.
.

Cấp phép xây dựng nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên tại Việt Nam

Thứ Hai, 24/09/2012|13:38

Tỉnh Quảng Trị đã cấp phép đầu tư cho dự án xây dựng nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên tại Đakrông với công suất 25MW, mở đầu cho việc khai thác nguồn năng lượng mới trong tương lai gần.

Các nhà máy điện nhiệt điện không đốt bất cứ một loại nhiên liệu nào nên sạch cho môi trường hơn mọi nhà máy điện khác
Các nhà máy điện nhiệt điện không đốt bất cứ một loại nhiên liệu nào nên sạch cho môi trường hơn mọi nhà máy điện khác

Theo ông Tạ Hường, Phó Chủ tịch Hội Nhiệt Việt Nam, nước ta được đánh giá là có tiềm năng địa nhiệt trung bình so với thế giới. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng này ở nước ta còn có ưu điểm là phân bố đều trên khắp lãnh thổ cả nước nên cho phép sử dụng rộng rãi ở hầu hết các địa phương như Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị…

Thực tế cho thấy, nhà máy điện địa nhiệt có thể hoạt động liên tục suốt ngày đêm, không phụ thuộc vào yếu tố khí hậu như năng lượng mặt trời, gió hoặc sóng biển... Nguồn năng lượng địa nhiệt trong lòng đất vô cùng vô tận, bảo đảm cho nhà máy điện địa nhiệt hoạt động bền vững, lâu dài. Đồng thời, xây dựng nhà máy điện địa nhiệt cũng tốn rất ít diện tích. Các nhà máy điện nhiệt điện không đốt bất cứ một loại nhiên liệu nào nên sạch cho môi trường hơn mọi nhà máy điện khác.

Cách khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt theo cách hiểu đơn giản nhất là người ta chỉ cần khoan các giếng sâu 4-5km. Sau đó, đưa nước xuống độ sâu này là tới vùng có nhiệt độ khoảng 2.000 độ C. Nước khi đó sẽ được làm sôi lên và sẽ theo ống dẫn lên, làm chạy máy phát điện. Hệ thống công nghệ này được gọi là Công nghệ HDR (Hot Dry Rock). 

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn năng lượng này lại gặp khó khăn lớn là đòi hỏi phải có những công nghệ hiện đại cùng với nguồn vốn đầu tư lớn, ước tính có thể lên tới 2,5 triệu Euro cho 1 MW công suất theo thiết kế, kỹ thuật xử lý địa chất cũng rất phức tạp vì phải tìm kiếm đúng vùng địa nhiệt có nhiệt độ cao thì việc khai thác địa nhiệt mới hiệu quả. 

Hiện trên thế giới đã có nhiều nước quan tâm vào phát triển khai thác nguồn năng lượng này và đã có nhiều hiệu quả đáng mong đợi. Có thể kể đến như tại thành phố Swabian (Bad Urach), miền Nam nước Đức, một công trình điện địa nhiệt đang được triển khai với giếng khoan sâu 4.445m (nơi có nhiệt độ khoảng 1.700 độ C) Giai đoạn đầu nhà máy điện đủ cung cấp năng lượng cho trên 2.000 hộ dân quanh vùng. Ngoài ra, ở Iceland, một nước chỉ có khoảng 300.000 dân nhưng điện địa nhiệt chiếm đến 1/3 so với sản lượng điện của nước này. Nguồn địa nhiệt cũng đã cung cấp được nước nóng cho 87% số hộ dân của nước này.

Mỹ đang là quốc gia đi đầu trong việc sản xuất địa nhiệt trong số các quốc gia trên thế giới có phát triển địa nhiệt. Công suất điện địa nhiệt của Mỹ hiện chiếm 32% công suất địa nhiệt của các nhà máy trên thế giới.Trong thời gian tới nước Mỹ có thể sản xuất tới 100.000 MW điện địa nhiệt đủ cung cấp điện cho 25 triệu hộ cư dân trong 50 năm (chi phí khoảng 40 triệu USD/năm) trong khi chi phí ban đầu chỉ vào khoảng 0,8-1 tỷ USD.

Dù phải đứng trước những thách thức về kinh tế, kỹ thuật như trên, các nhà khoa học về năng lượng địa nhiệt vẫn có những dự báo lạc quan rằng khai thác địa nhiệt đã và sẽ được vượt qua khó khăn ban đầu để năng lượng địa nhiệt sẽ thực sự có vị trí quan trọng trong các nguồn năng lượng của tương lai. 

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.