.
.

Tiếp tục nâng cao uy tín, tính cạnh tranh của dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới

Chủ Nhật, 10/03/2013|17:18

Năm 2012, mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và khủng hoảng nợ công châu Âu, song dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục là lĩnh vực mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cân bằng cán cân thương mại của mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu.

Thực trạng xuất khẩu ngành Dệt may Việt Nam

Năm 2012, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Dệt may vẫn duy trì mức độ tăng trưởng ổn định, tiếp tục là ngành có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và xơ sợi dệt toàn ngành đạt 17,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2011. Xuất khẩu dệt may đạt 15,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong 17,2 tỷ USD xuất khẩu, Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 8,8 tỷ USD nguyên phụ liệu, còn lại khoảng 50% nguyên phụ liệu nội địa. Điều này khẳng định, dệt may Việt Nam ngày càng có uy tín và tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành Dệt may Việt Nam luôn đứng trong Top 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu thế giới, là ngành có sản phẩm xuất khẩu thu về nguồn ngoại tệ lớn, đóng góp phần không nhỏ vào ngân sách của nhà nước. Thành công lớn nhất của Dệt may đó là duy trì được việc làm cho 2,2 triệu lao động trong cả nước với mức thu nhập trung bình gần 5 triệu đồng, cải thiện 14% mức lương, góp phần nâng cao thu nhập cho đời sống công nhân. Đây chính là bài toán an sinh lớn nhất mà ngành Dệt may đã làm được trong năm 2012.

Dệt may đã trở thành một trong những ngành kinh tế lớn nhất về quy mô và tầm vóc với 4.000 doanh nghiệp, doanh thu đạt 20 tỷ USD, chiếm 15% GDP và trở thành ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, chiếm trên 18% tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.          
Trên thị trường quốc tế, tính đến nay hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Năm 2012, Mỹ vẫn được đánh giá là thị trường lớn, do vậy Công ty May Sài Gòn (Garmex) quyết định đầu tư 1 triệu USD để mở văn phòng tại Mỹ với mục đích đưa hàng dệt may Việt Nam chào bán tại thị trường Mỹ. Để thực hiện chiến lược này, ngành Dệt may đã chuẩn bị đội ngũ thiết kế mẫu (200 người) để có thể tự thiết kế mẫu, tìm nguyên liệu sản xuất, chào bán sản phẩm. Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, thị trường Hàn Quốc đang trở thành một thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp dệt may với sức tiêu thụ khá lớn. Hàn Quốc đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đã tăng 20,9% và đạt trên 1 tỉ USD (2012).
Việc gia nhập WTO và ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra cơ hội rất lớn cho dệt may Việt Nam do các rào cản thương mại như hạn ngạch dệt may vào Mỹ và các nước đã được dỡ bỏ, bình đẳng về thuế quan giữa các nước thành viên, cơ hội tiếp cận công nghệ, thông tin, các dịch vụ, cũng như kinh nghiệm quản lý được tốt hơn.

Khó khăn trong xuất khẩu dệt may Việt Nam

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu, song thực tế giá trị gia tăng của ngành không cao. . Thêm nữa, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn đang phải đối diện với một số khó khăn, hạn chế đó là:        
Thứ nhất, thiếu nguyên phụ liệu để sản xuất. Năm 2012 các doanh nghiệp dệt may tiếp tục đối mặt với hạn chế lớn đó là thiếu nguyên liệu, phụ liệu. Đa phần nguyên phụ liệu sản xuất vẫn phải nhập khẩu. Nguyên phụ liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu sản xuất của ngành dệt may nên giá trị thặng dư của ngành khó được cải thiện. Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa đang từng bước được cải thiện, mỗi năm tỉ lệ nội địa tăng từ 3%-5%, hiện đạt tới 49% (2012), nhưng vẫn còn thấp xa so với mức 90% của Ấn Độ và 95% của Trung Quốc.         
Thứ hai, lãi suất ngân hàng cao và khó tiếp cận vốn. Năm 2012, các doanh nghiệp Việt Nam phải gánh lãi suất ngân hàng ở mức khá cao 12%-15%, dẫn đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp yếu, hạn chế giá vốn. Trong khi giá vốn của doanh nghiệp trên thế giới chỉ vào khoảng 3%-4%. Với mức giá vốn thấp như vậy, các doanh nghiệp thế giới có dư địa rất lớn về mặt giá thành để cạnh tranh với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.Hơn nữa, việc tiếp cận nguồn vốn cũng rất khó khăn, khả năng thu xếp đầy đủ nguồn vốn phục vụ sản xuất không dễ. Có thể nói, năm 2012, hạn chế đặc thù nổi bật nhất của doanh nghiệp nội địa là chi phí giá vốn cao và khả năng tiếp cận vốn khó khăn so với các quốc gia khác.     
Thứ ba, chi phí đầu vào sản xuất tăng. Hiện giá bán của dệt may không tăng nhưng tất cả chi phí đầu vào đều tăng và đang trong xu hướng tiếp tục tăng. Các chi phí đầu vào cho sản xuất như: xăng, dầu, điện, lương công nhân tăng, trong khi chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động cũng tăng đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do chi phí đầu vào tăng, các đối tác đã chuyển đơn hàng sản xuất sang Campuchia, Myanmar để được hưởng ưu đãi vì Việt Nam đã không còn trong danh sách những quốc gia được hưởng tiêu chuẩn Tối huệ quốc (Most Favoured Nation - MFN). Hiện phần lớn xuất khẩu dệt may của Campuchia vào các thị trường thế giới đều được miễn thuế. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến các nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang các quốc gia khác để tiết kiệm chi phí.
Thứ tư, năng suất lao động thấp.  Mặc dù công tác quản lý năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp dệt may đã được đầu tư quan tâm và cũng đã mang lại hiệu quả hơn so với phương pháp quản lý trước đây, tuy nhiên năng suất lao động đạt được vẫn thấp so với một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và chỉ bằng 1/3 so với Hồng Kông, bằng 1/4 so với Trung Quốc và bằng 1/8 so với Hàn Quốc. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến giá thành, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Nếu năng suất lao động được cải thiện 20% thì không cần đầu tư thêm về chiều rộng nhưng vẫn khai thác hiệu quả năng suất lao động trên nguồn vốn đã đầu tư.

(DCSVN)

.
.
.
.