.
.

Công bố kết quả kiểm tra lương tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Chủ Nhật, 12/02/2012|20:33

 

Kết quả kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện pháp luật về tiền lương, thu nhập tại Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – và 25 đơn vị trực thuộc ở cả 3 khối sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho thấy, dù EVN đã thực hiện cơ chế phân phối tiền lương và thu nhập theo quy định Nhà nước, song vẫn bộc lộ nhiều bất cập cần sớm khắc phục.
 
Ngành sản xuất – kinh doanh đặc thù
 
Thông báo với các cơ quan thông tấn, báo chí ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH – khẳng định, điện là sản phẩm đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Sản phẩm, cung ứng điện là ngành đặc thù, mang tính hệ thống, khép kín từ khâu sản xuất, truyền tải đến khâu phân phối, cung ứng.
“Quá trình sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời, không thể tích trữ và được vận hành theo quy trình công nghệ mang tính chuyên môn, kỹ thuật cao, địa bàn trải rộng trên khắp cả nước. Chính vì vậy, giá bán điện phải thực hiện theo sự điều hành của Chính phủ” – ông Tùng nói.
 
Ngoài nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân, EVN và các đơn vị thành viên còn phải thực hiện nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ và các nhiệm vụ chính trị, xã hội khác.
 
Để hoàn thành các nhiệm vụ này, EVN phải thực hiện nhiều hoạt động với chi phí đầu tư lớn, như: đưa điện về nông thôn, cung cấp điện cho các hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp ở vùng sâu, vùng xa, miền núi với giá ưu đãi (thấp hơn giá thành sản xuất). Hơn nữa, khi tời tiết khô hạn, EVN phải phát điện bằng dầu FO, DO giá cao để đảm bảo cung ứng điện liên tục phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
 
Số liệu của đoàn kiểm tra cho thấy, năm 2010, tổng công suất đặt nguồn toàn hệ thống điện là 21.586 MW, trong đó các nguồn thuộc EVN (báo gòm cả điện mua của Trung Quốc) là 15.226 MW, chiếm 70,5% và gấp 1,89 lần công suất nguồn điện năm 2005.

Chánh thanh tra Bộ LĐTB&XH trao đổi với báo chí

Về sản lượng điện thương phẩm, số liệu kiểm tra cho thấy, năm 2010 đạt 85,67 tỷ kwh, tăng 14,51% so với năm 2009 và vượt 4 tỷ kwh so với chỉ tiêu của Bộ Chính trị đề ra trong Chiến lược phát triển điện Việt Nam giai đoạn 2004-2010.

Kết quả kiểm tra của Bộ LĐTBXH cũng cho thấy, từ năm 2006 đến năm 2010, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành 25 tổ máy thuộc 19 dự án nguồn điện với công suất 6.177 MW và hiện đang tiếp tục triển khai 18 dự án nguồn điện lớn khác. Cũng trong giai đoạn này, EVN đã hoàn thành đưa vào vận hành 532 công trình lưới điện 110-500kv với tổng chiều dài 8.405 km.

Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2006-2010 cảu EVN đạt 204.520 tỷ đồng, bằng 6,7% tổng đầu tư của cả nước và bình quân tăng trưởng đầu tư trong 5 năm đạt 19,3%/năm.

Riêng chương trình đưa điện về nông thôn, theo kết quả kiểm tra, đến cuối năm 2010, EVN đã đưa điện tới 100% số  huyện trogn cả nước và 98,18% số xã và 96,05% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia.

Để hoàn thành được những nhiệm vụ nói trên, EVN đã huy động nguồn nhân lực khá lớn. Theo số liệu kiểm tra, đến hết năm 2010, toàn Tập đoàn có 96.319 lao động, trong đó lao động sản xuất, kinh doanh điện là 75 nghìn người với 96,31% lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Cụ thể, có 27,1% có trình độ đại học trở lên; 22,17% có trình độ cao đẳng, trung cấp và 47,04% có trình độ công nhân kỹ thuật.

Riêng cơ quan Tập đoàn có 89% trong tổng số 332 lao động có trình độ từ đại học trở lên, trong đó đa số là những người đã từng giữ các chức vụ quản lý chuyên môn cao từ các đơn vị thành viên của EVN.

Xếp lương, thu nhập theo quy định của Chính phủ

Về tình hình thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập tại EVN, ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy lương bình quân chung của người lao động sản xuất, kinh doanh điện toàn tập đoàn năm năm 2008 đạt 5,79 triệu đồng; năm 2009 đạt 7,06 triệu đồng và năm 2010 đạt 7,45 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, tổng quỹ tiền lương nêu trên chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng giá thành sản xuất-kinh doanh điện.

Ngoài ra, tiền thưởng từ quỹ khen thưởng, phúc lợi bình quân năm 2008 là 135.000 đồng/người/tháng; năm 2009 là 244.000 đồng/người/tháng còn năm 2010 do Evn bị lỗ nên người lao động không được hưởng tiền thưởng từ quỹ phúc lợi của năm 2010 mà chỉ được tiền thưởng do quỹ phúc lợi của các năm trước (khoản dự phòng) chuyển sang với mức bình quân 178.000 đồng/người/tháng.

Nếu tính tổng thu nhập của người lao động sản xuất-kinh doanh điện, gồm: tiền lương theo đơn giá, tiền lương ngoài đơn giá và tiền thưởng toàn tập đoàn năm 2008 đạt 5,929 triệu đồng; năm 2009 đạt 7,308 triệu đồng và năm 2010 ở mức 7,628 triệu đồng/người/tháng.

“Tiền lương của người lao động EVN không phụ thuộc vào giá bán điện mà được tính tính toán trên cơ sở sản lượng điện thương phẩm. Theo đó, sản lượng điện thương phẩm, năng suất tăng thì tiền lương của người lao động sẽ tăng và ngược lại” – ông Tùng nói.

Về cơ sở pháp lý của việc phân bổ lương, thu nhập của EVN, ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết, EVN thực hiện theo Nghị định 141/2007/NĐ-CP, theo đó, hàng năm Công ty mẹ (chiếm 4,3% lao động sản xuất, kinh doanh điện) có trách nhiệm xây dựng đơn giá tiền lương để báo cáo liên Bộ LĐTB&XH và Tài chính thẩm định. Còn các công ty con (chiếm 95,7% lao động) có trách nhiệm xây dựng đơn giá tiền lượng, báo cáo Hội đồng thành viên phê duyệt để làm căn cứ xác định quỹ tiền lượng thực gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, riêng năm 2010 do bị lỗ nên tập đoàn đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng đơn giá tiền lương bằng 95% đơn giá của năm 2009.

Ngoài ra, tập đoàn còn được hưởng các khoản tiền lương ngoài đơn giá, gồm: tiền vận hành an toàn điện, tiền lương bổ sung đối với những ngày nghỉ theo chế độ có hưởng lương và tiền lương làm thêm giờ căn cứ theo số đối tượng thực tế được hưởng.

PV (tổng hợp)

.
.
.
.