Dấu mốc từ sự kiện xuất bán tấn dầu thô thứ 300 triệu
Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) vừa kỷ niệm mốc xuất bán tấn dầu thô thứ 300 triệu. Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với ngành dầu khí Việt Nam nói chung và đối với PV Oil nói riêng. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự kiện này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Sơn, Tổng Giám đốc PV Oil.
- PV OIL vừa kỷ niệm mốc xuất bán tấn dầu thô thứ 300 triệu. Xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện này?
Ông Nguyễn Xuân Sơn: Tấn dầu thô thứ 300 triệu được xuất bán vào cuối tháng 10 vừa qua, sau gần 30 năm kể từ lô dầu thô đầu tiên được xuất bán vào tháng 4/1987. Doanh thu xuất bán cộng dồn đạt xấp xỉ 120 tỷ USD. Như vậy, trong nhiều năm liền khoản nộp ngân sách từ hoạt động xuất bán dầu thô chiếm trên 20% tổng thu ngân sách quốc gia.
Chính vì vậy, ý nghĩa của việc xuất bán an toàn và hiệu quả 300 triệu tấn dầu thô là vô cùng to lớn. Điều này giúp hiện thực hóa đầu tư lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu thô của Việt Nam, tạo nền tảng và phát triển môi trường đầu tư cũng như đảm bảo nguồn thu ngân sách phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thành tích này còn thể hiện vị thế ngày càng cao của Việt Nam về kinh doanh dầu thô trong khu vực và trên thế giới với sự ghi nhận rất tốt đối với thương hiệu và giá trị các loại dầu thô của Việt Nam. Hơn thế, việc xuất bán tấn dầu thô thứ 300 triệu còn khẳng định khả năng cung cấp nguồn dầu thô trong nước cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất nói riêng và các nhà máy lọc dầu trong nước tương lai.
- Phương pháp tính giá bán dầu thô của Việt Nam gần đây đã có những thay đổi tích cực, ông đánh giá về vấn đề này thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Sơn: Giá bán các loại dầu thô được tính trên cơ sở trung bình của một hay nhiều loại dầu chuẩn trong kỳ tính giá và được điều chỉnh tăng hay giảm bằng một chỉ số P gọi là phụ phí thị trường (Premium).
Giá bán các loại dầu thô Việt Nam trước đây là trung bình giá dầu thô Minas của Indonesia trong 3 tuần gồm tuần lễ có ngày vận đơn và 2 tuần liền kề trước và sau.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2011 đến nay, giá bán các loại dầu Việt Nam đã dần được chuyển đổi theo công thức trung bình giá dầu Dated Brent trong tháng dương lịch giao lô hàng đó. Đây là chương trình dài hạn đuợc PV Oil theo đuổi từ thời điểm năm 2007-2008 và sẽ gắn với hoạt động bán dầu trong nhiều năm nữa.
Việc chuyển đổi công thức giá bán dầu Việt Nam thời gian qua đã thể hiện các chuyển biến rất tích cực. Số lượng khách hàng tham gia chào mua các lô dầu thô và condensate đều có xu hướng tăng lên, thu hút được nhiều công ty mang dầu về trực tiếp sử dụng (end-user) hơn trước đây, đồng thời sau khi chuyển đổi công thức giá, chênh lệch mức phụ phí thị trường đã cho thấy nhiều chuyển biến tích cực về mức độ gắn với thị trường và sự ổn định.
- Ông nhận định thế nào về quá trình mở rộng thị trường dầu thô Việt Nam?
Ông Nguyễn Xuân Sơn: Ngoài hai khách hàng đầu tiên là Itochu và Nissho Iwai, còn một khách hàng quan trọng nữa là Meiwa cũng của Nhật Bản. Đến năm 1988 chúng tôi bắt đầu bán dầu thô Bạch Hổ cho hãng Shell. Trong nhiều năm trước khi có nhà máy lọc dầu Dung Quất, hãng này là khách hàng lớn nhất tiêu thụ dầu thô Bạch Hổ.
Ở mỗi một loại dầu chúng tôi được chủ dầu phê duyệt một danh sách từ 20-40 khách hàng tiềm năng. Trong đó có các công ty lớn như Shell, ExxonMobil, BP, Chevron..., các tập đoàn dầu khí quốc gia như Petronas của Malaysia, PTT của Thái Lan, Pertamina của Indonesia, SOCAR của Azerbaijan, các công ty thương mại danh tiếng như Itochu, Sumitomo, Misubishi, Trafigura...
Danh sách này được chúng tôi thường xuyên đánh giá và điều chỉnh một cách chuyên nghiệp và minh bạch. Đây là công việc rất cần thiết để tránh rủi ro đồng thời duy trì tính cạnh tranh cao. Chúng tôi coi chữ “Tín” là yếu tố không thể thiếu được trong hoạt động dầu thô.
Hơn 25 năm qua, với hàng nghìn thỏa thuận và hợp đồng, chúng tôi chưa lần nào phải tham gia các vụ tranh chấp, kiện tụng với khách hàng. Cùng với dịp đón mừng tấn dầu thô thứ 300 triệu, chúng tôi cũng mong muốn một lần nữa ghi nhận sự hợp tác của tất cả các khách hàng đã đồng hành cùng PV Oil trong khâu hạ nguồn của ngành dầu khí Việt Nam.
- Trên chặng đường đến thành tích rất đáng tự hào như thế, chắc PV Oil đã phải vượt qua không ít khó khăn?
Ông Nguyễn Xuân Sơn: Với mọi doanh nghiệp, thuận lợi và khó khăn luôn song hành. Tôi muốn nói về một thuận lợi lớn nhất là PV Oil là thành viên của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). PV Oil có thể sử dụng và cùng phát triển giá trị của Tập đoàn. Vị thế của PVN trên trường quốc tế cũng mang lại sức mạnh cho PV Oil.
Khó khăn hay thách thức lớn nhất với chúng tôi là diễn biến rất phức tạp và khó lường của thị trường dầu thô. Thị trường này tổng hợp tác động chính trị, kinh tế của các quốc gia và khu vực và cả các yếu tố thời tiết hay sản lượng các mỏ dầu...
Ngay gần đây thôi, giữa năm 2008, chúng ta đã từng chứng kiến giá dầu thô vọt lên gần 150 USD một thùng, rồi sau vài tháng giảm xuống dưới 40 USD. Ngay cả bây giờ khi giá dầu khá ổn định ở mức trên 100 USD thì vẫn còn nguyên đó các nguy cơ tăng hay giảm giá đột ngột.
Ngoài ra, chúng tôi cũng phải đối mặt với các thách thức khác như nhu cầu vốn rất lớn, cạnh tranh ngày càng gay gắt, sự chuyển đổi mô hình cung cấp dầu thô, hay nguồn nhân lực để theo kịp sự phát triển.Tuy nhiên chính những thách thức này lại trở thành cơ hội to lớn cho PV Oil.
Quang Toàn (Theo TTXVN)