Xuất siêu – Bước chuyển quan trọng
Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2012, Việt Nam đã xuất siêu 134 triệu USD. Đây trước hết là một tin vui và là một trong những kết quả nổi bật của hoạt động kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn. Đây có thể coi là bước chuyển quan trọng mặc dù vẫn còn đôi điều băn khoăn.
Xuất khẩu 8 tháng đã đạt xấp xỉ 74,1 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay, còn lớn hơn mức cả năm của năm 2010 |
Đã nhiều năm qua, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam luôn ở vị thế nhập siêu. Trong suốt 27 năm (kể từ năm 1985 đến năm 2011), chỉ duy nhất có năm 1992 là chúng ta xuất siêu với mức rất “nhẹ” khoảng 40 triệu USD; còn năm nào cũng nhập siêu, có những năm nhập siêu rất lớn. Có tới 4 năm liền (2007- 2010), mức nhập siêu tính bằng tỷ USD đã lên đến 2 chữ số mà năm 2008 là một thí dụ (18 tỷ USD).
Đến 8 tháng 2012, Việt Nam lần đầu tiên trong gần 20 năm nay đã có bước chuyển quan trọng từ nhập siêu lớn và liên tục sang xuất siêu. Kỳ vọng này đã được đặt thành mục tiêu từ cuối thập kỷ trước, nhưng đến nay mới thực hiện được; mục tiêu xuất siêu cũng được đặt ra vào cuối thập kỷ này, nhưng đã được thực hiện ngay từ năm thứ 2.
Trong nhiều sự phát triển, thì đạt được sự chuyển đổi vị thế, được coi là dấu ấn, là một tin vui lớn- mặc dù mức xuất siêu của ta còn nhỏ về quy mô, chưa ổn định vững chắc (cần nhớ rằng, nếu cùng kỳ năm trước, mức nhập siêu lên đến 6,575 tỷ USD, bằng 10,5% kim ngạch xuất khẩu; chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 là 12- 13 tỷ USD và tỷ lệ 12- 13%).
Nguyên nhân của kết quả trên là do xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội. Cụ thể, quy mô xuất khẩu 8 tháng đã đạt xấp xỉ 74,1 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay, còn lớn hơn mức cả năm của năm 2010 (gần 72,2 tỷ USD). Bình quân 1 tháng đạt 9,261 tỷ USD. Nếu từ nay đến cuối năm đạt được mức bình quân này, thì cả năm nay sẽ vượt qua mốc 110 tỷ USD, vừa là vượt so với kế hoạch đề ra, vừa là một dấu mốc quan trọng khi đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu đã tăng tới 19%, một tốc độ tăng thuộc loại cao nhất trong các ngành, lĩnh vực. Trong 40 mặt hàng, nhóm mặt hàng chủ yếu có tới 34 mặt hàng, nhóm mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 17 loại tăng cao hơn tốc độ tăng, đặc biệt tăng rất cao có máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 241,3%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 136%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 83,8%, phân bón các loại tăng 68,6%, chất dẻo nguyên liệu tăng 64,2%, dây điện và dây cáp điện tăng 49,3%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 47,6%, sắn và sản phẩm sắn tăng 42,9%...
Đến nay đã có 24 mặt hàng đạt kim ngạch trên 500 triệu USD; có 16 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, cao nhất là dệt may đạt trên 9,8 tỷ USD, tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện đạt trên 7,4 tỷ USD, dầu thô gần 5,5 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 4,8 tỷ USD, giày dép đạt gần 4,8 tỷ USD, thuỷ sản đạt gần 4 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt gần 3,7 tỷ USD, phương tiện vận tải và phụ tùng trên 3 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ gần 3 tỷ USD, cà phê gần 2,7 tỷ USD, gạo đạt trên 2,5 tỷ USD,...
Tăng trưởng cao, nếu cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ tăng giá, thì kỳ này chủ yếu lại do tăng lượng. Trong các mặt hàng chủ yếu có thể thống kê được lượng, tăng khá cao có sắn và sản phẩm sắn tăng 67,5%, phân bón các loại tăng 61,8%, chất dẻo nguyên liệu tăng 61,5%, cao su tăng 35,2%, cà phê tăng 30,7%, hạt điều tăng 29,7%,... Số mặt hàng tính được đơn giá chung thì số giá tăng có hạt tiêu, dầu thô, xăng dầu các loại, quặng và khoáng sản khác, phân bón các loại, chất dẻo nguyên liệu; giá giảm có hạt điều, cà phê, chè, gạo, sắn và sản phẩm sắn, than đá, cao su. Trong các thị trường, mới qua 8 tháng đã có 27 nước và vùng lãnh thổ đạt 500 triệu USD trở lên, trong đó 21 nước và vùng lãnh thổ đạt từ 1 tỷ USD trở lên, cao nhất là Hoa Kỳ gần 13 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bàn gần 8,7 tỷ USD, Trung Quốc gần 8,4 tỷ USD, Hàn Quốc gần 3,5 tỷ USD, Malaixia gần 2,9 tỷ USD, Đức trên 2,6 tỷ USD, Hongkong gần 2,2 tỷ USD, Campuchia gần 1,9 tỷ USD...
Có nguyên nhân nữa là do nhập khẩu đạt quy mô thấp hơn (xấp xỉ 73,96 tỷ USD) và so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hơn (7,5%), riêng nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn bị giảm 7%. Trong 50 mặt hàng và nhóm hàng hoá chủ yếu, có 31 loại kim ngạch tăng, trong đó tăng về lượng có lúa mì, ngô, đậu tương, dầu thô, chất dẻo nguyên liệu, giấy các loại, bông các loại, xơ sợi dệt các loại, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại, kim loại thường khác.
Có 19 mặt hàng, nhóm mặt hàng thống kê được lượng và giá, có 7 nhóm tăng, có 12 nhóm giá giảm.
Nhìn tổng quát, xuất siêu nhờ xuất khẩu tăng cao, nhờ có các biện pháp quản lý đối với những mặt hàng không khuyến khích hoặc hạn chế nhập khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh tin vui thì cũng còn đôi điều băn khoăn. Nhập khẩu tăng thấp có một phần quan trọng do nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất và tiêu dùng bị co lại, tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.
Trong 78 nước và vùng lãnh thổ buôn bán tương đối lớn đối với Việt Nam, có 53 thị trường mà Việt Nam giữ vị thế xuất siêu, lớn nhất là Hoa Kỳ trên 9,71 tỷ USD, tiếp đến là Hongkong trên 1,6 tỷ USD, Campuchia trên 1,52 tỷ USD, Anh gần 1,5 tỷ USD, Đức 1,09 tỷ USD, Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất 1,06 tỷ USD, Nhật Bản 1,04 tỷ USD... Trong khi đó nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc 9,92 tỷ USD, tiếp đến là Hàn Quốc 6,47 tỷ USD, Đài Loan 4,28 tỷ USD, Singapore 3,02 tỷ USD, Thái Lan 2,16 tỷ USD...
Bên cạnh đó cơ cấu xuất khẩu còn mang nặng tính gia công, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, việc tạm nhập tái xuất quản lý chưa chặt... Trong điều kiện hiện nay của thế giới và cuối năm ở trong nước, xuất khẩu khó tăng cao, trong khi nhập khẩu vừa tăng về lượng, vừa tăng về giá. Đây có thể được coi là một cảnh báo, rất cần có những điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.
Theo Chinhphu.vn