.
.

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hóa chất

Thứ Sáu, 19/10/2012|07:42

Với việc cải tiến thay đổi trắc đồ lò cao sản xuất phân lân nung chảy, nâng công suất lên 100.000 tấn/năm (11 – 12 tấn/giờ) so với thiết kế ban đầu (đầu những năm 1960) là 10.000 tấn/năm đã giúp Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển giảm 67,7% tiêu hao than tại cửa lò, giảm 81,3% tiêu hao điện tại cửa lò.

Cùng với việc tiếp tục cải tiến trắc đồ lò, phối liệu, chế độ làm lạnh, đến nay, công suất lò đã được nâng lên 13 – 14 tấn/giờ, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số nước khác.

Đó chỉ là một trong những điển hình thành công của việc chủ động thay đổi công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều DN khác của ngành hóa chất cũng đã thành công trong việc chủ động thay đổi công nghệ này.

Theo TS. Chử Văn Nguyên – Trưởng ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Để tăng trưởng bền vững, vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu là năng suất và chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa Tập đoàn phải được nâng cao. Điều này có nghĩa là phải cải tiến để có sản phẩm chất lượng tốt hơn; Loại bỏ lãng phí, kiểm soát chi phí để có sản phẩm rẻ hơn và rút ngắn thời gian sản xuất để cung cấp sản phẩm nhanh hơn. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều DN ngành hóa chất vẫn tồn tại một số nguyên nhân làm tăng chi phí đầu vào sản xuất của các DN hóa chất như: Một số DN vẫn sử dụng các dây chuyền sản xuất có công nghệ và thiết bị cũ, lạc hậu, khiến tỷ lệ sử dụng nhân công cao, hiệu suất sử dụng năng lượng thấp; Một số dây chuyền sản xuất được đầu tư thêm thiết bị nhưng vẫn trong tình trạng chắp vá, không đồng bộ hoặc hạn chế về công suất; Trình độ công nghệ và thiết bị hạn chế đã kéo theo chất lượng sản phẩm thấp, kém sức cạnh tranh…

Những kết quả vượt bậc thu được từ sự chủ động thay đổi công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng của các công ty thuộc Tập đoàn cho thấy những kết quả tích cực rõ rệt trong nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ví dụ cụ thể từ Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển sau khi cải tiến thay đổi trắc đồ lò cao sản xuất phân lân nung chảy, nâng công suất lên 100.000 tấn/năm (11 – 12 tấn/giờ) so với thiết kế ban đầu (đầu những năm 1960) là 10.000 tấn/năm đã thấy rõ điều đó.

Cũng chú trọng thay đổi công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã thay đổi công nghệ sản xuất axit sunphuric của các xưởng I và II từ tiếp xúc đơn, hấp thụ một lần sang công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ hai lần, không những làm tăng hiệu quả sản xuất, giảm định mức tiêu hao nguyên liệu mà đặc biệt còn làm giảm thiểu ô nhiễm khí thải công nghiệp xuống dưới mức cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường QCVN, cụ thể, định mức tiêu hao lưu huỳnh (S) ngay sau khi chuyển đổi giảm 1,2% và đến nay đã giảm 2,4%, giúp tiết kiệm hàng trăm tấn lưu huỳnh nguyên liệu mỗi năm. Hàm lượng SO2 trong khí thải từ mức 2000 – 2500 mg/Nm3 giảm xuống còn 500 – 1000 mg/Nm3, đạt cột A của QCVN 21:2009/BTNMT.

Việc đầu tư công nghệ điện phân xút-clo màng trao đổi ion (Membran) ở Nhà máy Hóa chất Biên Hòa (Công ty TNHH MTV Hóa chất miền Nam) và Công ty CP Hóa chất Việt Trì với tính năng điều khiển tự động đã giúp tăng năng suất của hai nhà máy lên 50.000 tấn/năm và tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội (NaOH > 32%; HCl < 40 ppm), đồng thời giảm định mức tiêu hao nhiên liệu.

Cũng theo ông Nguyên, những thay đổi công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phần lớn phụ thuộc vào bản thân DN. Thời gian qua, các DN thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng nhằm đạt mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp quản lý, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, đầu tư nhằm tạo sự chuyển dịch cơ bản từ năng suất, chất lượng, công nghệ, giá trị gia tăng thấp sang năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, công nghệ có hàm lượng khoa học cao. Tuy nhiên, việc thay đổi công nghệ đối với bất cứ DN nào cũng là một việc đòi hỏi mức đầu tư khá lớn, không phải DN nào cũng có thể đầu tư ngay lập tức. Do đó, các DN vẫn mong muốn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động như tuyên truyền, quảng bá, đào tạo chuyên gia; Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các chỉ tiêu, phương pháp đo lường…

Để hỗ trợ DN nâng cao hơn nữa năng suất và chất lượng sản phẩm, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp”. Ông Nguyễn Đình Hiệp – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương cho biết: Là 1 trong 9 đề án thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, Đề án được xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của các ngành công nghiệp chủ lực, áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ đầu tư nhằm chuyển từ sản phẩm có năng suất chất lượng, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học thấp sang sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học cao, tăng giá trị nội địa hóa, đồng thời có những sản phẩm có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn nhằm cải tiến các mô hình sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa công nghiệp. Đây được cho là động thái không chỉ giúp DN ngành hóa chất mà còn giúp DN ngành công nghiệp nói chung nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất của mình.

P.V (Theo VET)

.
.
.
.