Vận tải - Ngành tăng trưởng khá
Vận tải có vị trí quan trọng đối với cả đầu vào, cả đầu ra của sản xuất kinh doanh và việc đi lại của người dân. 9 tháng qua, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành vận tải, kho bãi cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, đồng thời cao hơn tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế.
Ngành vận tải kho bãi chiếm 2,8% tổng số lao động đang làm việc trong toàn bộ nền kinh tế; có năng suất lao động cao hơn năng suất lao động chung (năm 2011 đạt 54,7 triệu đồng/người so với 50,3 triệu đồng). Ngành này chiếm 3,05% GDP của cả nước; có tốc độ tăng GDP liên tục cao hơn tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế.
Ngành vận tải, kho bãi cũng chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (11,3%) và trong tổng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước (17,6%). So với tổng số doanh nghiệp ngành vận tải, kho bãi chiếm 5,2% về số doanh nghiệp, 4,9% về số lao động, gần 3,2% về số vốn sản xuất kinh doanh, 5,3% về giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn, 3,4% về doanh thu thuần sản xuất kinh doanh...
Trong 9 tháng qua, tốc độ tăng một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành vận tải, kho bãi như sau (biểu đồ):
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Thứ nhất, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành vận tải, kho bãi 9 tháng năm nay đã cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 7,27% so với tăng 6,69%), đồng thời cao hơn tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế (tăng 7,27% so với tăng 4,73%).
Thứ hai, tốc độ tăng khối lượng luân chuyển hành khách (số lượt người x km) đều đạt tốc độ khá cao. Tăng trưởng luân chuyển hành khách đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực trong nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (86,7%) và cao hơn khu vực ngoài nước (tăng 10,4% so với tăng 7,4%). Tăng trưởng luân chuyển hành khách đạt được ở 4 ngành vận tải: đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất (73,8%) và tăng cao nhất (11,1%); hàng không đứng thứ hai (chiếm 18,9% và tăng 8,9%); đường sắt (chiếm 3,7% và tăng 0,6%); đường biển (chiếm 0,3% và tăng 1,3%). Còn ngành đường sông chiếm 3,3% và bị giảm 2,5%.
Thứ ba, vận tải hàng hoá tuy tăng 9,2% về khối lượng (tấn), nhưng lại giảm khá mạnh về luân chuyển (giảm 11,8%). Giảm mạnh là khu vực ngoài nước (chiếm 62,7% tổng số, giảm 10,7%), còn khu vực trong nước tăng nhẹ (1,4%), nhưng lại chiếm tỷ trọng thấp hơn (chiếm 37,3%).
Theo ngành vận tải, đường biển chiếm tỷ trọng lớn nhất (67,6%) lại giảm khá sâu (giảm 21%) chủ yếu do khối lượng hàng xuất, nhập khẩu nhất là nhập khẩu tăng thấp. Đường bộ chiếm tỷ trọng cao thứ hai (chiếm 21,5%) đã tăng khá (9,2%). Đường sông chiếm 8,4% và tăng 5,3%. Đường hàng không tăng khá (10%) nhưng chiếm tỷ trọng rất thấp (0,3%). Đường sắt giảm 4,3% và chỉ còn chiếm 2,2%.
Thứ tư, tốc độ tăng của khối lượng vận chuyển cao hơn tốc độ tăng của khối lượng luân chuyển (thậm chí luân chuyển hàng hoá còn bị giảm sâu), chứng tỏ chạy đường ngắn thì tăng, nhưng chạy đường dài thì giảm.
Nhìn một cách tổng quát, ngành vận tải đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận tải hàng hoá ngày một tăng lên của nhân dân, của các doanh nghiệp. Tăng trưởng GDP do ngành này tạo ra tăng khá.
Tuy nhiên trong lĩnh vực vận tải năm nay cũng có những khó khăn. Vận tải đường dài gặp nhiều khó khăn. Trong các loại giá bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, thì cước vận tải tăng 14,02%, cao nhất so với các tốc độ tăng tương ứng của loại giá khác (giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 10,72%, giá bán sản phẩm công nghiệp tăng 10,85%, giá bán sản phẩm nông, lâm nghiệp- thuỷ sản tăng 7,77%, giá tiêu dùng tăng 9,96%, giá nhập khẩu tăng 0,66%, giá xuất khẩu giảm 0,3%).
Vận tải bằng đường sắt có lịch sử phát triển lâu đời, thường chiếm ưu thế ở nhiều nước, nhưng ở nước ta còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hoá; so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách bằng đường sắt tăng thấp và luân chuyển hàng hoá bằng đường sắt còn bị giảm. Tình hình này do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do cơ sở hạ tầng của ngành đường sắt đã để lạc hậu quá lâu, chậm được cải thiện. Vận tải đường biển, lượng hành khách tăng thấp, còn về hàng hoá thì bị giảm khá sâu.
Ngoài các nguyên nhân chung, còn có một nguyên nhân quan trọng là thị phần vận chuyển hàng hoá xuất, nhập khẩu của các đơn vị vận tải Việt Nam thì khu vực trong nước bị yếu thế nhiều so với các đơn vị quốc tế. Cũng chính vì thế mà xuất khẩu dịch vụ vận tải thấp xa so với nhập khẩu dịch vụ vận tải (năm 2011 xuất khẩu 2505 triệu USD so với nhập khẩu 8226 triệu USD, nhập siêu về riêng dịch vụ vận tải lên đến 5721 triệu USD, cao gần gấp đôi tổng nhập siêu về dịch vụ của cả nước và cao hơn gấp đôi mức nhập siêu về dịch vụ vận tải trong năm 2010).
Những vấn đề về an toàn và ách tắc giao thông đang được tích cực cải thiện, nhưng vẫn đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa mới giải quyết được.
Minh Ngọc (Theo Chinhphu.vn)