng định các kết quả đạt được, Chính phủ cũng tập trung phân tích những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, trong đó nổi lên là lãi suất còn ở mức cao, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn, tăng trưởng tín dụng giảm ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.

Sản xuất công nghiệp tăng chậm, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do chi phí đầu vào cao, tồn kho ở mức cao dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể.

Cùng với đó, rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; tiến độ gieo cấy lúa đông xuân bị chậm, chăn nuôi gia súc bị ảnh hưởng; dịch bệnh gia cầm lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước; nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu.…

Các thành viên Chính phủ cho rằng, việc kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô phải luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt. - Ảnh: Chinhphu.vn

Kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu cùng với thúc đẩy sản xuất

Từ sự phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cũng như dự báo tình hình, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô phải luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt. Đi liền với đó phải duy trì được hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ được tăng trưởng ở mức hợp lý, giải quyết tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội;…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề xuất, trước hết cần tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó hết sức lưu ý thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Trong thúc đẩy sản xuất công nghiệp cần tập quan tâm tháo gỡ khó khăn cho những ngành đang có tốc độ tăng trưởng thấp như công nghiệp chế biến, chế tạo…

Triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm, giảm chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng tồn động hàng hóa hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng các Bộ, ngành chức năng cần tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả hoạt động thu mua lúa gạo, tránh tình trạng rớt giá, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân; kiểm soát tốt giá lương thực, thực phẩm.

Đồng tình với các quan điểm nêu trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề xuất việc xây dựng các biện pháp điều chỉnh tín dụng phù hợp, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, ưu tiên vốn tín dụng cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp chế biến…

Nhấn mạnh việc phát triển thị trường vốn trái phiếu Chính phủ mới 2 tháng đầu năm 2012 đã đạt được khoảng 37% kế hoạch năm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phát triển thị trường vốn trái phiếu Chính phủ để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn dài hạn này.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng các Bộ, ngành chức năng khi nêu những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, khó khăn trong thu thuế cần phân tích cụ thể những khó khăn đó là gì, đề xuất những giải pháp khắc phục như thế nào. Phó Thủ tướng cũng lưu ý chống lạm phát là quan trọng, là nhiệm vụ cấp bách song phải duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.

Các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các Bộ, ngành địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông; quan tâm tới khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ ở các thành phố lớn; xử lý nghiêm các phương tiện giao thông vi phạm, bất kể phương tiện giao thông đó của cá nhân, tổ chức nào; quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho xuất khẩu lao động…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trong khó khăn càng cần chú ý phát huy những lợi thế của đất nước, nhất là lợi thế chính trị, xã hội ổn định.  Ảnh: Chinhphu.vn

Trong khó khăn, cần phát huy lợi thế của đất nước cho phát triển

Kết luận phiên họp, nhấn mạnh tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm đã có chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, không thể chủ quan, thỏa mãn.

Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, đánh giá khách quan, đúng thực trạng tình hình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có những phản ứng chính sách nhanh nhạy, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế nhằm thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, trong khó khăn càng cần chú ý phát huy những lợi thế của đất nước, nhất là lợi thế chính trị, xã hội ổn định cho thu hút đầu tư, cho phát triển sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ…

Nêu rõ tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2012, lạm phát đã được kiểm soát và với tinh thần chung là tiếp tục ưu tiên kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các Bộ, ngành chức năng cần quyết liệt chỉ đạo điều hành để giữ vững sự ổn định về tỷ giá. Cùng với đó, có lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp với tình hình thực tế, dứt khoát điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, thực hiện điều hành giá cả những mặt hàng thiết yếu này vừa bảo đảm mục tiêu theo cơ chế giá thị trường vừa đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Thủ tướng cũng chỉ đạo việc tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất ngân hàng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý. Thủ tướng khẳng định, việc thực hiện lộ trình giảm lãi suất là có cơ sở khách quan, không phải duy ý chí, việc giảm lãi suất dựa trên cơ sở thanh khoản ngân hàng đã được cải thiện một bước, CPI giảm tốc…

Cùng với đó, gắn liền với giải quyết thanh khoản phải thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng. Hoạt động tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Trên cơ sở thị trường chứng khoán khởi sắc, cần đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhất là thông qua hình thức cổ phần hóa. Kiểm soát tốt thu chi ngân sách; cắt giảm đầu tư công; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, hạn chế tối đa nhập khẩu, nhất là đối với những mặt hàng xa xỉ, không cần thiết, những mặt hàng trong nước có thể sản xuất được, giữ nhập siêu cả năm 2012 ở mức khoảng 10% (bằng năm 2011).

Tiếp tục có giải pháp tháp gỡ khó khăn cho sản xuất

Đi liền với kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho; quan tâm phát triển thị trường trong nước, đưa hàng hóa, dịch vụ về khu vực nông thôn; ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, có thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu… duy trì được tăng trưởng ở mức khoảng 6% trong năm 2012.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và chăm sóc lúa đông xuân; phát triển chăn nuôi đi đôi với tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, khống chế dịch cúm gia cầm, không để dịch lan rộng; chỉ đạo Hiệp hội lương thực, các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua lúa đông xuân tại ĐBSCL và tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu; quan tâm phát triển diện tích cây công nghiệp có lợi thế xuất khẩu như cao su, cà phê…

Khuyến khích mạnh các hình thức đầu tư nhất là đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng; quan tâm tới chất lượng công trình, đặc biệt là công trình về giao thông vận tải. Chú trọng phát triển hoạt động xây dựng nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Giải quyết hiệu quả điểm “nghẽn” ở khâu giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA;… đối với các dự án.

Tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chủ động, sâu sát nắm tình hình đời sống nhân dân, nhất là đối với các hộ gia đình chính sách, đồng bào nghèo để có biện pháp cứu trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu đói; rà soát tình hình lao động, việc làm, đặc biệt là tại các khu công nghiệp để tháo gỡ, không để mất ổn định; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội, các loại hình tội phạm; xem xét, giải quyết thỏa đáng các đòi hỏi chính đáng của người lao động, hạn chế tối đa số vụ đình công; duy trì và thực hiện tốt các giải pháp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, sớm có kết luận xác định nguyên nhân gây cháy, nổ xe...

Yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống, khống chế dịch bệnh ở người; đồng thời yêu cầu sớm trình Đề án khắc phục tình trạng quá tải của bệnh viện…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch, dịch vụ. Chủ động xây dựng các phương án để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ lụt khi mùa mưa bão đang đến gần.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng và trình các Đề án, Nghị định, Tờ trình… chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyên truyền, giải trình, giải đáp trước nhân dân, cung cấp kịp thời thông tin cho cho báo chí nhằm định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2012 và các năm tiếp theo, tiếp tục đưa đất nước tận dụng tối đa các các lợi thế, cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập./.

Chính Phủ

.
.
.
.