Vận tải Đường sắt hè 2012 có gì mới?
Đã thành thông lệ, sau chiến dịch vận tải 30-4 và 1-5, ngành Đường sẳt lại bắt tay vào chiến dịch vận tải hè. Khác với đợt vận tải tết và các dịp nghỉ lễ, chiến dịch vận tải hè thường kéo dài hơn 3 tháng, vì thế công tác chuẩn bị về nhân lực cũng như tàu xe đòi hỏi sự dài hơi hơn. Áp lực vì thế cũng căng hơn. PV đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Bính, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội xung quanh vấn đề nâng cao chất lượng vận tải trong dịp hè 2012.
PV: Xin ông cho biết một số chỉ tiêu Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội đạt được trong chiến dịch vận tải phục vụ dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua?
Ông Nguyễn Văn Bính, Phó TGĐ Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội |
Ông Nguyễn Văn Bính: Thông thường trong năm, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 là dịp hành khách đi tàu đông nhất, tập trung trong vài ngày nhưng với khối lượng lớn. Ngày 27-4-2012 vừa qua có thể coi là ngày đông khách nhất ở ga Hà Nội với trên 30.000 lượt người đến và đi.
Không chỉ đông ở ga Hà Nội, cả 6 tuyến trong phạm vi Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội quản lý khách đều tăng đột biến, tính chung tăng tới 1,6 lần so với ngày thường. Sản lượng tăng cao, doanh thu vì thế cũng tăng 2-3 lần. Nhưng điều mừng nhất là công tác an toàn được đảm bảo tuyệt đối trong điều kiện tàu xe tăng nhưng nhân lực và cơ sở hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế.
PV: Chiến dịch vận tải hè năm nay có gì mới thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Bình: Như tôi đã nói, chiến dịch vận tải hè thường kéo dài từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8. Đây là thời gian căng thẳng nhất với CBCNV trong ngành Đường sắt, bởi lượng hành khách đi tàu tăng cao, trong khi toa xe điều hoà chỉ đáp ứng được 45% so với yêu cầu. Vì thế việc mua vé tàu cũng trở nên căng thẳng, bởi đa số hành khách đi tàu đều muốn mua xe giường nằm có điều hoà không khí.
Để phục vụ hành khách ngày một tốt hơn, chúng tôi cũng không có cách nào khác ngoài việc lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo trước khi vào cao điểm chiến dịch phục vụ hè. Trước đó, toàn bộ toa xe đến hạn được vào kiểm tra niên tu, bảo dưỡng định kỳ. Nhân lực cũng không bố trí nghỉ phép trong dịp này, tất cả để tập trung cho công tác phục vụ, đảm bảo an toàn chạy tàu. Công tác vệ sinh, ăn uống trên tàu được quan tâm đặc biệt, bởi mùa hè khí hậu nóng nực, người đông ảnh hưởng đến sức khoẻ của hành khách đi tàu.
Một điểm khác biệt, là trong dịp hè, Tổng công ty ĐSVN sẽ không lập thêm tàu như chiến dịch tết hay nghỉ lễ 30-4 và 1-5, bởi thời gian của chiến dịch hè trải dài tới 3 tháng. Việc điều động cắt nối thêm xe sẽ được điều chỉnh linh hoạt trên các tuyến khi đông khách.
Phòng bán vé ga Hà Nội |
Một điểm khác nữa là trong dịp hè, hành khách mua vé tập thể sẽ không được khấu trừ, trả lại vé sẽ bị chiết khấu cao hơn. Vé đi tàu trong dịp hè cũng được điều chỉnh tăng ở một số mác tàu, nhất là với toa xe giường nằm có điều hoà không khí. Đây được coi là giải pháp tình thế trong bối cảnh đầu máy toa xe, cầu đường có hạn nhưng nhu cầu đi tàu lại tập trung quá lớn vào một thời gian nhất định.
PV: Công tác xã hội hoá theo Luật đường sắt được triển khai ở Công ty Vận tải hành khách Hà Nội thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Bính: Luật Đường sắt có hiệu lực từ năm 2006. Đầu năm 2007 Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội đã ký hợp tác với Công ty Victoria đầu tư nâng cấp 5 toa xe, trong đó có 1 xe hàng cơm chạy trên tuyến Hà Nội- Lào Cai và ngược lại.
Sau 7 năm khai thác, kết quả khai thác rất tốt, sau đó Công ty Victoria lại ký tiếp hợp đồng đầu tư thêm 5 toa xe mới. Hiện đã có hơn 20 đơn vị cùng đầu tư, thuê, mua hành trình khai thác trên các tuyến. Tiêu biểu như Liên Việt, Ratraco, Tulico, Victoria, Tân Hoa Việt, Hoa Phượng, Phương Bắc, Việt Hùng...
Nội thất toa tàu do tư nhân đầu tư khai thác tuyến Hà Nội- Lào Cai |
Xã hội hoá để các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, khai thác vận tải đường sắt theo tôi có mấy cái được. Thứ nhất là dịp để ĐSVN cũng nhu các đối tác bên ngoài học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ. Thứ hai là trong bối cảnh thiếu vốn đầu tư thì đây là một dịp tốt nhất để có điều kiện cải tạo, đóng mới toa xe. Hiện bình quân đóng mới một toa xe cần 5-6 tỷ đồng, sửa chữa nâng cấp cũng cần từ 1-1,3 tỷ đồng/xe, việc hoán cải lắp điều hoà không khí trên các toa xe là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện tại. Cái được thứ ba là ĐSVN chống độc quyền, mở cửa cho các đơn vị cùng đầu tư, kinh doanh khai thác đường sắt.
Hiện Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội quản lý 6 tuyến, nhưng mới có 3 tuyến thu hút được xã hội hoá. Chúng tôi rất mong các công ty trong và ngoài nước cùng tham gia xã hội hoá khai thác tất cả các tuyến trên ĐSVN. Có như vậy chất lượng phục vụ hành khách sẽ ngày càng được nâng cao, khi đó hành khách có nhiều điều kiện để lựa chọn phương tiện đi lại cho mình.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Giảm 25% giá vé tàu hỏa cho người khuyết tật nặng. Tổng Công ty ĐSVN cho biết, kể từ 0h ngày 1/6, hành khách là người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng khi mua vé tàu hỏa sẽ được giảm 25% giá vé theo đúng loại chỗ và loại tàu sử dụng tương ứng (trừ tàu liên vận quốc tế).Khi mua vé giảm giá người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền (theo quy định của pháp luật) và giấy Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh (được pháp luật công nhận).Việc ngành đường sắt thực hiện giảm giá vé cho người khuyết tật là một trong những nội dung thiết thực phục vụ lợi ích người khuyết tật theo Nghị định 28/2012/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Tăng từ 12-15% giá vé trong dịp hè Tổng công ty ĐSVN cũng đã chính thức tăng giá vé tàu Thống Nhất với mức tăng từ 12-15% từ ngày 15.5 đến ngày 4.9.2012. Cụ thể, đối với tàu SE3/4, giá vé ngồi mềm điều hòa là 1.210.000 đồng/vé; vé giường cứng không điều hòa là 1.223.000 đồng/vé (tầng 3), 1436.000 đồng/vé (tầng 2) và 1.544.000 đồng/vé (tầng 1). Nếu là giường nằm lạnh, điều hòa giá vé lên đến 1.990.000 đồng/vé cho tầng 1 và 1.966.000 đồng/vé cho tầng 2. Giá vé nêu trên không bao gồm tiền ăn. |
Hồ Thu - Theo GTVT(Thực hiện)