.
.

Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may

Thứ Ba, 04/06/2013|06:53

Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may hằng năm lên đến hàng chục tỷ USD nhưng kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của ngành cũng không hề nhỏ.

Công ty may Hà Quảng (Quảng Bình) chuyên may các loại áo sơ-mi, giắc-két xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Á
Công ty may Hà Quảng (Quảng Bình) chuyên may các loại áo sơ-mi, giắc-két xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Á

Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may là một trong những giải pháp quan trọng giúp ngành thực hiện mục tiêu xuất khẩu bền vững, góp phần tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam.

Nghịch lý xuất sợi - nhập vải

55% nguyên liệu của Tổng công ty may Ðồng Nai - Công ty cổ phần đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Với phụ liệu, tỷ lệ nhập khẩu ít hơn, chỉ khoảng 30%. Như vậy, bình quân may Ðồng Nai phải sử dụng 40-45% nguyên, phụ liệu nước ngoài. Trong khi trước đây, tỷ lệ này lên tới 80%, chỉ có 20% nguyên, phụ liệu có thể mua được trong nước. Ðiều này cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm hiện nay của may Ðồng Nai tăng lên rất nhiều. Năm năm qua, kim ngạch xuất khẩu của TCT đã đạt hơn 172 triệu USD trong khi kim ngạch nhập khẩu là 109 triệu USD, tỷ lệ kim ngạch xuất siêu rất lớn so với kim ngạch nhập khẩu. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bùi Thế Kích cho rằng, mặc dù chất lượng và số lượng nguyên phụ liệu dệt may trong nước những năm gần đây đã cải thiện rõ rệt nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất. Chất lượng chưa cao, giá cả lại không cạnh tranh là những điểm yếu của nguyên liệu trong nước, chẳng hạn vải trong nước sản xuất có chất lượng tương đương với vải của Trung Quốc nhưng giá bán lại đắt hơn.

Giống như may Ðồng Nai, tại Công ty cổ phần may Hồ Gươm, phần lớn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong nước chỉ tìm mua được các loại chỉ may, một số loại vải và chủ yếu là bao bì. Phó Tổng Giám đốc Phí Ngọc Trịnh cho biết, DN rất vất vả khi tìm kiếm nguyên, phụ liệu trong nước đáp ứng đúng đòi hỏi của khách hàng nước ngoài, có loại nguyên liệu tìm được nhưng giá lại cao hơn, thời gian giao hàng cũng lâu hơn, trong khi nhiều nhà cung cấp của Trung Quốc chỉ cần 24 giờ sau khi yêu cầu là có thể trả lời ngay có giao hàng được hay không.

Không chủ động được nguyên, phụ liệu trong nước, phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đã làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các DN dệt may Việt Nam, khiến giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may còn thấp. Theo đánh giá của Bộ Công thương, dệt may là lĩnh vực sản xuất khá phát triển tại Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu lên tới 12 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu của ngành này cũng không hề nhỏ. Hầu hết các dây chuyền và thiết bị của ngành dệt may đều phải nhập từ Hàn Quốc và Ðài Loan (Trung Quốc). Ðối với nguyên, phụ liệu, mặc dù Việt Nam xuất khẩu được sản phẩm sợi đi các nước, song lại phải nhập khẩu các loại vải đã nhuộm, hoàn tất phục vụ sản xuất trong nước do thiếu các khâu nhuộm, hoàn tất vải. Ðơn cử như sản xuất sợi của Việt Nam phát triển khá nhanh trong thời gian gần đây, các loại sợi thông dụng đã đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, còn các loại sợi tổng hợp, sợi pha với tỷ lệ khác nhau cũng bắt đầu được sản xuất, hiện đã xuất khẩu được khoảng 1,8 tỷ USD sản phẩm sợi đi các nước. Tuy nhiên, nguyên liệu xơ để sản xuất sợi dự kiến phải đến năm 2015 mới đáp ứng được 80-90% nhu cầu của ngành dệt. Còn trong khâu dệt vải, nhiều mặt hàng dệt thoi mới, chất lượng cao đã bắt đầu được sản xuất. Song, toàn bộ số thuốc nhuộm hiện đang sử dụng đều phải nhập khẩu: tỷ lệ chất trợ và hóa chất cơ bản trong nước sản xuất cung cấp cho ngành dệt chỉ chiếm từ 5 đến 15% nhưng hầu hết là những sản phẩm có giá trị thấp, mặc dù về số lượng nhiều nhưng giá trị chỉ đạt 4,55% tổng nhu cầu của ngành dệt.

Về phụ liệu may, trong nước hiện đã có các cơ sở sản xuất một số chủng loại phụ liệu chính như chỉ may, bông tấm, mex dính, cúc nhựa, khóa kéo, băng chun, nhãn mác, bao bì... nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường trong nước, phần còn lại vẫn phải nhập khẩu.

Thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ dệt may

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm là nhu cầu cấp thiết của ngành dệt may. Trong khi đó, công nghiệp hỗ trợ cho ngành này của nước ta lại chưa phát triển tương xứng. Theo Bộ Công thương, đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may còn khá hạn chế, chỉ có 307 dự án FDI với hơn 5,1 tỷ USD vốn đầu tư. Trong đó, lĩnh vực sản xuất sợi có 52 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, chiếm vai trò chính trong thu hút đầu tư của lĩnh vực này. Còn các công đoạn dệt, nhuộm, hoàn tất cũng như sản xuất phụ liệu dệt may vẫn chưa thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Các DN vốn trong nước nếu đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu dệt may thì phần lớn đều là DN nhỏ và vừa nên năng lực sản xuất rất nhỏ bé so với nhu cầu thị trường.

Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (TP Hồ Chí Minh) có công suất lên đến 33.000 - 36.000 tấn sợi/năm. Theo Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ðặng Triệu Hòa, nhu cầu sử dụng nguyên phụ liệu dệt may trong nước là rất lớn nên các DN có nhiều cơ hội  kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành này. Tuy nhiên, đây là ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại thì DN mới có thể cạnh tranh được với các DN nước ngoài. Chính vì thế, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này, chẳng hạn như chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và nhất là vốn.

Có thể thấy, để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung và cho ngành dệt may nói riêng, cần những chính sách ưu đãi DN đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện những hỗ trợ ưu đãi cho DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ gần như không có gì mới so với cho DN nhỏ và vừa cũng như chưa đủ sức hấp dẫn các DN FDI. Chưa kể, những chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay chỉ khuyến khích đầu tư mới, chứ không khuyến khích đầu tư mở rộng. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Ðặng Triệu Hòa cho biết: "Mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới đầy khó khăn nhưng đây lại là thời điểm thích hợp để DN tiến hành đầu tư mở rộng sản xuất nhằm chuẩn bị đón  đầu thị trường phục hồi. Khi đó DN có thể đáp ứng được ngay nhu cầu thị trường, thay vì lúc đó mới đầu tư mở rộng thì cơ hội sẽ bị bỏ lỡ. Sợi Thế Kỷ đang tiếp tục mở rộng nâng công suất tăng 40% so với cùng kỳ năm trước". Nếu Nhà nước có những chính sách ưu đãi đầu tư mở rộng thì sẽ khuyến khích DN sản xuất sợi mạnh dạn tiếp tục đầu tư, gia tăng quy mô, năng lực sản xuất, dần dần tích lũy để đủ sức cạnh tranh với các DN lớn ở nước ngoài. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất sợi, cũng cần tập trung các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực dệt, nhuộm, hoàn tất...

Hải Thu - Liên Hoa (Theo Nhân dân)

.
.
.
.