.
.

Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19-12-2011 đến ngày 25-12-2011)

Thứ Năm, 29/12/2011|12:51

Ngày 21-12-2011, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định “bơm” 489 tỉ euro (tương đương 643 tỉ USD) cho các ngân hàng thuộc Eurozone vay với thời hạn 3 năm và lãi suất hiện hành thấp (khoảng 1%) nhằm giữ ổn định tín dụng cho nền kinh tế. Đây là khoản tiền cho vay trong thời hạn 3 năm đầu tiên và cũng là lượng tiền lớn kỷ lục được Ngân hàng Trung ương châu Âu cung cấp cho hệ thống tài chính của khu vực châu Âu.

1. Hội nghị thượng đỉnh EU – Ukraine 

 

 Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine đã kết thúc với những bất đồng xoay quanh việc xét xử bà Yulia Tymoshenko

Ngày 19-12-2011, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đã kết thúc với những bất đồng xoay quanh việc xét xử nhà lãnh đạo đảng đối lập của Ukraina là Yulia Tymoshenko. Bà Y. Tymoshenko từng là cựu Thủ tướng Ukraine, tháng 10 vừa qua đã bị tòa án nước này kết án 7 năm tù vì tội lạm dụng quyền hành khi ký kết các hợp đồng mua bán khí đốt với Nga năm 2009. Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu và Ukraine năm nay đánh dấu giai đoạn 4 năm đàm phán Hiệp ước liên kết mà Tổng thống Viktor Yanukovych kỳ vọng sẽ thành công tốt đẹp. Hiệp ước liên kết này được Ukraine xem là một bước đi quan trọng bởi đó như một khuôn khổ rộng rãi, bao gồm thỏa thuận tự do mậu dịch với châu Âu, cái có thể giúp Ukraine tiến gần hơn đến việc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, trước khi đi đến thống nhất về Hiệp ước liên kết, Liên minh châu Âu lại muốn nhìn thấy bằng chứng chứng minh việc xét xử bà Y.Tymoshenko của Chính phủ Ukraine là chính đáng. Để ký được Hiệp ước liên kết, dù là với Ukraine hay với bất kỳ nước nào cũng đều cần được Nghị viện của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu thông qua và quá trình này đòi hỏi phải mất nhiều thời gian. Trong một bài phỏng vấn, Phó Thủ tướng nước này Serhiy Tihipko đã tuyên bố rằng “nếu Ukraine nhận được câu trả lời “không” dứt khoát từ Liên minh châu Âu thì đó là cơ hội tốt để Ukraine gia nhập Hiệp định tự do mậu dịch với Nga”. 

2. Hội nghị thượng đỉnh MERCOSUR đẩy nhanh việc kết nạp Venezuela 

 

 

Hội nghị thượng đỉnh MERCOSUR năm nay đẩy nhanh quá trình kết nạp Venezuela thành thành viên chính thức của Khối

Từ ngày 19 đến ngày 21-12-2011, Hội nghị thượng đỉnh Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đã diễn ra tại thủ đô Montevideo của Uruguay, thông qua việc chấp thuận Hiệp định Tự do mậu dịch với Palestine và đẩy nhanh quá trình kết nạp Venezuela làm thành viên chính thức của Khối. Đây là Hiệp định đầu tiên mà Chính quyền Palestine ký kết với một nhóm các quốc gia bên ngoài thế giới Hồi giáo, song đó cũng chỉ mang tính chất biểu tượng vì Israel hiện đang kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu tại khu bờ Tây và dải Gaza. Bên cạnh Hiệp định Tự do mậu dịch với Palestine, các đại biểu còn thảo luận hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ các nền kinh tế đang phát triển không phải bán phá giá những hàng hóa mà họ chưa tìm được thị trường tiêu thụ vì cơn khủng hoảng kinh tế đang “hoành hành” ở Mỹ và châu Âu. Tại Hội nghị năm nay, các bộ trưởng ngoại giao của toàn khối đã đệ trình kiến nghị cho Venezuela chính thức gia nhập MERCOSUR vào hôm 20-12 vừa rồi. Các rào cản thương mại cũng nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị MERCOSUR. Argentina và Brazil đang tìm kiếm giải pháp để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước trước mối đe dọa hàng hóa nhập khẩu giá rẻ hiện tràn lan tại các nước trong Khối. Uruguay và Paraguay thì phản đối việc bảo hộ mậu dịch. Tại Hội nghị năm nay, các thành viên MERCOSUR đã quyết định không cho tàu thuyền của Anh cập cảng của mình nhằm kiểm soát quần đảo Falkland - khu vực mà Argentina tuyên bố là thuộc lãnh thổ của nước này. 

3. SNG tăng cường liên kết và phối hợp hành động 

Ngày 20-12-2011, tại cuộc gặp không chính thức ở Moscow (Nga) nhằm kỷ niệm 20 năm thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), nguyên thủ quốc gia 11 nước thành viên đã nhất trí tăng cường hoạt động liên kết và phối hợp hành động trong khuôn khổ cộng đồng. Tại cuộc gặp này, lãnh đạo cộng đồng đã thảo luận những vấn đề cấp bách liên quan hoạt động liên kết, đồng thời thông qua quyết định về tăng cường hiểu biết lẫn nhau, phối hợp hành động trong khuôn khổ SNG nhằm nâng cao đời sống và mở rộng tiếp xúc giữa nhân dân các nước trong cộng đồng. Những người tham dự cuộc gặp đã xác định những nhiệm vụ phát triển chiến lược trong khuôn khổ SNG nhằm phát triển cộng đồng này thành nhân tố quan trọng bảo đảm ổn định và an ninh, không gian hợp tác cùng có lợi, khu vực phát triển ổn định về chính trị, kinh tế - xã hội, nhân đạo và khoa học - kỹ thuật. Lãnh đạo SNG cũng đã thông qua quyết định nâng cao vai trò phái đoàn quan sát viên SNG tại các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống cũng như tại những cuộc trưng cầu ý dân của các nước thành viên cộng đồng. Các đại biểu cũng đã thông qua quyết định lấy năm 2012 làm năm hợp tác về bưu điện và truyền thông. Ba năm trước đó được chọn làm các năm hợp tác về năng lượng (2009), khoa học và phát minh (2010) và tăng cường an ninh lương thực (2011). 

4. Liên hợp quốc kêu gọi đẩy mạnh các sáng kiến bảo vệ rừng 

Ngày 21-12-2011, nhân kết thúc Năm Quốc tế về rừng, Tổ chức Lương - Nông của Liên hợp quốc (FAO) đã công bố nghiên cứu về cây ăn quả và cây dược liệu ở rừng Amazon ở Nam Mỹ, trong đó nhấn mạnh hơn 80% dân số các nước đang phát triển phụ thuộc vào các sản phẩm không phải gỗ của rừng như các loại quả và dược liệu cho các nhu cầu dinh dưỡng và y tế. Nghiên cứu đã nêu bật nhiều loại cây “siêu lương thực thực phẩm” từ rừng Amazon có thể cung cấp nguồn dinh dưỡng, khoáng chất quý và chất chống ôxi hóa bảo đảm cơ thể con người luôn khỏe mạnh. Rừng Amazon là rừng nhiệt đới xuyên quốc gia lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nạn phá rừng, hỏa hoạn và biến đổi khí hậu đang gây mất ổn định khu vực và làm cho diện tích rừng giảm hơn 30% chỉ trong vòng 65 năm qua. FAO nhấn mạnh nghiên cứu trên có thể giúp người nghèo quản lý và khai thác lợi ích từ các nguồn lâm sản và dịch vụ rừng một cách bền vững và tốt nhất. Năm Quốc tế về rừng kết thúc nhưng các nỗ lực thúc đẩy khai thác rừng bền vững và sự tham gia tích cực của các cộng đồng dân cư gắn bó với rừng vào các sáng kiến bảo vệ và phát triển rừng cần tiếp tục phải đẩy mạnh. 

5. Ngân hàng Trung ương châu Âu cho vay lượng tiền kỷ lục 

Ngày 21-12-2011, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định sẽ “bơm” 489 tỉ euro (tương đương 643 tỉ USD) cho các ngân hàng thuộc Eurozone vay với thời hạn 3 năm và lãi suất hiện hành thấp (khoảng 1%) nhằm giữ ổn định tín dụng cho nền kinh tế. Đây là khoản tiền cho vay trong thời hạn 3 năm đầu tiên và cũng là lượng tiền lớn kỷ lục được Ngân hàng Trung ương châu Âu “bơm” vào hệ thống tài chính của khu vực châu Âu. Ngay khi có thông báo trên, hơn 500 ngân hàng châu Âu đã ra sức chạy đua để có thể vay được số tiền vượt xa cả sự trông đợi này. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gợi ý rằng, các ngân hàng nên dùng số tiền này để mua lại những khoản nợ công của các Chính phủ trong Eurozone. Tuy nhiên, theo giới phân tích, các ngân hàng chỉ nên dùng khoản vay đó để nâng bảng cân đối thu chi lên, bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giảm bớt các yêu cầu về thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ cũng có thể tiếp cận khoản vay vốn mới này. Vì thế, khoản vay mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty cũng như cá nhân có thể dễ dàng hơn trong việc vay vốn để đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, khoản tiền vay kỷ lục từ Ngân hàng Trung ương châu Âu còn cung cấp một khoản lãi hời cho các ngân hàng đồng thời gia tăng nhu cầu mua nợ công, từ đó có thể hỗ trợ các nước đang khó khăn về tài chính như Italy và Tây Ban Nha. 

6. Tổ chức Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh hướng tới thành lập liên minh 

 

 

Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã nhất trí tiếp tục phát triển GCC thành một liên minh các quốc gia

Kết thúc hai ngày Hội nghị cấp cao ở Riad (Saudi Arabia), sáu thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) là Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Tiểu các vương quốc Arập thống nhất ngày 21-12-2011 đã nhất trí thông qua sáng kiến của Saudi Arabia tiếp tục phát triển GCC thành một liên minh các quốc gia, vươn tới cấp độ và chất lượng cao hơn của hợp tác và liên kết khu vực. Chi tiết cụ thể chưa được tiết lộ nhưng việc thực hiện sáng kiến này là cuộc cải cách sâu rộng và cơ bản nhất mà GCC từng dự định tiến hành kể từ khi được thành lập năm 1971 đến nay. Những nội dung quan trọng nhất là tăng cường liên kết chính trị, kinh tế và cả quân sự giữa các thành viên. Tại Hội nghị cấp cao này, GCC còn tuyên bố thành lập một quỹ phát triển với số vốn ban đầu 5 tỉ USD giúp Jordani và Morocco cũng như phê phán và cảnh báo cả Syria lẫn Iran. Tuy nhiên, Hội nghị không đạt được sự nhất trí với đề nghị của Saudi Arabia về việc mở rộng tổ chức thu nạp Morocco và Jordani. Ý tưởng về phát triển GCC thành liên minh các quốc gia trong khu vực được Saudi Arabia đưa ra dưới tác động của làn sóng chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông cũng như suy tính lợi ích riêng trong bối cảnh tình hình mới. Trong bối cảnh ấy, GCC muốn vươn lên trở thành nhân tố tạo dựng trật tự chính trị an ninh mới ở khu vực, đồng thời tăng cường tiềm lực quân sự chung nhằm đối phó với Iran, kiềm chế sự trỗi dậy của cộng đồng người Shi-ít trong cả khu vực Vùng Vịnh. 

7. Liên hợp quốc đạt những bước tiến lớn trong khóa họp thứ 66 

Ngày 22-12-2011, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Nassir Abdulaziz Al-Nasser đã đánh giá cao những bước tiến quan trọng mà Đại hội đồng đã đạt được trong thời gian diễn ra khóa họp thứ 66 từ tháng 9 đến nay cũng như nỗ lực tiếp tục giải quyết hàng loạt vấn đề quan trọng trong năm tới. Phát biểu trước cuộc họp báo tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ông N.Al-Nasser cho biết, Đại hội đồng Liên hợp quốc luôn thường xuyên tích cực vận động các quan hệ đối tác toàn cầu nhằm hỗ trợ và giúp đỡ các chính phủ và người dân bị ảnh hưởng bởi cái gọi là Mùa Xuân Arập. Ông cũng cho biết, sau ba tháng diễn ra khóa họp thứ 66, Đại hội đồng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng như thông qua tuyên bố chính trị về ngăn chặn và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, nhất trí chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không bao dung. Ngoài ra, các nước thành viên đã khôi phục đại diện hợp pháp của nhân dân Libya tại Liên hợp quốc và chứng kiến một phát triển lịch sử tại Liên hợp quốc khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đệ đơn xin trở thành thành viên Liên hợp quốc. Theo ông N.Al-Nasser, năm 2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực chủ yếu, bao gồm giải quyết hòa bình các bất đồng, cải cách Liên hợp quốc, nỗ lực ngăn chặn và đối phó các thảm họa, phát triển bền vững và thịnh vượng toàn cầu. Ngoài ra, khôi phục bộ máy giải trừ vũ khí cũng là một ưu tiên hàng đầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc. 

8. Liên hợp quốc cắt giảm ngân sách lần hai trong 50 năm 

Ngày 24-12-2011, sau một loạt cuộc đàm phán kéo dài thâu đêm, 193 nước thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí cắt giảm ngân sách của tổ chức toàn cầu này. Đây là lần thứ hai trong suốt 50 năm qua, ngân sách Liên hợp quốc bị cắt giảm. Theo thỏa thuận đạt được vào rạng sáng 24-12-2011 (giờ New York - Mỹ), ngân sách của Liên hợp quốc trong tài khóa 2012-2013 sẽ là 5,15 tỉ USD, giảm so với mức 5,41 tỉ USD trong tài khóa 2010-2011. Mỹ và các nước châu Âu đang bị khủng hoảng nợ công đã yêu cầu cắt giảm ngân sách của Liên hợp quốc trong khi các nước đang phát triển lại yêu cầu giữ nguyên mức chi này. Phát biểu sau cuộc họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết, việc đạt được thỏa thuận ngân sách hằng năm đều khó, nhưng năm nay là đặc biệt khó, bởi các chính phủ và người dân ở khắp nơi trên thế giới đều đang phải vật lộn với khó khăn. Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon cam kết rằng, tất cả các nhiệm vụ mà Liên hợp quốc đã đề ra đều được thực hiện. Cũng trong cuộc họp lần này, Đại hội đồng Liên hợp quốc còn thông qua ngân sách chi cho hoạt động gìn giữ hòa bình cho các phái bộ Liên hợp quốc tại Abyei, Nam Sudan và Bờ Biển Ngà. Nhà đàm phán Mỹ, ông Joseph Torsella cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998 và cũng là lần thứ hai trong 50 năm qua, ngân sách Liên hợp quốc bị giảm so với chi tiêu thực tế của ngân sách trước đó. 

9. Thủ tướng Nhật Bản thăm chính thức Trung Quốc 

Chiều 25-12-2011, theo lời mời của người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã đến thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc hai ngày. Theo dự kiến, ông Y.Noda sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong chuyến thăm này. Ông Y.Noda là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ khi Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên nắm quyền vào năm 2009. Đây cũng là lần đầu tiên ông Y.Noda đến thăm Trung Quốc kể từ khi nhậm chức hồi tháng 8 năm nay. Chuyến thăm của Thủ tướng Yoshihiko Noda được cho là sẽ mở ra cơ hội mới tăng cường sự tin cậy và hợp tác lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn của khu vực và thế giới. Đối với Nhật Bản, Trung Quốc là thị trường rộng lớn cho ngành công nghiệp xe hơi và sản xuất các thiết bị công nghệ cao của Nhật Bản. Ngoài ra, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 ước tính đạt 300 tỉ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Nhật Bản trở thành đối tác có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ ba của Trung Quốc khi các doanh nghiệp của nước này đã rót vào Trung Quốc tới hơn 77 tỉ USD. Điều đặc biệt là chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản lần này diễn ra trong bối cảnh dịp kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung-Nhật đang đến gần, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới./.

Hà Bùi tổng hợp
.
.
.
.