Liên hợp quốc thông qua 46 nghị quyết về kinh tế toàn cầu
Các nghị quyết mới được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nhấn mạnh nguy cơ dễ bị tổn thương của thế giới đang phát triển trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ các đường lối đa phương đa đối tác, trao quyền lực cho nhân dân và mô hình phát triển tập trung thúc đẩy hòa bình và sự phát triển của con người; kêu gọi thế giới phát triển thực hiện cam kết tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của tài trợ phát triển và tăng cường hơn nữa hợp tác Nam-Nam.
Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh các thách thức như sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán, nguy cơ mất an ninh lương thực ở các nước đang phát triển, nhu cầu về nguồn lực tài chính cũng như chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực của các nước đang phát triển để vượt qua những thách thức này.
Các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường những nỗ lực quốc tế để phát triển các công nghệ nông nghiệp bền vững và chuyển giao cho các nước đang phát triển một cách công bằng. Liên hợp quốc cần thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trao đổi kinh nghiệm giữa các nước về cách thức tăng cường nông nghiệp bền vững và các thực tiễn quản lý hiệu quả.
Trong nghị quyết về chiến lược quốc tế giảm thảm họa, Đại hội đồng Liên hợp quốc cảnh báo tần số và cường độ của các thảm họa đang tăng lên, tác động ngày càng khốc liệt đến con người và môi trường toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển. Các nước cần hành động mạnh mẽ và thiết thực để bảo vệ các rặng san hô, bảo đảm phát triển bền vững các vùng núi, chống suy thoái môi trường do hoạt động của con người, phát triển du lịch bền vững như là động lực hòa nhập khu vực và phát triển kinh tế xã hội, phát triển các nguồn năng lượng tái sinh mới, đồng thời bảo vệ và tăng cường đa dạng sinh học.
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án và loại trừ những biện pháp kinh tế áp đặt trừng phạt đơn phương chống các nước đang phát triển, đồng thời tăng cường những biện pháp giám sát đa phương để phát hiện sớm và ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng trong tương lai, chống bảo hộ mậu dịch, đảm bảo tiến tới kết quả cân bằng và hướng tới phát triển của Vòng đàm phán buôn bán đa phương Doha, đẩy nhanh tiến trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững các quốc đảo nhỏ, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ khí hậu toàn cầu cho thế hệ hiện tại và trong tương lai.
Các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực thông qua ổn định giá; cho vay và vay nợ có trách nhiệm để ngăn ngừa nguy cơ nợ không bền vững; cải thiện cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất ở châu Phi thông qua trợ giúp công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong phát triển, cải thiện cơ sở nguồn nhân lực, phát triển nguồn tài nguyên con người trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau.
Đại hội đồng Liên hợp quốc nêu bật nhu cầu cấp thiết thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa các nước và trong mỗi nước, nhấn mạnh tiềm năng phát triển chưa được khai thác của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin cũng như trách nhiệm của các chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách công và dịch vụ công thông qua sử dụng công nghệ này./.