.
.

Một số đề xuất về điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm

Thứ Tư, 16/01/2013|21:50

 

Chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được xem là một trong những công cụ thiết yếu của nhà nước nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia, ổn định nền kinh tế. Trong đó hạn mức trả tiền bảo hiểm là vấn đề đầu tiên được người gửi tiền quan tâm.  

Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức trả tiền bảo hiểm thấp sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách BHTG.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm được tính căn cứ trên nhiều yếu tố, nhưng nhìn chung chủ yếu căn cứ vào các yếu tố cơ bản sau: tỷ lệ lạm phát; GDP bình quân đầu người; quy mô nguồn vốn của tổ chức BHTG…Tùy theo tình hình kinh tế và quy định của mỗi quốc gia, hạn mức trả tiền bảo hiểm có thể là có giới hạn hoặc không có giới hạn.

Việt Nam áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm có giới hạn. Từ khi thành lập BHTG Việt Nam năm 2000, hạn mức này là 30 triệu đồng, năm 2005 được tăng lên 50 triệu đồng và duy trì cho đến nay đã không còn phù hợp do không bảo vệ được số đông người gửi tiền, thấp hơn rất nhiều so với thông lệ quốc tế, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý người gửi tiền trong bối ảnh kinh tế xã hội có nhiều biến động như hiện nay.

Thứ nhất, nếu so sánh với tình hình lạm phát của Việt Nam thì hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay khá bất cập. Trước năm 2005, lạm phát ở Việt Nam được duy trì ở mức thấp, thậm chí còn có thời kỳ giảm phát. Tuy nhiên, từ đó trở đi lạm phát thường ở mức cao, cá biệt năm 2008 là 22,97% và năm 2011 là 18,58%. Điều này làm giảm đáng kể giá trị đồng tiền, cụ thể VND mất giá khoảng 30% so với USD từ năm 2005, khiến cho hạn mức trả tiền bảo hiểm trở nên không còn phù hợp với diễn biến giá cả.

Thứ hai, hạn mức trả tiền bảo hiểm khi BHTGVN mới được thành lập là 30 triệu đồng, tương đương với 4,5 lần GDP bình quân đầu người. Đây được đánh giá là mức trung bình phổ biến trên thế giới và bảo vệ được khoảng 90% người gửi tiền ở Việt Nam tại thời điểm đó. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của tình hình kinh tế xã hội, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên đáng kể và đến nay đã đạt khoảng 1300 USD, tương đương 27 triệu đồng. Mặc dù hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được điều chỉnh lên mức 50 triệu đồng từ nẵm 2005 nhưng đến nay sự thay đổi này đã không theo kịp tốc độ tăng GDP bình quân đầu người.

So sánh tỷ lệ hạn mức trả tiền bảo hiểm/GDP bình quân đầu người của một số quốc gia trong khu vực cho thấy hầu hết tỷ lệ này của các nước đều cao hơn nhiều so với Việt Nam hiện nay. Cụ thể:

Hạn mức trả tiền bảo hiểm của một số quốc gia Asean ( số liệu tháng 12/2010)

Quốc gia

Hạn mức trả tiền bảo hiểm

Tỷ lệ hạn mức trả tiền bảo hiểm/GDP bình quân

Quy định theo luật

Tương đương USD

Singapore

20.000 SGD

15.300

0,35

Vietnam

50 triệu VND

2.600

2,25

Indonesia

100 triệu RPH

11.700

3,75

Philippines

500.000 PHP

11.500

5,64

Thailand

1 triệu THB

33.000

6,90

Malaysia

250.000 MYR

80.300

9,74

Nguồn: Cơ quan bảo vệ tiền gửi Thái Lan

Ngoài ra, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vừa qua, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, một số nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan… đều đã sử dụng biện pháp chi trả BHTG toàn bộ trong một khoảng thời gian nhất định để ngăn chặn sự đổ vỡ hàng loạt khi những thông tin xấu về cuộc khủng hoảng toàn cầu đang lan rộng.

Tương tự, để đối phó với khủng hoảng tài chính, BHTG liên bang Mỹ đã có hành động rất kịp thời khi nâng hạn mức BHTG từ 100.000 USD lên đến 250.000 USD nên mặc dù có sự đổ vỡ lớn của hệ thống ngân hàng nhưng ở Mỹ đã không xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt. Việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm chính là điều kiện để Chính phủ và Quốc hội Mỹ thông qua gói giải pháp 700 tỷ USD giải cứu thị trường.

Trong khi đó, Peru lại áp dụng thay đổi hạn mức trả tiền bảo hiểm theo định kỳ hàng quý. Giai đoạn từ tháng 6-8/2012, hạn mức trả tiền bảo hiểm được điều chỉnh từ 34.167 USD xuống 34.159 USD. Trước đó, giai đoạn từ tháng 3-5/2012, hạn mức trả tiền bảo hiểm được tăng từ 26.325 USD lên 34.167 USD sau khi xem xét và đánh giá lại trên cơ sở chỉ số giá bán buôn.

Thứ ba, do sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm tài chính mới trong thị trường tài chính ngân hàng, người gửi tiền có nhiều lựa chọn để đầu tư thay vì gửi tiền vào ngân hàng với hạn mức trả tiền bảo hiểm thấp đồng nghĩa với mức độ rủi ro cao. Việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp sẽ tạo sự yên tâm cho người gửi tiền, tạo ra một công cụ đầu tư có mức độ rủi ro thấp, thích hợp với những nhà đầu tư không ưa mạo hiểm, giúp hệ thống ngân hàng thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để thực hiện chức năng trung gian tài chính một cách hiệu quả và tích cực.

Thứ tư, đời sống được cải thiện đồng nghĩa với việc lượng tiền nhàn rỗi của người dân ngày càng tăng lên. Hơn nữa do thị trường chứng khoán, bất động sản đang tạm lắng, chính sách đối với kinh doanh vàng chưa ổn định nên đã có không ít nhà đầu tư chuyển sang gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng với con số lên tới hàng trăm triệu đồng hoặc hơn. Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong đó, tổng số dư tiền gửi của khách hàng năm 2011 tăng 9,89% so với năm 2010, tổng số dư tiền gửi của khách hàng 7 tháng đầu năm 2012 tăng hơn 12% so với năm 2011. Hạn mức trả tiền bảo hiểm thấp và không thay đổi trong hơn 7 năm qua đã khiến cho vai trò bảo vệ số đông người gửi tiền của tổ chức BHTG bị ảnh hưởng.

Với tất cả những lý do trên, việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay đang là một yêu cầu hiện thực khách quan.

Khoản 2 Điều 24 Luật BHTG quy định “Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của NHNN Việt Nam trong từng thời kỳ”.

Theo đó, hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được thay đổi theo từng thời kỳ. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường. Đây là một trong những điểm mới cơ bản của Luật BHTG so với Nghị định 109 trước đây. Việc ban hành Luật BHTG là một bước tiến quan trọng nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp cho hoạt động BHTG hiệu quả hơn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Để đạt được hiệu quả tối đa cho mục tiêu quan trọng của chính sách BHTG là củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính ngân hàng, việc tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm cần sớm được thực hiện; đồng thời, cần quan tâm xem xét một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần căn cứ vào năng lực tài chính của tổ chức BHTG Việt Nam, xây dựng cơ chế cho phép BHTG Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp.

Thứ hai, hạn mức trả tiền bảo hiểm được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình kinh tế xã hội. Tuy nhiên, cần chú ‎ý đến tần suất điều chỉnh sao cho phù hợp bởi nếu điều chỉnh hạn mức quá thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tổ chức BHTG, ngược lại có thể làm tăng nhanh chóng số tiền gửi không được bảo hiểm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.

Thứ ba, cần thực hiện theo nguyên tắc chung hạn mức trả tiền bảo hiểm không quá thấp để khuyến khích người gửi tiền yên tâm gửi tiền vào ngân hàng và không quá cao để kiểm soát vấn đề rủi ro đạo đức, đồng thời có tính tới điều kiện thị trường bình thường và khi có khủng hoảng.

Cuối cùng, cần thu thập và tổng hợp thông tin về người gửi tiền từ hệ thống ngân hàng để tính đến tỷ lệ người gửi tiền được bảo vệ trên tổng số người gửi tiền.


Ths. Nguyễn Thị Thu Hương

 

.
.
.
.