.
.

Thông tin hữu ích về chính sách Bảo hiểm tiền gửi

Chủ Nhật, 06/01/2013|21:48

Ngày 1/1/2013, Luật BHTG đã chính thức có hiệu lực. Rất nhiều vấn đề, từ hạn mức trả tiền bảo hiểm, phí BHTG, cụ thể hóa địa vị pháp lý của tổ chức BHTG v.v đang được người dân, các tổ chức tín dụng (TCTD) đặc biệt quan tâm và chờ đợi các văn bản hướng dẫn  khi được ban hành sẽ đảm bảo nguyên tắc đúng tinh thần của Luật BHTG, mang tính khả thi để chính sách BHTG phát huy giá trị trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cũng như duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và góp phần phát triển kinh tế. Những nội dung này đã được các vị khách mời của chương trình giao lưu chính luận “Nghĩ mở nói thẳng” phát sóng trên kênh VTV2 Đài truyền hình Việt Nam lúc 20 giờ ngày 28/12/2012 đề cập một cách cụ thể và cởi mở, mang lại nhiều thông tin hữu ích cho công chúng.

Các khách mời tham gia giao lưu
Các khách mời tham gia giao lưu

Lợi ích BHTG mang lại cho người dân

Theo TS. Bùi Khắc Sơn - Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), BHTG là chính sách của Nhà nước bảo vệ người gửi tiền, người sử dụng dịch vụ tài chính. Trong trường hợp có sự đổ vỡ hoặc đóng cửa các TCTD, tổ chức tham gia BHTG sẽ là người thay mặt Chính phủ chi trả cho người gửi tiền.

 

Ông Sơn nhấn mạnh: Để người dân yên tâm thì vấn đề đặt ra làm thế nào chi trả cho người gửi tiền sớm nhất, đúng thời gian quy định. Điều đó liên quan tới quỹ BHTG được hình thành bởi sự đóng góp của các tổ chức tham gia BHTG, TCTD. Đồng thời, nguyên tắc chung là không lấy tiền từ Ngân sách Nhà nước – tiền thuế của người dân - để chi cho việc xử lý đổ vỡ.

Đề cập tới vai trò cũng như lợi ích của BHTG đối với người dân, TS. Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Khi nói đến khái niệm bảo hiểm lĩnh vực nào đó, người ta thường nghĩ tới lợi ích của người tham gia đóng góp bảo hiểm nhận lại sự chi trả, chia sẻ khi có rủi ro xảy ra. Nhưng đối với BHTG, người gửi tiền không phải trực tiếp đóng phí bảo hiểm mà trách nhiệm này thuộc về tổ chức nhận tiền gửi. Cụ thể, TCTD, ngân hàng nhận tiền gửi của người dân thay mặt họ đóng một khoản gọi là phí bảo hiểm để nếu không may ngân hàng mất khả năng chi trả hoặc bị phá sản thì người thứ ba là tổ chức BHTG sẽ đền bù cho người gửi tiền. Tổ chức BHTG hay hoạt động BHTG nhằm bảo vệ trước hết lợi ích của người gửi tiền nhưng cũng đảm bảo hoạt động ổn định và phát triển bền vững của TCTD – nơi nhận tiền gửi từ người dân.

Đề xuất nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 200 triệu đồng

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rủi ro hoạt động ngân hàng ngày càng gia tăng, nhưng hạn mức trả tiền bảo hiểm vẫn “đứng yên” từ năm 2005 ở mức 50 triệu đồng cho đến nay khiến nhiều người dân lo lắng. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) cho rằng, hạn mức trả tiền bảo hiểm được áp dụng từ năm 2005. Qua nhiều năm, nhiều biến động của tình hình kinh tế xã hội trong nước thời gian qua và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rõ ràng các nước đã có những phản ứng nhanh nhạy, điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm linh hoạt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn duy trì hạn mức trả tiền bảo hiểm không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đơn cử, tại VCB, theo thống kê, để bảo vệ khoảng 80% số người gửi tiền, hạn mức trả tiền bảo hiểm phải nâng lên 270 triệu đồng. Còn để bảo vệ được 90% khách hàng cá nhân của VCB, hạn mức trả tiền bảo hiểm phải lên tới 500 triệu đồng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Khắc Sơn nhấn mạnh: Đây là vấn đề chính sách quan trọng của Nhà nước khi muốn củng cố và nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính quốc gia. Nếu hạn mức trả tiền bảo hiểm cao thì niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính quốc gia cao. Tuy nhiên, theo ông Sơn, hạn mức trả tiền bảo hiểm chỉ nên cao vừa phải để tránh rủi ro đạo đức từ phía tổ chức huy động tiền gửi hoặc từ phía người dân. Nghiên cứu của BHTGVN cho thấy, hạn mức trả tiền bảo hiểm được hình thành bởi những cơ sở thực tiễn và khoa học: Thu nhập bình quân đầu người của từng giai đoạn; sức khỏe của hệ thống TCTD; chính sách tiền tệ và lạm phát hàng năm. Mặt khác, khi huy động cao hoặc nếu có khủng hoảng hoặc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì Nhà nước cần xem xét điều chỉnh hạn mức cho phù hợp. Thông thường, ở các nước hạn mức trả tiền bảo hiểm được xem xét 5 năm/lần, nếu đột xuất có khủng hoảng hoặc đổ vỡ mang tính hệ thống thì phải điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm ngay lập tức, thậm chí là bảo hiểm không giới hạn. Ở Việt Nam, BHTGVN cũng đang đề xuất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ xem xét nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 50 triệu đồng lên khoảng 200 triệu đồng.

Nhiều TCTD cũng cho rằng, nếu hạn mức trả tiền bản hiểm được nâng lên, người dân gửi tiền vào hệ thống ngân hàng sẽ nhiều hơn, TCTD có nguồn để cho vay được nhiều hơn, khi đó lợi nhuận của các TCTD sẽ cao hơn.

Sớm triển khai tính phí BHTG trên cơ sở rủi ro

Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng đồng nghĩa quỹ BHTG phải được củng cố, năng lực tài chính của tổ chức BHTG phải được tăng cường để đảm bảo có nguồn chi trả cho người gửi tiền. Ông Bùi Khắc Sơn lý giải, hạn mức trả tiền bảo hiểm và phí BHTG có mối liên hệ chặt chẽ. Nguyên tắc là hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước cho chi trả nhưng phí BHTG không thể quá cao để trở thành gánh nặng đối với các TCTD. Thông thường ở các quốc gia, quỹ BHTG chiếm tỷ lệ 1,5-3% (thậm chí cao hơn) so với tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Tuy nhiên, trong trường hợp khủng hoảng hay đổ vỡ hệ thống thì quỹ này không thể đáp ứng được. Khi đó, tổ chức BHTG được phép vay TCTD, vay ngân sách Nhà nước hoặc vay trong nước, vay ngoài nước để bù đắp. Chính phủ bảo lãnh các khoản vay này. Sau đó, tổ chức BHTG tham gia xử lý đổ vỡ để thu hồi các khoản nợ hoàn trả ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, theo quy định tổ chức tham gia BHTG phải đóng phí 0,15% trên tổng số dư các loại tiền gửi được bảo hiểm. Việc áp dụng mức phí đồng hạng trong thời gian đầu tiên triển khai đã giúp tổ chức BHTG dễ dàng trong quản lý, tính phí và thu phí. Tuy nhiên, nếu tiếp tục duy trì cách tính phí đó không đảm bảo nguyên tắc thị trường, không tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD.

Luật BHTG quy định phí BHTG được tính trên cơ sở rủi ro của TCTD. Tổ chức nào rủi ro cao sẽ chịu mức phí cao và ngược lại. Để cụ thể hóa vấn đề này cần xếp hạng TCTD và đòi hỏi sự tham mưu tích cực của các cơ quan chức năng liên quan. Luật BHTG quy định trách nhiệm xếp hạng TCTD thuộc về NHNN. Về phía BHTG, theo ông Sơn “Chúng tôi đã nghiên cứu trình Thống đốc NHNN và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và áp dụng cho từng giai đoạn. Đây là vấn đề quan trọng đối với BHTG và hệ thống ngân hàng”.

Ông Sơn cũng lưu ý, để thực hiện điều này không dễ. “Tổ chức BHTG khi mới thành lập thường áp dụng mức phí đồng hạng; đồng thời Luật BHTG các nước ghi rõ trong thời hạn 2 năm (nếu chuẩn bị tốt có thể sớm hơn) phải chuyển sang áp dụng mức phí BHTG theo rủi ro. Muốn chuyển đổi Ngân hàng Trung ương phải ban hành được hệ thống chỉ tiêu đảm bảo an toàn, phân biệt anh nào rủi ro nhiều, anh nào rủi ro ít và có thời gian để các TCTD chuẩn bị chứ không phải ban hành ngày nay thì ngày mai áp dụng ngay”.

“Luật BHTG quy định Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về BHTG”

Luật BHTG đã được ban hành và có hiệu lực, tuy nhiên, một số nội dung còn mang tính nguyên tắc, để thi hành phải có văn bản hướng dẫn, trước hết là nghị định của Chính phủ, Thông tư của NHNN, các cơ quan liên quan.

Dưới góc độ của nhà nghiên cứu lập pháp, TS. Đinh Xuân Thảo lập luận: Luật BHTG quy định rõ Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về BHTG. Tổ chức BHTG là tổ chức tài chính Nhà nước được điều chỉnh bằng Luật BHTG và có địa vị pháp lý là một thiết chế Luật định hoạt động độc lập. Tất nhiên, tổ chức BHTG không phải là cơ quan quản lý Nhà nước như một bộ. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc trình chính sách hoặc ban hành chính sách phải do cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, phải là cấp bộ hoặc tương đương. Vì BHTG không phải là cơ quan cấp bộ nên việc trình chính sách, ban hành chính sách do NHNN. NHNN - cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHTG - ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhưng người khởi thảo các văn bản đó chủ yếu phải là BHTGVN. BHTGVN có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc đó. BHTGVN là cơ quan trực thuộc Chính phủ và chịu sự quản lý của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tính độc lập tương đối, đảm bảo khách quan. Luật BHTG xem xét “sức khỏe” của các TCTD - bộ phận quản lý trực tiếp của NHNN - nếu BHTG “nằm trong” NHNN không đảm bảo tính khách quan. Tóm lại, tổ chức BHTG là thiết chế độc lập nhưng trình chính sách phải qua NHNN.

Tuyên truyền chính sách BHTG – trách nhiệm không của riêng tổ chức BHTG

Ông Phạm Thanh Hà cho biết, không đợi đến khi Luật BHTG được ban hành các TCTD mới tuyên truyền đến người gửi tiền. Bản thân VCB đã tích cực tham gia tuyên truyền về chính sách BHTG tới khách hàng như: Tham gia cuộc thi tìm hiểu về BHTG và hoạt động của BHTGVN, phổ biến kiến thức trong nội bộ. Mỗi cán bộ VCB cũng là những tuyên truyền viên giải đáp thắc mắc cho khách hàng. Tại quầy giao dịch, người gửi tiền đến VCB đều có thông báo tiền gửi của họ được bảo hiểm bởi BHTGVN.

 

Cho rằng tuyên truyền phổ biến chính sách BHTG không chỉ là trách nhiệm của tổ chức BHTG, ông Đinh Xuân Thảo nói: Đã có Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Tiếp cận thông tin cũng sắp được ban hành, trong đó quy định cơ quan, ban, ngành lĩnh vực liên quan, các cơ quan trình dự án luật, sau khi được thông qua phải có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người dân được biết. Đối với lĩnh vực BHTG, trách nhiệm phổ biến, giáo dục, tuyên truyền các quy định về BHTG thuộc về tổ chức BHTG và tổ chức tham gia BHTG. Mọi người dân, đặc biệt là người gửi tiền cần phải biết đầy đủ thông tin, trên cơ sở đó họ giám sát, đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong trường hợp thực hiện không đúng, người dân có quyền khiếu nại, tố cáo.

45 phút “Nghĩ mở nói thẳng” không đủ để nói về BHTG – lĩnh vực người dân đang rất quan tâm bởi nhiều người trong chúng ta đang gửi những đồng tiền chắt chiu tiết kiệm tại ngân hàng. Nhưng những trao đổi cởi mở, thiết thực từ các vị khách mời đã phần nào thỏa mãn nhu cầu thông tin về BHTG của công chúng. Đó thực sự là tín hiệu mừng khi năm 2013 Luật BHTG có hiệu lực. Người dân hy vọng, hệ thống văn bản dưới Luật được ban hành sẽ thực sự hiệu quả và sâu sát với lợi ích của người gửi tiền, góp phần đảm bảo hoạt động an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

 

.
.
.
.