.
.

Tận dụng lợi thế vùng để kết nối

Chủ Nhật, 17/03/2013|17:38

 

Trước thềm Hội nghị Doanh nghiệp miền duyên hải phía Bắc được tổ chức tại Thái Bình ngày hôm nay (15/3), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, doanh nghiệp các tỉnh miền duyên hải phía Bắc, nhất là doanh nghiệp Thái Bình đang bỏ lỡ nhiều cơ hội từ các mối liên kết vùng.

 

Ông Vũ Tiến Lộc
Ông Vũ Tiến Lộc
Thưa ông, các mối liên kết vùng này cụ thể là gì?

Đây là các tỉnh ven biển, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, với những lợi thế rất rõ về du lịch, kinh tế biển, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao.

Mối liên kết này còn nổi lên với khá nhiều ưu thế nếu được đặt trong mối liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gồm Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc), mà trong đó cùng với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh là hai hạt nhân chính của vùng.

Rõ ràng, dư địa cho việc phát triển các mối liên kết trong vùng của doanh nghiệp các tỉnh còn lại trong khu vực duyên hải, cũng như doanh nghiệp Thái Bình mở rộng hơn, có nhiều cơ hội hơn.

Chẳng hạn, như việc phát triển kinh tế biển với sự kết nối của các địa phương ven biển phía Bắc. Cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa trên lợi thế của vựa lúa chính của đồng bằng sông Hồng và nhiệm vụ giữ gìn đất trồng lúa...

Lợi thế của vùng văn minh lúa nước, sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề đặc trưng của vùng hoàn toàn có thể trở thành một đặc sản trong phát triển chuỗi du lịch của cả vùng, của cả nước.

Cùng với đó, các doanh nghiệp có thể trở thành vệ tinh, cung cấp sản phẩm hỗ trợ, nguyên phụ liệu cũng như liên kết dịch vụ du lịch với các trung tâm công nghiệp, dịch vụ đã hình thành ở Hải Phòng, Quảng Ninh…

Điều quan trọng là cơ chế chính sách, điều kiện hậu thuẫn để phát triển các mối liên kết này.

Có nghĩa là, chìa khoá để mở những nút thắt liên kết đã có, thưa ông?

Có thể nói như vậy. Bởi, các địa phương trong khu vực đã có những cam kết, thoả thuận liên kết rất rõ ràng để doanh nghiệp có thể nhìn thấy được cơ hội của mình. Đặc biệt, các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của các địa phương trong vùng đang được thực hiện khá quyết liệt.

Cụ thể, UBND tỉnh Thái Bình đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với VCCI để triển khai các chương trình, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất - kinh doanh, kỹ năng quản trị cho các doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại, du lịch…

Kết quả rõ nét nhất trong các nỗ lực này có thể nhìn thấy từ xếp hạng PCI hàng năm do VCCI công bố. Tôi còn nhớ, vào lần công bố trước, sau khi có kết quả xếp hạng PCI ở vị trí 55 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, UBND tỉnh Thái Bình đã có những cuộc họp triển khai chương trình hành động cụ thể, nhằm cải thiện các chỉ số thành phần của PCI, đặc biệt là cải thiện các điểm yếu…

Đặc biệt, Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh nối dọc bờ biền các địa phương trong vùng khi được đầu tư sẽ hoàn tất hệ thống giao thông trong vùng với hệ thống cảng biển lớn ở phía Bắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong các ngành kinh tế biển, du lịch...

Tuy nhiên, sự khá tương đồng về lợi thế của từng địa phương trong vùng khiến doanh nghiệp khó định hình cơ hội?

Đó là lý do Hội nghị Doanh nghiệp miền duyên hải phía Bắc được tổ chức.

Phải nói thêm, tình hình kinh tế năm 2013 vẫn còn khó khăn. Nếu doanh nghiệp không cùng nhau bàn cách khai thác các lợi thế trong các mối liên kết miền, không xác định rõ ưu  thế của chính mình khi tham gia vào chuỗi phát triển, thì tiềm năng và cơ hội của vùng, dù được tạo điều kiện về chính sách đến đâu, sẽ không thể tạo nên sức bật cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và chính quyền các địa phương phải bắt tay ngay vào việc.

 

.
.
.
.