Nhà máy đạm Phú Mỹ: Ðứa con đầu lòng của ngành hóa dầu Việt Nam
Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ VIII, về Phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996 - 2000 đã chỉ rõ: "Xây dựng nhà máy phân đạm số 1 từ khí có công suất 60 - 80 vạn tấn/năm". Thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng, ngày 27/12/2000, Chính phủ quyết định giao cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân đạm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhà máy Ðạm Phú Mỹ là dự án chế biến dầu khí đầu tiên sau khai thác và trở thành đứa con đầu lòng của ngành hóa dầu Việt Nam.
Nước ta là một nước nông nghiệp, nhưng cuối những năm 90 của thế kỷ trước, hơn 90% lượng phân đạm sử dụng trong nước vẫn phải nhập từ nước ngoài, nguồn cung ứng phụ thuộc vào thị trường thế giới nên rất thiếu ổn định và tiêu tốn khá nhiều ngoại tệ. Chính phủ đã đưa dự án sản xuất phân đạm vào chương trình kêu gọi đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên do chi phí đầu tư lớn và thời điểm đó giá phân bón thế giới đang ở mức thấp, nếu xem xét đơn thuần về hiệu quả kinh tế thì dự án có độ rủi ro cao, thiếu hấp dẫn, cho nên không có nhà đầu tư nước ngoài nào quan tâm đầu tư dự án.
Với tầm nhìn vĩ mô dài hạn, Chính phủ đã quyết tâm thực hiện dự án bằng nội lực. Nhà máy Ðạm Phú Mỹ là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam thuộc khâu sau khai thác của ngành dầu khí, tổng mức đầu tư 445 triệu USD, công suất 740.000 tấn u-rê/năm. Liên danh nhà thầu quốc tế Technip (Italia) - Samsung (Hàn Quốc) là đơn vị được chọn thực hiện dự án.
Nguyên Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy Ðạm Phú Mỹ Bỳ Văn Tứ, nhớ lại: "Là một nước nông nghiệp, nhưng lúc bấy giờ nước ta chỉ có duy nhất Nhà máy Ðạm Hà Bắc, sản xuất u-rê từ nguyên liệu than đá, đáp ứng chưa tới 1/10 nhu cầu của nền nông nghiệp. Khi Chính phủ quyết định giao cho Tổng công ty Dầu khí thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy Ðạm Phú Mỹ, tính toán ban đầu cho thấy hiệu quả đầu tư của dự án rất thấp. Trong bối cảnh đó, thách thức lớn nhất là làm thế nào dự án đạt được hiệu quả mong muốn. Vì đây là công trình đầu tiên của ngành hóa dầu nên mọi sự khởi đầu rất gian nan, từ việc lựa chọn công nghệ, lựa chọn nhà thầu, đàm phán hợp đồng, quản lý dự án. Nhưng với sự nỗ lực vượt bậc của những người tham gia dự án, sự đoàn kết trong nội bộ chủ đầu tư, sự hợp tác giữa chủ đầu tư với các nhà thầu, sự phối hợp, hỗ trợ giữa các ban, ngành địa phương với chủ đầu tư cũng như huy động tất cả các nguồn lực cho dự án, tháo gỡ khó khăn, vượt qua các cản trở, cuối cùng chúng ta đã đạt được các mục tiêu đề ra".
Xây dựng nhà máy là việc lớn nhưng mới chỉ là bước đi đầu tiên. Một công việc khó khăn và quan trọng không kém là vận hành nhà máy. Hồi tưởng những ngày tháng đầy kỷ niệm đó, ông Ðinh Hữu Lộc, giám đốc đầu tiên của Công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí (nay là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - đơn vị được giao quản lý, vận hành và kinh doanh các sản phẩm của Nhà máy Ðạm Phú Mỹ), chia sẻ: "Vận hành nhà máy là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn vì đây là một nhà máy công nghệ cao, rất hiện đại, phức tạp, trong khi chúng ta hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Tuy còn nhiều lo lắng nhưng chúng tôi xác định, với nhà máy có mức độ tự động hóa rất cao thì trước hết phải nắm bắt được kỹ thuật điều khiển. Chúng tôi trang bị máy tính cho cán bộ kỹ sư nắm bắt, thực hành, sử dụng nhuần nhuyễn toàn bộ chương trình điều khiển của nhà máy. Do đó, khi mới đưa vào vận hành nhà máy gặp sự cố phải dừng, chúng tôi đã chủ động xử lý được ngay, nhà máy chỉ dừng ba ngày rồi lại chạy tiếp, khiến nhà thầu rất ngạc nhiên".
Trong suốt những năm sau đó, đội ngũ vận hành Nhà máy Ðạm Phú Mỹ đã có những bước trưởng thành vượt bậc, chủ động, tự tin vận hành và bảo dưỡng nhà máy một cách an toàn, ổn định, khoa học và hiệu quả nhất. Phương thức sản xuất, công tác bảo dưỡng Nhà máy được chủ động lên kế hoạch chi tiết, kịp thời, hợp lý cùng với việc phát động các phong trào thi đua sản xuất. Hơn 400 sáng kiến trong 9 năm qua đã làm lợi hơn 200 tỷ đồng, là con số ấn tượng về tinh thần và trí tuệ của đội ngũ CBCNV nhà máy.
Nhà máy Ðạm Phú Mỹ ra đời không chỉ giúp đất nước mỗi năm tự sản xuất 700 đến 800 nghìn tấn phân u-rê, mà quan trọng hơn, nó là cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ cho ngành hóa dầu của cả nước, một lĩnh vực chỉ 10 năm trước đối với Việt Nam còn hoàn toàn mới mẻ. Với kinh nghiệm có được từ Nhà máy Ðạm Phú Mỹ, nước ta tiếp tục xây dựng hàng loạt công trình khác như Nhà máy Ðạm Cà Mau, Ðạm Ninh Bình.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVFCCo Nguyễn Xuân Thắng nhận xét: "Dự án Nhà máy Ðạm Phú Mỹ là công trình đầu tiên của ngành hóa dầu tại Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài việc hình thành và củng cố cơ sở hạ tầng cho ngành Dầu khí, những kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng và quản lý điều hành dự án này đã giúp Việt Nam hình thành và phát triển một nguồn nhân lực vô cùng quan trọng cho các dự án hóa dầu tiếp theo của ngành".
Tháng 12/2004, Nhà máy Ðạm Phú Mỹ chính thức khánh thành. Sản phẩm Ðạm Phú Mỹ xuất hiện trên thị trường đã làm thay đổi căn bản tình hình cung cầu và thị trường phân bón, góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường phân đạm trong nước. Thêm vào đó, giá lương thực và phân bón trên thế giới liên tục tăng cao trong các năm sau đó, vừa giúp dự án nhanh chóng thu hồi vốn, vừa giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thu lợi lớn. Tình hình khủng hoảng lương thực trên thế giới ngày một gay gắt càng chứng tỏ quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Ðạm Phú Mỹ hết sức đúng đắn, thể hiện một tầm nhìn chiến lược sáng suốt và dài hạn.
Thanh Hà (Theo Nhân dân)