Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng: Con đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam
Đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ra đời từ chủ trương xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế động lực đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là con đường hiện đại nhất Việt Nam với cơ chế đầu tư đặc thù, có thể mở ra nhiều triển vọng và kinh nghiệm trong phát triển giao thông ở nước ta hiện nay.
Cầu Thanh An nối hai huyện An Lão (Hải Phòng) và Thanh Hà (Hải Dương) do Công ty GSE & S của Hàn Quốc thi công có tổng đầu tư 175 triệu USD, nay đã hoàn thành 40,26% giá trị xây lắp. |
Con đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam Tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (Vùng đồng bằng Sông Hồng) với sự phát triển chuỗi đô thị dọc trục Quốc lộ 5 (bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng), có mức độ tập trung sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cao, đang từng bước vươn lên khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây là hạt nhân của sự phát triển kinh tế, là đầu tàu lôi kéo, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả vùng Bắc Bộ. Trong chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg và Quyết định số 206/2004/QĐ-TTg, tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ cùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn, trở thành mạng lưới đường cao tốc xuyên suốt vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc; thúc đẩy, hỗ trợ các địa phương trong khu vực khai thác triệt để những tiềm năng sẵn có. Hiện nay, đường giao thông nối Hà Nội với Hải Phòng chỉ có Quốc lộ 5. Quốc lộ 5 đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp lên 4-6 làn xe, theo tiêu chuẩn đường cấp I (đồng bằng) hoàn thành năm 1998. Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng của các khu công nghiệp và các cụm dân cư dọc theo hai bên QL5, với những hạn chế trong tổ chức giao thông và ý thức còn thiếu tự giác của những người tham gia giao thông nên tuyến đường thường xuyên bị kẹt xe, không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ra cảng Hải Phòng. Vì vậy, việc xây dựng một tuyến đường cao tốc để giải toả ách tắc cho Quốc lộ 5 là rất cấp bách, thoả mãn nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh và rút ngắn thời gian đi lại giữa Thủ đô Hà Nội với Thành phố Hải Phòng; là trục giao thông chính kết nối với Cảng nước sâu Lạch Huyện, Sân bay Quốc tế tại Hải Phòng khi được xây dựng; góp phần thúc đẩy chiến lược phát triển kinh tế “Hai hành lang, một vành đai” Việt – Trung, kết nối cảng biển quan trọng phía Bắc Việt Nam với các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Đồng chí Đào Văn Chiến, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết: Căn cứ vào quy hoạch được duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1393/CPCN ngày 24/9/2004 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ngày 12/10/2004, Bộ Giao thông vận tải đã cho phép lập Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo quyết định số 3026/QĐ-BGTVT. Tuy nhiên, sau đó do chưa xác định được nguồn vốn nên đến năm 2007 dự án chưa được đầu tư. Tại Thông báo số 15/TB-VPCP ngày 23/01/2007 và Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 17/4/2007 của Văn phòng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) chủ trì cùng Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (VCB) huy động vốn để đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức BOT. Việc giao nhiệm vụ cho NHPT chủ trì huy động vốn đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là phù hợp với nhiệm vụ của NHPT theo Quyết định 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, NHPT đã chủ trì cùng VCB và một số cổ đông khác góp vốn thành lập Công ty cổ phần là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI và công ty này đã được Thường trực Chính phủ giao làm Chủ đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và các Dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ với đường cao tốc theo hình thức BOT. Để Nhà đầu tư, Chủ đầu tư có hành lang pháp lý và cơ chế rõ ràng trong quá trình triển khai Dự án, ngày 29 tháng 11 năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1621/QĐ - TTg về một số cơ chế chính sách thí điểm đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 01/07/2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư Dự án; Công văn số 1289/TTg-KTN ngày 8/8/2008 về việc triển khai và cấp Chứng nhận đầu tư Dự án. Theo đó, dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là Dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, là dự án đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam được áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế, được đầu tư theo hình thức BOT; Dự án sử dụng vốn Nhà nước nhỏ hơn 30% tổng mức đầu tư. Chủ đầu tư được quyết định mức thu phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; kinh doanh các dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quảng cáo dọc theo tuyến đường; được đầu tư kinh doanh các Khu đô thị, Khu công nghiệp, dịch vụ hậu cần gắn với các nút giao đường cao tốc để thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn vốn Ngân sách Nhà nước còn hạn chế, đầu tư đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lại cấp bách nên việc Chính phủ giao cho các Ngân hàng huy động vốn, các Công ty cùng góp vốn đầu tư xây dựng tuyến đường là phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư. Trong khi một số Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc sử dụng vốn Nhà nước và một số Dự án đường cao tốc do một số Ngân hàng, Tổng Công ty đề nghị Chính phủ giao không triển khai được vì thiếu vốn thì đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã cơ bản đảm bảo được tiến độ. Việc Chính phủ giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện Dự án cũng không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu. Hiện nay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam vẫn đang đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho các Dự án trọng điểm của Nhà nước, các dự án xã hội hóa, các dự án ở vùng khó khăn và các mặt hàng xuất khẩu theo danh mục ưu tiên do Chính phủ quy định.
Để đảm bảo nguồn vốn cho Dự án, NHPTđã ký hợp đồng nguyên tắc cho VIDIFI vay 21.566 tỷ đồng để đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Lãi suất cho vay là lãi suất sát với thị trường, trên cơ sở lãi suất NHPT huy động, Ngân sách Nhà nước không phải cấp bù. Hiện nay NHPT đã và đang tích cực đàm phán để huy động vốn cho Dự án. Tổng số vốn NHPT đã huy động từ các tổ chức quốc tế là 600 triệu USD và các tổ chức tài chính tín dụng quốc tế đã cam kết cho vay gần 400 triệu USD, nâng tổng số vốn huy động từ các tổ chức quốc tế gần 1 tỷ USD, tương đương 20.600 tỷ đồng để tài trợ cho Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Phần vốn đầu tư còn lại NHPT sẽ thu xếp bằng nguồn vốn vay trong nước. Tổng mức đầu tư (tạm xác định) theo Quyết định số 102/QĐ-HĐQT ngày 09/01/2008 của HĐQT về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là: 24.566 tỷ đồng. Hiện nay, VIDIFI đang tổ chức lập dự án điều chỉnh, trong đó có điều chỉnh tổng mức đầu tư. Vốn đầu tư cho Đường cao tốc là rất lớn, không thể thu hồi được chỉ từ việc thu phí; do vậy để tạo điều kiện thu hồi vốn đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Chủ đầu tư đã được phép đầu tư một số Dự án Khu đô thị, Khu công nghiệp tại các nút giao và một số vị trí dọc tuyến. Theo tính toán sơ bộ tại thời điểm năm 2008, khi VIDIFI ký hợp đồng BOT với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì dự án có thể thu hồi được vốn đầu tư trong thời gian 30,36 năm. Hiện nay, VIDIFI đang thuê Tư vấn để thẩm định giá trị thu hồi vốn từ quỹ đất được giao, đặc biệt là Khu đô thị Gia Lâm. Trên cơ sở đó, sẽ tổng hợp báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký điều chỉnh hợp đồng BOT và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để thống nhất phương án tài chính của hợp đồng BOT tại thời điểm hiện nay (khi Tổng mức đầu tư và quỹ đất đã được xác định) trình Thường trực Chính phủ trong Quý II năm 2012. Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được đầu tư là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, 6 làn xe chính, 2 làn dừng khẩn cấp, thu phí theo hình thức khép kín, 2 bên có hệ thống đường gom kết nối với các đường địa phương và 2 dải cây xanh. Phạm vi GPMB là 100m chiều rộng, trong đó mặt cắt ngang mặt đường chính tuyến rộng 33m, tổng chiều dài tuyến 105,5km. Dự án đi qua 04 tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Điểm đầu Dự án bắt đầu từ đường Vành đai III của thành phố Hà Nội, cách mố cầu Thanh Trì khoảng 1.025m. Điểm cuối Dự án kết thúc tại đập Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng Cục đường Bộ Việt Nam ký kết hợp đồng BOT với VIDIFI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án. Chủ động và hiệu quả Diện tích phải giải phóng mặt bằng (GPMB) giai đoạn 1 trên toàn tuyến 1.106 ha, bao gồm cả đất thổ cư, đất nông nghiệp và đất khác. Đến nay đã bàn giao cho nhà thầu thi công khoảng 1.102 ha bằng 99,6%, còn khoảng 4ha tương đương 0,4% diện tích chưa bàn giao chủ yếu là đất thổ cư, vướng mắc chính liên quan đến đơn giá bồi thường, hỗ trợ, chính sách tái định cư. Mặc dù, các địa phương đã rất cố gắng thực hiện nhưng tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bị chậm so với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ hơn 2 năm. Tuy nhiên, vẫn được các Bộ ngành đánh giá là một trong những Dự án giao thông có quy mô lớn tổ chức giải phóng mặt bằng nhanh. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các địa phương phải hoàn thành cơ bản công tác GPMB trước 30/7/2011, tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan, chủ quan nên đến nay chưa hoàn thành như: các địa phương có thay đổi nhân sự sau bầu cử Hội đồng nhân dân, việc chậm bàn giao mốc GPMB do phải thỏa thuận với các địa phương, do phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật các nút giao cho phù hợp với quy hoạch mới,…Ngày 13/2/2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có công điện yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác GPMB, tái định cư, bàn giao mặt bằng sạch cho Chủ đầu tư xong trước ngày 31/3/2012. Để tận dụng thời gian và thời tiết trong khi chưa lựa chọn được Nhà thầu chính, Chủ đầu tư đã tách hạng mục bóc đất hữu cơ và đắp bù để thi công trước nhằm tận dụng mặt bằng đã có, đồng thời gây áp lực cho công tác GPMB tiếp theo và tạo mặt bằng, đường công vụ cho Nhà thầu chính vào thi công được thuận lợi, do vậy ngay đầu năm 2009 Chủ đầu tư đã triển khai công tác bóc đất hữu cơ và đắp trả đến cao độ xử lý nền đất yếu đã hoàn thành trên toàn tuyến (trừ một số nút giao chưa GPMB); đã thi công 150 km đường công vụ dọc tuyến để phục vụ vận chuyển vật liệu, máy móc thiết bị vào công trường. Mặt bằng nền đường cao tốc đã được hình thành. Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được thực hiện theo hình thức BOT, không được sử dụng vốn Nhà nước, do đó cùng với việc khẩn trương thực hiện Dự án, VIDIFI đã tích cực làm việc với các tỉnh, thành phố để đẩy nhanh tiến độ khảo sát, lập quy hoạch các khu đô thị và khu công nghiệp theo Quyết định số 1621/QĐ/TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để đầu tư, thu hồi vốn. Tại Hà Nội, sẽ có khu Đô thị Gia Lâm được VIDIFI tổ chức thành công cuộc thi tuyển tư vấn quốc tế quy hoạch Khu Đô thị và công viên Gia Lâm. Dự kiến sẽ xây dựng một khu đô thị mới hiện đại, có bản sắc riêng và thân thiện với môi trường, có sức thu hút các Nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần quyết định trong thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc. Sau khi UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt đồ án quy hoạch 1/2000, VIDIFI đã tổ chức thực hiện ngay các công tác để thực hiện lập quy hoạch chi tiết 1/500; đến nay UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch 1/500, VIDIFI đang tổ chức lựa chọn Tư vấn lập quy hoạch chi tiết 1/500. VIDIFI đã trình Thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, Hưng Yên để triển khai quy hoạch các Dự án Khu công nghiệp, Đô thị trên địa bàn và sẽ tổ chức đầu tư Dự án khi có hiệu quả. Vẫn còn khó khăn, vướng mắc Về giải phóng mặt bằng, mặc dù được quan tâm của Chính phủ, các địa phương rất tích cực, nhưng tiến độ GPMB giai đoạn 1 chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ (chậm hơn 2 năm). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ của Dự án. Gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các địa phương phải hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 trong tháng 3/2012. Tuy nhiên, đến nay công tác GPMB giai đoạn 2 vẫn chưa hoàn thành, VIDIFI đang chủ động phối hợp với các địa phương để thực hiện. Thiết kế kỹ thuật của Dự án phải điều chỉnh lại do quy hoạch của các địa phương được điều chỉnh và thay đổi nhiều so với thời kỳ lập Dự án đầu tư, công tác thỏa thuận với địa phương rất khó khăn. Do giá cả biến động mạnh nên tổng mức đầu tư của Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng nhiều. Nguồn vốn đầu tư cho Dự án và các Dự án phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ với đường cao tốc là rất lớn, trong khi đó trên thị trường vốn lãi suất lại cao. Các cổ đông gặp khó khăn, không thực hiện góp đủ vốn theo cam kết ban đầu. Dù thị trường vốn đang có nhiều khó khăn, nhưng hiện nay NHPT đang cố gắng để huy động đủ vốn cho đầu tư dự án với lãi suất không quá cao. VIDIFI đang thuê Tư vấn thẩm định giá các Khu đô thị, Khu công nghiệp được giao để lập phương án tài chính theo hợp đồng BOT trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2012. Sau đó sẽ cơ cấu lại Cổ đông theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Việc các tỉnh, thành phố chậm phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng phương án tài chính chính thức của hợp đồng BOT để trình Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, VIDIFI đang đôn đốc để các tỉnh, thành phố hoàn thành phê duyệt trong năm 2012. Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sử dụng khối lượng lớn vật liệu (khoảng 40 triệu m3) trong khi cự ly đường vận chuyển vật liệu xa, đường rất xấu, phụ thuộc nhiều vào đường sông và đi qua nhiều khu dân cư. Hiện nay, VIDIFI đã có đề án đảm bảo an ninh vật liệu cho dự án và đang phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện./. |
||
Báo Đảng Cộng sản Việt Nam |