.
.

Phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Thứ Năm, 15/12/2011|16:56

 

Sáng 4-10, tại Hà Nội, Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức lễ phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn với hưởng ứng Chương trình "Ðồng hành cùng doanh nghiệp dệt may Việt Nam vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc" và kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ðồng chí Trương Tấn Sang,Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty trong Khối đã tham dự lễ phát động.

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một chủ trương lớn của Ðảng, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, góp phần nâng cao ý thức của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa nội địa. Ðồng thời, là thời cơ thuận lợi cho các doanh nghiệp khẳng định năng lực, bản lĩnh của mình, xác định cụ thể nhiệm vụ, mục tiêu sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao uy tín sản phẩm, tạo dựng và giữ vững thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ðồng chí Trương Tấn Sang đã phát biểu ý kiến nêu rõ: Chủ trương phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Ðảng được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên thế giới tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, đòi hỏi Ðảng, Nhà nước ta phải có những chủ trương, giải pháp kịp thời, đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn suy giảm kinh tế ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa lạm phát cao trở lại, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Nhưng cuộc vận động không phải chỉ là một giải pháp mang tính chất tình thế, ngắn hạn mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài với mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ðồng chí khẳng định: Ðây không phải là chủ trương bảo hộ mậu dịch, bài trừ hàng ngoại hay đóng cửa nền kinh tế. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là chủ trương lớn có ý nghĩa chiến lược của Ðảng và Nhà nước ta. Nước ta hiện nay đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Nhà nước ta cam kết thực hiện nghiêm túc những quy định của WTO, nhưng chúng ta có quyền ban hành, bổ sung pháp luật, cơ chế, chính sách để khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân, bảo vệ thị trường và người tiêu dùng trong nước không trái với các quy định của WTO. "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một cuộc vận động, một phong trào của nhân dân chứ không phải là một quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước.

Ðồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Ðể cuộc vận động đạt kết quả tốt, thu hút sự hưởng ứng, tham gia rộng rãi, tích cực của các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp, yếu tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người, mỗi doanh nghiệp  nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa to lớn của cuộc vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác tham gia, xem việc "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Cuộc vận động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước, cho hoạt động và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nhưng không phải là buộc người tiêu dùng trong nước phải mua hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng thấp, giá cao. Bởi vậy, cùng với tuyên truyền vận động mọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, điều hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định lâu dài là các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng nhập ngoại, nhất là các sản phẩm hàng hóa liên quan trực tiếp đến cuộc sống con người để người tiêu dùng lựa chọn. Trong Cuộc vận động này, vai trò của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng, với tư cách là người sản xuất, người quyết định chất lượng, giá sản phẩm và người tiêu dùng tiêu thụ một lượng lớn máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên, nhiên liệu... là đầu vào của sản xuất.

Ðồng chí Trương Tấn Sang đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm của Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đối với Cuộc vận động là: Cần lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, doanh nghiệp trong Khối tham gia tích cực, có hiệu quả hơn nữa vào Cuộc vận động. Ðảng ủy Khối cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên, người lao động trong các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong Khối nhận thức sâu sắc về ý nghĩa cuộc vận động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia cuộc vận động; gắn Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", với các phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ðảng bộ. Lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp  trong Khối phải xác định trách nhiệm gương mẫu đi đầu của các doanh nghiệp lớn của Nhà nước khi thực hiện mua sắm công, sử dụng các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước có chất lượng tương đương hàng nhập ngoại để sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sản xuất những hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, hình thức đẹp, giá cả hợp lý, đặc biệt phát triển hệ thống phân phối, đưa sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng một cách thuận lợi và tổ chức tốt hệ thống dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành sau bán hàng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng hình ảnh, uy tín của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trên thế giới.

Nhân dịp này, Ban Thường vụ Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gồm 11 thành viên, do đồng chí Võ Ðức Huy, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Ðảng ủy Khối làm Trưởng ban.

Tại buổi lễ, lãnh đạo 31 đầu mối cơ quan, doanh nghiệp trong Khối đã ký giao ước hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sản phẩm dịch vụ của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối"; cam kết ủng hộ Chương trình "Ðồng hành cùng doanh nghiệp dệt may Việt Nam vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc".

Theo Nhân Dân

.
.
.
.