Từ sóng gió 2012 tới triển vọng 2013
Lần thứ ba xuất hiện trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 30/12, cũng là chương trình cuối cùng trong năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh hết sức chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng trước thềm năm mới của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.
Từ câu hỏi một công nhân xây dựng cầu đường tại miền Tây Nam Bộ về triển vọng trong năm mới doanh nghiệp của anh có thể tránh được hay không cảnh “6 tháng liền không có công trình”, Bộ trưởng thừa nhận 2012 là một năm có “nhiều sóng gió” với nền kinh tế Việt Nam.
Kiềm chế lạm phát cho tăng trưởng bền vững
Năm 2012, Việt Nam phải ưu tiên thực hiện một mục tiêu rất quan trọng là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, với chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ. Điều đó khiến nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu đề ra, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong tiếp cận vốn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí thua lỗ, phá sản, việc làm và thu nhập của nhiều người lao động bị ảnh hưởng.
Trong năm 2013, chúng ta vẫn tiếp tục ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đây là một mục tiêu dài hạn, bởi chỉ với một nền tảng vĩ mô ổn định thì mới có thể tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo ra nhiều việc làm hơn.
Chính phủ đã trình và Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2013. Con số này thấp hơn so với các năm trước đây nhưng trong bối cảnh tiếp tục ưu tiên kềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô thì để đạt được vẫn đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn có thể ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát.
“Nhiều người băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu này, nhưng chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể thực hiện được, trên cơ sở nhìn nhận rất thấu đáo những khó khăn của năm 2013”, Bộ trưởng bày tỏ.
Nguồn sinh khí mới cho doanh nghiệp
Trong năm 2013, sẽ cắt giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước mạnh hơn những năm trước. Vốn đầu tư từ ngân sách trong 2013 là 175.000 tỷ đồng, giảm 5.000 tỷ đồng so với 2012, trong khi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tương đương năm 2012.
Hiện Chính phủ đang tập trung tìm mọi cách để tăng tổng đầu tư toàn xã hội, thông qua 3 kêch chính gồm: Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tín dụng cho doanh nghiệp; khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ bản thông qua các hình thức BOT, PPP…; đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ODA, FDI.
Cùng với đó, tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai quyết liệt các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế, sớm thực thi những chính sách hết sức cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Nghị quyết về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013).
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tin tưởng những giải pháp trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn bằng chính nỗ lực của mình. “Tình trạng thu hẹp sản xuất, phá sản, thua lỗ chưa thể hết ngay nhưng sẽ giảm. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn sinh khí mới”.
Tăng giá hợp lý trong vòng kiểm soát
Một vấn đề khác của năm 2013 được người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư đề cập tới là khả năng cân bằng giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ ở mức hợp lý.
Ông nhắc lại một ví dụ trong năm 2012: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng tới 2,2% trong tháng 9 khi giá dịch vụ giáo dục và y tế cùng được điều chỉnh, nhưng sau khi Chính phủ đưa ra các giải pháp can thiệp, CPI tháng 10, 11 đã thấp trở lại. Điều đó cho thấy vai trò điều tiết của Nhà nước là rất quan trọng và hoàn toàn có thể phát huy hiệu quả.
Trên thực tế, việc tăng giá một số dịch vụ, hàng hóa là cần thiết và hợp lý, khi giá cả của các hàng hóa, dịch vụ đó đã quá lạc hậu so với giá thành, làm biến dạng các quy luật kinh tế.
Ví dụ, chúng ta đã duy trì giá dịch vụ y tế ở mức quá thấp trong một thời gian quá dài, giá điện, giá than về lâu dài cũng phải theo cơ chế thị trường để giá cả phản ánh đúng thực tế, đó là yêu cầu tất yếu và khách quan của nền kinh tế.
Bộ trưởng cho rằng vấn đề là Nhà nước phải điều phối, các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp chặt chẽ. Chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ khoa học để tính toán tác động của việc tăng giá các dịch vụ, hàng hóa tới nền kinh tế, tới lạm phát, từ đó có thể điều khiển quá trình tăng giá theo lộ trình một cách chặt chẽ, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Thanh Bình
Chinhphu.vn