.
.

Ðưa hàng Việt về nông thôn

Thứ Tư, 07/12/2011|00:10
 

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành công thương yêu cầu các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh kinh doanh, tăng lượng hàng hóa bán ra thị trường, bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Gần đây việc thực hiện cuộc vận động đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn đang được triển khai tích cực.

 

Từ đầu năm 2011 đến nay theo quyết định của UBND tỉnh, lượng hàng hóa dự trữ của bảy DN trên địa bàn tham gia bình ổn giá được hỗ trợ lãi suất với số tiền hỗ trợ 71,3 tỷ đồng. Những DN tham gia bình ổn giá đều tích cực đưa hàng bán rộng rãi ra thị trường, tập trung vào các thị trường nóng, các trung tâm thương mại, siêu thị, thị trấn, thị tứ ở các huyện miền núi đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân với giá bán theo cam kết thấp hơn giá thị trường từ 10 đến 15%.

Tổng công ty cổ phần đầu tư hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào là một trong những doanh nghiệp được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham gia bình ổn giá đã bố trí ngoài ba điểm bán các mặt hàng bình ổn giá ở TP Vinh, đơn vị còn tổ chức ba xe ô-tô lưu động phục vụ nhân dân ở hai tuyến quốc lộ 7 và 48. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Intimex Việt Nam chi nhánh Nghệ An Trần Quốc Hoàn cho biết: Dù thời gian qua, ngân hàng thắt chặt cho vay và lãi suất cao, nhưng với chủ trương hỗ trợ lãi suất giúp DN chủ động dự trữ nguồn hàng phục vụ nhân dân, công ty đã cố gắng tổ chức các quầy hàng tại nhiều địa điểm để nhân dân được hưởng lợi nhiều hơn. Tuy vậy trong quá trình thực hiện công tác này các DN có ý kiến đề xuất là Nhà nước nên cấp cho vay hỗ trợ mua hàng dự trữ bình ổn giá từ nguồn ngân sách một lần có thời gian theo quy định để trả vốn như một số địa phương trong nước đã thực hiện, hoặc nếu vay vốn ngân hàng thì phải được tăng thời gian; hiện nay số đông các DN tham gia bình ổn giá ở hình thức bán sỉ, bán buôn nên cần tập trung ưu tiên hỗ trợ cho DN nào bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng có giám sát, đôn đốc kiểm tra...

Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An Nguyễn Tài Dũng cho biết: Hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", cùng với các hoạt động tổ chức mít-tinh, tuyên truyền vận động toàn dân tham gia cuộc vận động, ngành công thương Nghệ An tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng kế hoạch tổ chức hội chợ ở TP Vinh và trung tâm các huyện. Tham mưu cho tỉnh thông qua kế hoạch tổ chức chương trình đưa hàng về nông thôn. Ðể các hoạt động này được tổ chức thường xuyên, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cước vận tải cho DN, chính quyền các huyện hỗ trợ địa điểm bán hàng, thông báo cho dân biết... Sở Công thương chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra chống buôn bán, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu để bảo vệ sản xuất trong nước.

Thời gian qua việc tổ chức chương trình đưa "Hàng Việt Nam chất lượng cao" về vùng nông thôn cũng được các ngành chức năng, chính quyền các tổ chức đoàn thể địa phương phối hợp với DN tích cực hưởng ứng. Gần đây hai DN có tiềm lực ở Nghệ An đã thực hiện là Công ty cổ phần Ðầu tư hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào và Chi nhánh Công ty cổ phần Intimex Việt Nam tại Nghệ An. Công ty cổ phần Ðầu tư hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào đã đưa hàng về huyện Thanh Chương. Hàng được chở trên bốn xe ô-tô tải lưu động và bày hàng tại các sân vận động của xã có băng-rôn quảng cáo, bảng giá... để giới thiệu 25 chủng loại hàng Việt Nam chất lượng cao. Các điểm này đều thu hút rất đông người đến mua hàng.

Ðiểm giới thiệu và bán hàng Việt Nam chất lượng cao của Chi nhánh Công ty cổ phần Intimex Nghệ An đặt tại sân vận động hai xã Ðô Thành, huyện Yên Thành và xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ. Quầy hàng như một siêu thị nho nhỏ, với gần 400 mặt hàng của bốn nhóm bánh kẹo, đồ uống, hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, gia dụng và điện gia dụng... Ðiểm bán hàng ở đây cũng thu hút rất đông người đến mua hàng.

Việc các quầy hàng thu hút được đông đảo người dân đến mua là nhờ công tác tuyên truyền của chính quyền và các đoàn thể của địa phương. Chủ tịch Mặt trận xã Ðô Thành, huyện Yên Thành Nguyễn Trường Thi nói: Khi được huyện thông báo tổ chức quầy hàng Việt Nam chất lượng cao tại xã Ðô Thành, Mặt trận đã phối hợp các phòng, ban trong xã liên tục thông báo trên loa truyền thanh để bà con biết. Bí thư Ðảng ủy xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ cho biết: Ðược huyện báo tin, xã tổ chức cho Ðoàn Thanh niên dọn sạch sẽ 27.000 m2 sân vận động, chuẩn bị điện chiếu sáng và cho cán bộ văn hóa tuyên truyền trên truyền thanh của cả 12 xóm.

Từ hai điểm giới thiệu bán hàng Việt Nam chất lượng cao vừa nêu trên cho thấy, việc tổ chức đưa hàng về nông thôn và miền núi rất có hiệu quả trong cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Nhưng mặc dù DN được trợ giá cước vận chuyển, nhưng vì bán đúng giá niêm yết (bằng giá bán sỉ tại TP Vinh), trong khi đó, vì đi bán lưu động nên phải cần đến nhiều người gồm lái xe, bán hàng, bảo vệ; kinh phí ăn, nghỉ, lương... trong ba ngày chi phí là không nhỏ nên cơ bản không có lãi. Ðây là lần đầu, ngành công thương Nghệ An tổ chức cho DN đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn. Hai điểm đều thuận lợi về giao thông, đông dân cư, thuận lợi trong việc bán hàng của DN. Tuy nhiên, việc các DN thường xuyên tham gia thực hiện chương trình này về các vùng miền núi đặc biệt khó khăn sẽ rất khó khăn vì kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp hạn chế. Ðược biết từ khi thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", năm 2011 này UBND tỉnh Nghệ An chỉ mới cấp được 100 triệu đồng để thực hiện đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn, miền núi. Thời gian tới, ngành công thương cần kêu gọi thêm nhiều DN cùng tham gia để nhân dân được tiếp cận và hưởng lợi nhiều hơn.

 Theo ND

.
.
.
.