.
.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2012

Thứ Sáu, 03/08/2012|21:29

Giám sát cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực ưu tiên; triển khai các chương trình khuyến mại, kích thích tiêu dùng để giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển;.. là những nội dung tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa được ban hành 3/8/2012.

Triển khai các chương trình khuyến mại, kích thích tiêu dùng để giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển - Ảnh minh họa

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung khẩn trương khắc phục những khó khăn, thách thức hiện nay, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2012 và những năm tiếp theo.

 

Bên cạnh đó, bám sát tình hình, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NĐ-CP ngày 3/1/2012, Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ.

Giám sát cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực ưu tiên

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với các cân đối vĩ mô; điều chỉnh giảm lãi suất vay xuống mức hợp lý, nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng; giám sát việc áp dụng lãi suất cho vay và việc thực hiện chính sách cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo đúng pháp luật và lộ trình của Đề án đã được duyệt, quyết liệt xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu đề xuất hoàn thiện phương thức hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Khuyến mại, kích thích tiêu dùng để giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tích cực phát triển thị trường trong nước; triển khai các chương trình khuyến mại, kích tiêu dùng để giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; tăng cường xúc tiến thương mại và thông tin thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ưu tiên hỗ trợ tín dụng đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực; khẩn trương có giải pháp kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng tạm nhập, tái xuất, nhất là thực phẩm đông lạnh, xăng dầu, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp nhu cầu vốn ứng trước của kế hoạch năm 2013 cho những công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012, nửa đầu năm 2013 và theo tiến độ các dự án ODA, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chuẩn bị vốn đối ứng cho các dự án ODA do các địa phương đề xuất, tránh để xảy ra tình trạng các dự án đăng ký sử dụng vốn ODA nhưng không có vốn đối ứng.

Nghiên cứu đề xuất tiếp tục gia hạn nộp thuế VAT thêm 3 tháng

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu đề xuất việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế VAT thêm 3 tháng theo thẩm quyền của Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đề xuất phương án tăng cường hiệu quả của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp; hướng dẫn các địa phương cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay từ nguồn vốn của ngân sách địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo sản xuất lúa bảo đảm thời vụ, đẩy mạnh sản xuất lúa theo mô hình "Cánh đồng mẫu lớn"; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ thu mua cá tra và gia súc, gia cầm; đề xuất phương thức hỗ trợ thu mua nông sản, thủy sản phù hợp bảo đảm lợi ích của người sản xuất.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan đề xuất cơ chế, chính sách hiệu quả để tháo gỡ khó khăn sớm phục hồi thị trường bất động sản; hoàn thiện Đề án xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, lao động ở các khu công nghiệp, chiến sĩ, sĩ quan, học sinh, sinh viên... nhằm thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy các Bộ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai  thực hiện Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh người có công với cách mạng, Bộ Luật lao động (sửa đổi)...; tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách đối với người có công, người nghèo. Chú trọng tạo việc làm cho lao động mất việc từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung, hộ gia đình thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất sản xuất.

Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận và ổn định tâm lý của các tổ chức kinh tế, của người dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước…; khẩn trương nghiên cứu những giải pháp để quản lý và phát huy hiệu quả lĩnh vực thông tin, truyền thông, đặc biệt là báo điện tử, trang mạng, bảo đảm đúng định hướng, lành mạnh và có lợi nhất cho đất nước.

Cần quy định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước

Chính phủ thống nhất nhận định việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là giải pháp quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhằm bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Do vậy, dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp cần quy định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, gồm: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, làm rõ vai trò, trách nhiệm của bộ quản lý ngành, bộ tổng hợp trong việc giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao và đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chính phủ giao các bộ quản lý ngành căn cứ vào kết quả 10 năm tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 17/1/2012, Quyết định 919/QĐ-TTg ngày 17/7/201, rà soát và có phương án tổ chức lại các Tập đoàn, Tổng công ty cho phù hợp với thực trạng, thị trường, năng lực quản trị, tài chính và yêu cầu nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, làm tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2012.

Chinhphu.vn

.
.
.
.