.
.

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là nét đẹp văn hóa tiêu dùng

Chủ Nhật, 27/11/2011|23:23
 Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế, ngắn hạn mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài với mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" - Ảnh minh họa
Hôm 4/10 tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức lễ phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với hưởng ứng Chương trình của Tập đoàn Dệt May Việt Nam “ Đồng hành cùng doanh nghiệp Dệt - May Việt Nam vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc” và kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, chủ trương phát động cuộc vận động không phải là chủ trương bảo hộ mậu dịch, bài trừ hàng ngoại hay đóng cửa nền kinh tế.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là chủ trương lớn có ý nghĩa chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cùng với những cam kết thực hiện nghiêm túc những quy định của WTO, nhưng chúng ta có quyền ban hành, bổ sung pháp luật, cơ chế, chính sách để khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân, bảo vệ thị trường và người tiêu dùng trong nước không trái với các quy định của WTO.

Tại buổi lễ, lãnh đạo các doanh nghiệp trong Khối đã ký giao ước hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sản phẩm dịch vụ của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối"; cam kết ủng hộ chương trình “ Đồng hành cùng doanh nghiệp Dệt- May Việt Nam vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc”.

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một cuộc vận động, một phong trào của nhân dân chứ không phải là một quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước.

Cuộc vận động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước, cho hoạt động và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nhưng không phải là buộc người tiêu dùng trong nước phải mua hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng thấp, giá cao.

Bởi vậy, cùng với tuyên truyền vận động mọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, điều hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định lâu dài là các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước phải công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng nhập ngoại, nhất là các sản phẩm hàng hóa liên quan trực tiếp đến cuộc sống con người để người tiêu dùng lựa chọn.

Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đối với cuộc vận động này, bởi Đảng bộ Khối là Đảng bộ của các tập đoàn, tổng công ty, những doanh nghiệp nhà nước lớn hàng đầu của đất nước, nắm những vị trí then chốt trong nền kinh tế, bộ phận quan trọng tạo nên vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Ngày 31/7/2009, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Tấn Sang đã ký ban hành Văn bản số 264-TB/T.Ư thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Theo đó, vào tháng 8/2009, tổ chức phát động cuộc vận động và định kỳ hàng năm tiến hành sơ kết, từ 3-5 năm tiến hành tổng kết cuộc vận động.

(Theo Chinhphu.vn)
.
.
.
.