.
.

Tập đoàn Dệt may đón nhận danh hiệu "Anh hùng Lao động"

Thứ Hai, 28/12/2015|15:15

Ngày 26/12, Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex tổ chức kỷ niệm 20 thành lập và đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động”.

Trong 20 năm qua (1995-2015), ngành dệt may đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng hơn 32 lần, từ 850 triệu USD lên 27,3 tỉ USD; số lao động tăng gấp 25 lần. Không chỉ gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, Dệt may Việt Nam còn có thị phần lớn tại các thị trường yêu cầu cao về chất lượng, trong đó có thị phần đứng thứ 2 tại thị trường Mỹ và Nhật Bản. Kết quả này đưa Việt Nam vào TOP 5 nước sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới.

Dù xuất phát điểm thấp, từ may gia công là chính, dệt may Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất cả nước. Với 6.000 doanh nghiệp và trên 2,5 triệu lao động, dệt may đã trở thành ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động nhất, hằng năm tạo ra khoảng 1/4 số việc làm mới của cả nước với thu nhập ổn định, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

hủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu
hủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động" cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá trong 20 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Dệt may đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, trong đó có nhiệm vụ dẫn dắt, hỗ trợ và thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam vươn lên có được vị thế ngày nay.

Đặc biệt trong giai đoạn từ 2006 trở lại đây, khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, Tập đoàn đã có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 3 lần, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ nội địa hóa tăng; tình hình tài chính lành mạnh; giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động.

Tập đoàn cũng có bước đi hợp lý trong đầu tư, lựa chọn công nghệ, gia tăng năng suất lao động; chủ động chuẩn bị cho hội nhập, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các thị trường lớn có hiệu lực.

Đặc biệt, Vinatex là một trong những doanh nghiệp Nhà nước đi đầu trong tái cơ cấu, cổ phần hóa với việc chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, có bước phát triển tốt, đáp ứng các chuẩn mực của thị trường.

Trong những năm tới khi đất nước sẽ hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Vinatex tiếp tục làm tốt vai trò hạt nhân của ngành dệt may cả nước, phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn lên trên 6 tỉ USD và tạo việc làm cho trên 300.000 lao động.

“Tập đoàn đẩy nhanh việc đổi mới thiết bị công nghệ, ứng dụng khoa học-kỹ thuật theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao năng suất lao động, đào tạo nguồn nhân lực tương xứng cả về lượng và chất trong bối cảnh mới, phấn đấu đạt trình độ của 5 nước hàng đầu về sản xuất dệt may trên thế giới”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Vinatex đẩy nhanh việc hình thành các chuỗi cung ứng trong tập đoàn và các doanh nghiệp liên kết; nâng cao hơn nữa tỉ lệ nội địa hóa, có bước đi phù hợp trong việc phát triển sản xuất các nguyên liệu đầu vào từ sơ xợi, dệt nhuộm, vải, phụ kiện đến thành phẩm để tận dụng tốt các cơ hội do hội nhập mang lại.

Thành Chung (Theo Chinhphu.vn)

.
.
.
.