.
.

Những sự kiện nổi bật của Việt Nam trong tuần qua

Thứ Bảy, 31/12/2011|00:07

 Từ 20/12, giá điện bình quân là 1.304 đồng/kWh; CPI năm 2011 vẫn tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch; Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa thăm chính thức Việt Nam là ba trong những sự kiện nổi bật của Việt Nam trong tuần qua do Vietnam.vn bình chọn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Năm 2012, duy trì tăng trưởng ở mức 6% 

Trong hai ngày 22-23/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết 11; kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; thảo luận dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm đối với đất nước của các đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương; đề nghị các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành địa phương để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 để Nghị quyết sớm được ban hành.

Khái quát về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, năm qua, Việt Nam đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng, rất đáng mừng là kiểm soát được lạm phát, cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Giá tiêu dùng tăng cao những tháng đầu năm nhưng 5 tháng vừa qua giá tiêu dùng đã liên tục xu hướng giảm, chỉ tăng không quá 1%/tháng (tháng 8 là 0,93%, tháng 9 là 0,82%, tháng 10 là 0,36%, tháng 11 là 0,39%, tháng 12 là 0,53%); cả năm lạm phát là 18,13%. Đi liền với ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì; chính sách an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ những hạn chế, khó khăn và thách thức như: Lạm phát mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn còn ở mức cao, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, lãi suất vẫn còn ở mức cao gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, một bộ phận cư dân đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tai nạn giao thông có giảm nhưng vẫn còn cao. 

Về mục tiêu năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mục tiêu là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức 6% và nếu điều kiện thuận lợi là 6,5% gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. 
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triền kinh tế-xã hội ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2012, theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời cập nhật tình hình để có những phản ứng chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nội lực của mỗi địa phương trong thực hiện các mục tiêu phát triển.

Một lần nữa nhấn mạnh, mục tiêu ưu tiên của năm 2012 là tiếp tục kiên trì ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc kiềm chế lạm phát trước hết phải thực hiện hiệu quả các giải pháp trong gói chính sách tiền tệ; làm tốt công tác quản lý giá; không để mất cân đối về cung cầu hàng hóa, chú trọng bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu tại các thời điểm và địa bàn nhạy cảm. 

Bên cạnh đó chỉ đạo quyết liệt các giải pháp hạn chế nhập siêu, kiểm soát nhập siêu khoảng 10% (bằng năm 2011); giữ vững sự ổn định tỷ giá; giảm dần lãi suất ngân hàng phù hợp với đà giảm dần của lạm phát. “Nếu không kiểm soát được lạm phát sẽ không thể giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Một vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lên đó là các Bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm tới duy trì, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mong muốn các địa phương quan tâm, chia sẻ, sát cánh cùng doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… phấn đấu thực hiện được mục tiêu duy trì tăng trưởng ở mức 6% và nếu điều kiện thuận lợi là 6,5% trong năm 2012.

Cùng với đó là thực hiện hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Trong tái cơ cấu đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu, tái cơ cấu đầu tư công trước hết là giảm đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội để ổn định kinh tế vĩ mô trước mắt và lâu dài; nâng cao chất lượng đầu tư công; tập trung đầu tư vào các công trình quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lớn trên cả khía cạnh kinh tế và xã hội.

Phiên họp lần 3 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương 

Ngày 22/12, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 3 để thảo luận, góp ý về 2 đề án: “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam,”  “Nghiên cứu chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố.” 

 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, chủ trì phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)


Đây là hai đề án được soạn thảo trên cơ sở tập hợp ý kiến đóng góp của nhiều cơ quan tư pháp, tiếp thu kết luận tại nhiều hội thảo khoa học, đối chiếu tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn. Tuy nhiên xoay quanh phương hướng hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự Việt Nam vẫn còn những quan điểm tranh luận khác nhau. 

Để làm rõ những luận điểm trong đề án, qua một ngày làm việc, các đại biểu đã góp ý về mô hình tố tụng hiện hành, phân định quyền, nghĩa vụ giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, cơ chế giám sát hoạt động tư pháp hình sự.

CPI năm 2011 vẫn tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch

Đúng như dự đoán của các chuyên gia kinh tế, mặc dù các giải pháp quyết liệt đã được triển khai đồng bộ trong suốt một năm qua nhưng với các tác động phức hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 vẫn “vọt” qua chỉ tiêu kế hoạch 18% và đạt mức 18,13%. 




 
Mua hàng bình ổn giá tại Siêu thị Hapromart, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 23/12 cho thấy CPI tháng 12 đã tăng 0,53% so với tháng 11, tăng 18,13% so với tháng 12/2010, đưa CPI bình quân 12 tháng qua đã tăng 18,58% so với bình quân cùng kỳ 2010. 

CPI tháng 12 tăng ở 10/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng đều dưới 1%. Dẫn đầu về mức tăng cao nhất là nhóm May mặc giày dép với mức tăng 0,86%. Tiếp đến là các nhóm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,69%, Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,68%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,6%. Riêng nhóm Bưu chính giảm 0,09%. 

Theo Vụ trưởng Vụ Giá - Tổng cục Thống kê, Nguyễn Đức Thắng, CPI tháng 12 có mức tăng khá cao do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn. Cụ thể, với nhu cầu mua sắm cuối năm tăng, giá một số mặt hàng may mặc, dịch vụ may mặc, đồ dùng gia, các dịch vụ xây dựng, nhà ở tăng cao. Đặc biệt, tỷ giá USD/VND trong những tháng gần đây liên tục tăng đã ảnh hưởng đến giá nguyên liệu nhập khẩu khiến giá chi phí đầu vào của một số mặt hàng đồ dùng gia đình và mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu tăng giá mạnh. 

Ngoài ra, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và miền Nam đã khiến giá của một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng giá cục bộ. Giá lương thực tháng 12 đã tăng 1,4% so với tháng 11. Tuy nhiên tình hình thị trường xuất khẩu gạo không thuận lợi do cạnh tranh về giá với thị trường gạo của Ấn Độ, Pakistan nên giá gạo bán lẻ sẽ không thể tăng cao tiếp tục. 

Cùng với lương thực, sau hai tháng hạ nhiệt, giá thực phẩm đã tăng trở lại với mức tăng 0,49%; trong đó, thịt lợn tăng 0,32% do nhu cầu chế biến thực phẩm cuối năm tăng trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ găm hàng lại chờ bán vào dịp Tết Nguyên Đán. Thủy hải sản tăng 1,17% do nhu cầu chế biến cuối năm tăng cùng với chi phí vận chuyển tăng. Do chi phí đầu vào tăng và ảnh hưởng từ các ngày lễ tết nên giá một số mặt hàng như bánh kẹo, đường mật, bơ sữa tăng giá từ 0,5-1.5%.

Dự báo về mức tăng giá tiêu dùng tháng 1/2012, ông Thắng cho biết do tháng 1/2012 là tháng đặc biệt với Tết Dương lịch trùng với Tết Âm lịch và có số ngày nghỉ lên tới 9 ngày nên chắc chắn nhu cầu tiêu dùng, nghỉ ngơi, văn hóa giải trí, đi lại trong nhân dân sẽ tăng cao. 

Đây sẽ là những yếu tố khiến giá tiêu dùng tháng 1/2012 sẽ tăng cao hơn hẳn so với mức tăng của tháng 12/2011. 

Vì vậy, để đảm bảo hạn chế thấp nhất những tác động không mong muốn của tăng giá tiêu dùng, theo ông Thắng, bên cạnh việc tiếp tục triển khai quyết liệt 6 nhóm giải pháp lớn của Chính phủ đã đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu với dự báo nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2012 sẽ tăng trên 20%. Đặc biệt, hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu, đẩy mạnh dự trữ sẵn sàng tung ra bình ổn thị trường. 

Nhiệt điện An Khánh 1 nhận tín dụng Trung Quốc 

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng cung cấp tài chính cho Dự án nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1 giữa Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh đã diễn ra chiều 22/12, tại Hà Nội.


 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Dự án nhà máy Nhiệt điện An Khánh 1 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh làm chủ đầu tư, với số vốn 168 triệu USD, công suất 100MW. Dự án được xây dựng tại xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. 

Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh đã triển khai đồng loạt tất cả các hạng mục và các công trình phụ trợ từ tháng 1/2010 với nhà thầu làm Tổng thầu EPC là tập đoàn điện khí Nhân dân Trung Quốc. Hợp đồng tín dụng cung cấp tài chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho Dự án có giá trị 143 triệu USD.

Theo kế hoạch dự kiến đến tháng 9/2012 sẽ xây dựng xong Tổ máy số 1 và đến quý 2/2013 hoàn thiện Tổ máy số 2. Trong quý 3/2013 Nhà máy nhiệt điện An Khánh 1 sẽ chính thức hòa vào lưới điện Quốc gia với công suất trên 800 triệu KW/h/năm.

Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật cơ yếu 

Sáng 22/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo thông báo Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật cơ yếu, đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 26/11/2011.


 
Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2. (Ảnh: TTXVN)

Thiếu tướng Trần Nguyên Bình, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh: Luật cơ yếu là một đạo luật chuyên ngành, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quy định về hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, sử dụng nghiệp vụ mật mã, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

Luật xác định rõ Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, cơ quan quản lý chuyên ngành về cơ yếu đối với các hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngoại giao, tổ chức cơ yếu trong cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu; trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Thiếu tướng Trần Nguyên Bình nêu rõ, Luật cơ yếu đã xác định lực lượng cơ yếu là một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước; có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu và thực hiện hoạt động cơ yếu, góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống; chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh với các hoạt động thám mã gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Thiếu tướng, để thực hiện có hiệu quả Luật cơ yếu khi Luật có hiệu lực thi hành (từ 1/2/2012), Bộ Quốc phòng đang xây dựng kế hoạch triển khai Luật trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Liên hoan truyền hình toàn quốc trao 27 giải Vàng 

Sau bốn ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31, ngày hội lớn của những người làm truyền hình cả nước chính thức khép lại bằng lễ bế mạc và trao giải tại nhà hát Trưng Vương thành phố Đà Nẵng tối 21/12. 


 
(Nguồn: vtv.vn)
 

Ban tổ chức đã trao 27 giải Vàng, 57 giải Bạc và 147 Bằng khen cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc. 

Bên cạnh đó, Ban tổ chức quyết định trao thêm những giải thưởng cá nhân xuất sắc cho Diễn viên xuất sắc (thể loại Phim truyện truyền hình), Đạo diễn xuất sắc (thể loại Phim Tài liệu và Chương trình Ca nhạc) và Quay phim xuất sắc (thể loại Chương trình Ca nhạc). 

Nhận định chung của các giám khảo là chất lượng các tác phẩm năm nay khá đồng đều, khoảng cách giữa các đài lớn với các đài nhỏ đã ngày càng thu hẹp.

Nhiều tác phẩm phát hiện được những đề tài có giá trị, có tính thời sự cao, có sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung cũng như cách thức thể hiện mới mẻ. 

Hội thảo “Đánh giá và quản lý chất lượng chương trình truyền hình” đã phân tích những khó khăn trong việc đánh giá và quản lý chất lượng chương trình truyền hình, ghi nhận thực tế đánh giá và quản lý chất lượng các chương trình giải trí và nghệ thuật; đánh giá và quản lý chất lượng các chương trình tin tức, bình luận thời sự hiện nay... 

Hội thảo “Công nghệ truyền hình và sự đổi mới” có thời gian dài nhất trong số ba hội thảo được tổ chức tại Liên hoan với hai phiên thảo luận cùng số lượng diễn giả lớn. 

Diễn đàn "Tuyên truyền bảo vệ và phát huy di sản văn hóa" do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hội An được tổ chức tại Hội An thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu là các phóng viên, biên tập viên, các nhà quản lý đang tham dự Liên hoan.

Đề xuất phương án mới cho cải cách tiền lương 

Mức lương tối thiểu chung áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng lên từ 830.000 đồng/tháng lên 1.050.000 đồng/tháng, bắt đầu từ 1/5/2012.


 
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Như vậy mặc dù đã tăng nhưng lương tối thiểu chung vẫn chỉ bằng 75% lương tối thiểu vùng thấp nhất (vùng IV: 1,4 triệu đồng/tháng) và bằng 52,5% lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng I: 2 triệu đồng/tháng).

Hiện nay, mức lương tối thiểu chung chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011, là quá thấp và không đủ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu.

Đây là thực trạng được đưa ra tại hội thảo “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 20/12 tại Thành phố  Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, theo Bộ Nội vụ, bắt đầu từ 1/5/2012, mức phụ cấp công vụ sẽ được nâng từ 10% lên 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung.

Ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tiền lương của cán bộ, công chức phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường.

Nếu không thỏa mãn tốt quan hệ này mà tiền lương của cán bộ, công chức quá thấp thì sẽ xảy ra hội chứng “tước đoạt để bù đắp” trong thực thi công việc, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng và tăng dòng dịch chuyển lao động từ khu vực nhà nước ra khu vực thị trường (chảy máu chất xám).

Giai đoạn 2013-2020, mức lương tối thiểu dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội sẽ có ba phương án là 2.000.000 đồng/tháng, 1.680.000 đồng/tháng và 3.150.000 đồng/tháng.

Đối với viên chức sự nghiệp có hai phương án là mức lương tối thiểu được áp dụng như lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp (4 vùng) và áp dụng như lương tối thiểu của cán bộ, công chức.

Về quan hệ mức lương tối thiểu-trung bình-tối đa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra 2 phương án.

Thứ nhất là theo cách tiếp cận tương quan với khu vực thị trường thì quan hệ trên sẽ biểu hiện ra ở các bậc lương 1-3,2-15, tương ứng với 830.000-2.656.000-12.450.000 đồng/tháng. Phương án 2 dựa trên cách tiếp cận độ phức tạp lao động sẽ là các bậc 1-3,5-15, tương ứng với 830.000-2.905.000-12.450.000 đồng/tháng.

Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến đồng tình với phương án 2 (1.680.000 đồng/tháng) về việc điều chỉnh lương tối thiểu dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội.

Tuy nhiên theo ông Ngô Công Hầu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, nếu áp dụng phương án 2 cho đến tận năm 2020 lại không ổn, cần phải tăng thêm hoặc phải tính độ trượt giá để bù vào.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Ru, Phó trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai cho rằng nên áp dụng phương án 1 là 2.000.000 đồng/tháng (bằng lương tối thiểu vùng I của doanh nghiệp).

Phương án này sẽ thu hút được người có năng lực về khu vực nông thôn làm việc, chứ không phải tạo nên sự chênh lệch giữa cán bộ, công chức với thu nhập của người dân vùng khó khăn.

Về tạo nguồn cải cách tiền lương, theo Bộ Nội vụ là sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí quản lý hành chính để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả công tác bố trí, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước. Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương để gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí, sử dụng biên chế, ngân sách.

Đối với địa phương có số thu cao, tự bảo đảm và còn dư nguồn cải cách tiền lương thì được sử dụng nguồn dư đó để chi trả tiền lương tăng thêm không quá 50% so với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết khác. Sau khi thực hiện các nguồn nói trên mà vẫn còn thiếu thì ngân sách Trung ương sẽ bổ sung.

Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khác cũng được Bộ Nội vụ đưa ra là sẽ chuyển đổi cơ chế cấp phát kinh phí sang hình thức đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí của từng loại hình dịch vụ.

Đối với đơn vị sự nghiệp công có thu thì được chủ động sử dụng toàn bộ số thu để lại theo chế độ và các nguồn thu hợp pháp khác để chi thường xuyên, trong đó có công tác tiền lương.

Việt Nam sẽ dẫn đầu tăng trưởng hạ tầng giao thông 

Bản báo cáo nghiên cứu mang tựa đề “Triển vọng giao thông đường bộ châu Á 2012,” do Hãng tư vấn IQPC công bố, nêu rõ trong năm tới, Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dẫn đầu châu Á về tăng trưởng cơ sở hạ tầng giao thông.


 
Các phương tiện lưu thông trên tuyến Đại lộ Đông Tây, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, IQPC là một hãng tư vấn nổi tiếng và trong hơn 30 năm qua đã giúp các tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới giải quyết các thách thức kinh doanh thông qua việc chia sẻ các giải pháp thực tế và thực hành tốt nhất toàn cầu.

Báo cáo nghiên cứu của hãng được đưa ra dựa trên cơ sở nhịp độ tăng trưởng kinh tế, xu hướng hiện đại hóa, đô thị hóa, đầu tư và thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Báo cáo cho biết năm tới, ở châu Á có một số dự án đáng chú ý như dự án xây dựng mạng lưới đường giao thông ngầm trị giá 9,7 tỷ USD ở Soul, Hàn Quốc, và dự án xây dựng cầu nối Macau-Chu Hải, trị giá 11,3 tỷ USD tại Hong Kong.

Báo cáo lưu ý nguyên nhân dẫn đến tình trạng "nút cổ chai" trong đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông tại nhiều nền kinh tế đang phát triển chủ yếu nạn quan liêu và sự can thiệp của bộ máy quản lý hành chính, dẫn đến tăng chi phí tổng thể và làm chậm tiến độ triển khai dự án.

Tuy nhiên, theo báo cáo, bất chấp những thách thức trên, triển vọng tổng thể cho khu vực vẫn tích cực nhờ các mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn giữa các đối tác thương mại tiếp tục là động lực thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ để kết nối các vùng xa xôi với các khu vực phát triển hơn.

Động thái này sẽ thể hiện rõ ở Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ, với nhiều dự án dài hạn, trong đó có việc mở rộng mạng lưới đường cao tốc châu Á, sẽ kết nối các nước trong khu vực Đông Nam Á với Trung Quốc và một phần của các nền kinh tế chủ chốt ở Trung Á.

Từ 20/12, giá điện bình quân là 1.304 đồng/kWh 

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), kể từ ngày 20/12/2011 giá bán điện bình quân sẽ được điều chỉnh từ mức 1.242 đồng/kWh lên mức mới là 1.304 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 62 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân hiện hành được duyệt.


 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đối với giá bán điện sinh hoạt bậc thang 0 - 50 kWh cho hộ nghèo và bậc thang 0 - 100 kWh, tạm thời không tăng trong lần điều chỉnh giá điện này.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2012 tăng trưởng điện sản xuất là 11,7% và điện thương phẩm là 13,6%, cao hơn năm 2011 khoảng 3 điểm %. 

Do vậy, theo EVN việc điều chỉnh giá bán điện lần này là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá bán điện.

Mặt khác, việc điều chỉnh giá điện mới thực sự là tín hiệu để thu hút đầu tư vào các công trình điện, là tín hiệu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ trưởng Vương Đình Huệ trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội khoán XIII (ngày 25/11/2011) thì dù đã thực hiện tăng giá điện thêm 165 đồng, trong tháng 3/2011, nhưng 9 tháng đầu năm EVN lỗ thực sản xuất điện lên tới 680 tỷ đồng và dự kiến cả năm 2011 EVN sẽ lỗ khoảng 3.540 tỷ đồng chưa kể lỗ do tỷ giá.

Về điều hành giá điện năm 2012, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ dự kiến có thể sẽ tăng trên 10% nhưng không quá 15,6%. Tuy nhiên, giá điện bán cho hộ nghèo vẫn giữ như hiện nay, với hộ tiêu thụ điện mức trung bình, mức tăng sẽ ở mức bình quân.

Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa thăm chính thức VN

Sáng 21/12/2011, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tiếp và hội đàm với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đang ở thăm chính thức Việt Nam.

 
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đón Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thân mật tiếp ông Tập Cận Bình, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Chiều cùng ngày, tại Văn phòng Quốc hội, tiếp Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Chiều 21/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân VN luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc.

Sáng 22/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp thân mật Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đang thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhất trí cho rằng cần tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị, hiểu biết giữa hai bên./.

http://www.vietnam.vn

 

.
.
.
.