.
.

Tìm động lực tăng trưởng

Thứ Tư, 24/10/2012|14:45

Với tăng trưởng kinh tế dự báo chỉ ở mức 5,2%, năm nay, nền kinh tế Việt Nam còn ở đáy thấp hơn so với năm 2009, năm có suy giảm kinh tế (5,32%) và điều này đang đặt ra những câu hỏi về động lực cho tăng trưởng của năm sau.

9 tháng đầu năm 2012, Việt Nam xuất siêu hơn 143 triệu USD
9 tháng đầu năm 2012, Việt Nam xuất siêu hơn 143 triệu USD

 

Trên thực tế, để đạt được mức tăng trưởng 5,2% trong năm nay cũng không đơn giản. Điều kiện đã được Chính phủ tính toán trước Quốc hội, đó là quý IV/2012, GDP phải tăng trưởng 6,5% - một điều không dễ đạt được khi mà quý III, con số này chỉ là 5,35%. Trong khi, cũng chưa có dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế có thể bứt phá mạnh trong những tháng cuối năm, thậm chí, cả những tháng đầu năm 2013.

Cùng với tăng trưởng GDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội - một trong những chỉ tiêu rất đáng chú ý - đã không đạt kế hoạch năm 2012. Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư đang diễn ra tại Hà Nội, năm nay, con số này chỉ bằng khoảng 29,5% GDP, thấp hơn nhiều so kế hoạch (33,5%) và so với năm ngoái (34,6%).

Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang còn phải dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư, thì việc không những không tăng, mà còn giảm vốn đầu tư toàn xã hội là nhân tố quan trọng khiến kinh tế chưa thể hồi phục trong năm nay và cả năm 2013.

Trong khi đó, tín dụng, kênh dẫn vốn cho nền kinh tế vẫn chưa thực sự thông suốt. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới đạt 2,35%. Như vậy, cùng lắm, năm nay, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7 - 8%.

Các yếu tố khác, có thể nhìn thấy rất rõ, đó là sự khó khăn của hệ thống doanh nghiệp, sức mua của thị trường nội địa vẫn ở mức thấp và nhập siêu giảm đột ngột, thậm chí là bất bình thường, khi 9 tháng, Việt Nam xuất siêu hơn 143 triệu USD. Tất nhiên, với nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn được thực hiện, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã dần được cải thiện; hàng tồn kho giảm; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể cũng đã giảm dần. Tuy nhiên, sản xuất -  kinh doanh vẫn trì trệ và hệ thống doanh nghiệp, thực sự đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn.

Những động lực cho tăng trưởng của năm nay và năm 2013 đều khá yếu ớt. Đó có lẽ cũng chính là lý do Chính phủ chỉ đề xuất Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 chỉ là 5,5%, thay vì 6%, thậm chí 6,5% như những dự tính trước đó.

Nhưng ngay cả với mục tiêu tăng trưởng GDP chỉ 5,5%, câu hỏi luôn cần được đặt ra là động lực đâu, nguồn lực đâu cho tăng trưởng? Cứu doanh nghiệp để cứu nền kinh tế. Giải quyết 5 điểm nghẽn vừa được nhắc tới là những nhiệm vụ cần được ưu tiên. Cần có biện pháp để huy động mọi nguồn lực trong dân để đầu tư cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn, lượng kiều hối quý giá, hay kho vàng trong dân... Tất nhiên, cũng phải luôn nhắc tới các biện pháp quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô và dài hơi hơn, là tái cấu trúc nền kinh tế.

Theo Baodautu

.
.
.
.