.
.

Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau: Nơi ngọn lửa Dầu khí mãi tỏa sáng

Thứ Ba, 09/05/2017|14:26

Thực hiện ước muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Liên Xô năm 1959: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaizan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Ba Cu”, chặng đường xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam đã tiến tới mốc son 56 năm. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn gian khổ, song mỗi bước đi lên đều ghi dấu bản lĩnh và khát vọng, để lại dấu ấn lịch sử đáng tự hào vì ngọn lửa dầu khí luôn được gìn giữ, lan truyền, tiếp nối qua từng thế hệ.

Toàn cảnh Nhà máy Đạm Cà Mau.
Toàn cảnh Nhà máy Đạm Cà Mau.

Nhìn lại một chặng đường

Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức sáng ngời và Di chúc thiêng liêng của Bác đã dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua khó khăn, thử thách, tiến lên giành thắng lời vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới. Diện mạo đất nước đã thay đổi căn bản và toàn diện. Sự nghiệp CNH - HÐH được đẩy mạnh. Ðời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia được tăng lên gấp bội. Những thành tựu đó tạo cơ sở vững chắc để sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong thập kỷ tới, trong đó không thể không nói đến những thành tựu đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung và Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau nói riêng.

Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau được khởi công ngày 9/4/2006, mảnh đất Cà Mau đã thay đổi với tốc độ chóng mặt, những con đường lớn, những cửa hàng, khách sạn sang trọng ngày càng xuất hiện nhiều hơn… “Ngày đầu tiên bước chân đến đây, mình hoang mang lắm. Mảnh đất gần như hoang vu, cây cối um tùm”, Phó Giám đốc Công ty Khí Cà Mau Nguyễn Văn Bé Ba chia sẻ.

Nguyễn Văn Bé Ba tâm sự: “Ngày ấy, chúng tôi trong đội tiếp nhận vận hành công trình. Công trường trải dài 27km từ trạm tiếp bờ thuộc khu vực Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, đến khu Công nghiệp Khí Điện Đạm đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau. Hàng ngày phải ngồi ô tô 90 phút, sau đó tiếp tục ngồi vỏ lãi hơn 1 giờ chạy ngoằn nghèo qua các con rạch mới đến trạm tiếp bờ, rồi lại tiếp tục đi vỏ lãi dọc theo kênh đến từng điểm thi công để phối hợp giám sát. Đội ngũ thi công đường ống lúc ấy phải ăn ngủ trong những lán trại tạm giữa rừng U Minh Hạ. Đúng như biệt danh “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”, ngay cả buổi trưa khi ăn cơm chúng tôi không ai dám ngồi trong bóng râm vì không chịu nổi muỗi cắn”.

Dự án trọng điểm Quốc gia Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau được xây dựng tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, trên một diện tích hơn 200 ha, bao gồm các dự án chính: đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau; hai Nhà máy Điện Cà Mau 1 & 2 và Nhà máy Đạm Cà Mau.

Sẽ không thể kể hết được những khó khăn, vất vả của kỹ sư, công nhân... những người trực tiếp thi công trên công trường dự án. Những đêm thức trắng trên công trường, những ngày mưa tầm tã lụt lội đến những ngày nắng chói chang; những chuyến tàu, xe chở từng tấn vật liệu thiết bị rồi những ngày Tết xa nhà...

Lắp đặt thiết bị cho Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau.
Lắp đặt thiết bị cho Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau.

Bất cứ ai làm việc tại dự án Đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau sẽ không thể nào quên được giây phút khi đường ống dẫn khí chính thức tiếp nhận dòng khí đầu tiên vào ngày 29/4/2007 một cách an toàn sau bao nỗ lực, cố gắng của cả chủ đầu tư và các nhà thầu. Rồi đến ngày 20/3/2008, Nhà máy Điện Cà Mau 1 chính thức vận hành thương mại và ngày 23/12/2008, Nhà máy Điện Cà Mau 2 cũng vận hành thương mại, hòa thành công vào lưới điện Quốc gia. Đất nước có thêm một dòng điện mới, miền đất cực Nam của Tổ quốc có dòng điện sáng, Cà Mau và các tỉnh miền Tây Nam Bộ không còn lo sẽ thiếu điện nữa. Sau 4 năm khởi công, xây dựng, ngày 30/1/2012, Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau cho ra mắt sản phẩm thương mại đầu tiên mang thương hiệu “Đạm Cà Mau” trên thị trường, cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng.

Đúng như lời phát biểu của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) - Tổng thầu EPC dự án Nhà máy Điện Cà Mau 1&2 tại lễ khánh thành Đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau và hai Nhà máy Điện: “Đây là công trình có nhiều đặc thù nhất: công suất Nhà máy nhiệt điện lớn nhất (1.500 MW), công nghệ và thiết bị turbine khí  hiện đại nhất (gam máy SGP – 5000 F), công trình xa nhất, địa chất yếu nhất…”.

Hành trình vững vàng bước tới

Với đội ngũ kỹ sư, công nhân vận hành trẻ, trách nhiệm và có trình độ chuyên môn cao, Công ty Khí Cà Mau luôn đảm bảo công tác quản lý vận hành an toàn, liên tục, tiếp nhận, vận chuyển và cung cấp khí, đáp ứng nhu cầu tối đa cho các nhà máy Điện và Đạm Cà Mau.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Ban Quản lý Dự án cho biết: Công trình đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau có công suất 2,2 tỷ m3/năm nối từ giàn khai thác đến cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư xây dựng gần 300 triệu USD để cung cấp khí cho 2 nhà máy Điện có tổng công suất 1.500 MW (chiếm khoảng 10% sản lượng điện Quốc gia) và Nhà máy Đạm có công suất 800.000 tấn ure/năm (chiếm 40% sản lượng đạm trong cả nước).

Tính đến tháng 7/2016, Công ty Khí Cà Mau đã vận chuyển gần 14 tỷ Sm3 khí khô thương phẩm, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Tổng công ty Khí Việt Nam nói riêng và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói chung.

Hiện, Công ty Khí Cà Mau đang triển khai thực hiện đầu tư Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau, nhằm thu hồi các sản phẩm lỏng có giá trị cao như LPG và Condensate từ nguồn khí các mỏ PM3, Lô 46-CN. Nhà máy có công suất 6,2 triệu m3/ngày; sản lượng dự kiến: LPG đạt 600 tấn/ngày; condensate đạt 34 tấn/ngày. Đến thời điểm hiện nay, khối lượng tổng thể dự án ước đạt trên 99%, trong đó toàn bộ công tác thiết kế, mua sắm, lắp đặt thiết bị đã hoàn thành và đang thực hiện chạy thử từng phần hệ thống phụ trợ, hệ thống công nghệ của Nhà máy. Dự kiến sẽ hoàn thành chạy thử nghiệm thu vào tháng 06/2017.

Phòng điều hành trung tâm Nhà máy Điện Cà Mau.
Phòng điều hành trung tâm Nhà máy Điện Cà Mau.

Trong buổi làm việc với Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau, ông Ngô Văn Chiến - Giám đốc Công ty chia sẻ thông tin: Với tổng mức đầu tư trên 860 triệu USD, sử dụng công nghệ turbine khí chu trình hỗn hợp thế hệ mới, sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên qua hệ thống đường ống PM3-Cà Mau, cùng với Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai), hai Nhà máy Điện Cà Mau đã đi vào vận hành. Hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, với nền tảng vững chắc từ Công ty mẹ PV Power, Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau đã khẳng định được vai trò của mình, phát huy những thành quả đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hai nhà máy điện hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả, đã phát lên lưới điện quốc gia với tổng sản lượng đạt gần 70 tỷ kWh. Đến nay, doanh thu lũy kế đạt trên 96.800 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 2.400 tỷ đồng. Trong năm 2017 này, nhiệm vụ trọng tâm của Công ty là đạt sản lượng điện trên 7,5 tỷ kWh, tổng doanh thu là 8.890 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 180 tỷ đồng.

Với sản lượng điện sản xuất hiện nay trên 8 tỷ kWh/năm, chiếm gần 5% sản lượng điện sản xuất của cả nước, đã giải quyết được tình trạng thiếu điện vào mùa khô hằng năm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế tại Cà Mau.

Trong khi đó, Nhà máy Đạm Cà Mau hiện đang cung cấp đủ nhu cầu cho người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, góp phần làm giảm áp lực nhập khẩu đạm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Bùi Minh Tiến - Tổng giám đốc PVCFC cho biết: Năm 2016, sản lượng sản xuất urê quy đổi đạt 804,1 nghìn tấn, tương đương 102% kế hoạch năm; sản lượng sản xuất bao bì đạt 19.993 nghìn bao, đạt 117% kế hoạch; sản lượng tiêu thụ urê quy đổi đạt 812,43 nghìn tấn, tương đương 103% kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt 5.202 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 653 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm.

“Quý I/2017, kết quả kinh doanh của Công ty tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể doanh thu đạt 1237,5 tỷ đồng, tăng 30,55% cùng kỳ năm trước”, ông Tiến nhấn mạnh.

Năm 2017, PVCFC đặt ra kế hoạch sản lượng sản xuất Đạm Cà Mau 752 nghìn tấn, tổng doanh thu đạt 5.328 tỷ đồng; tiếp tục vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau hiệu quả, an toàn, ổn định; nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến tối ưu hóa sản xuất; hoàn thành kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa an toàn, tiến độ, chất lượng và tiết kiệm chi phí; tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị và giảm phụ thuộc vào sản phẩm urê; tiếp tục phát triển thương hiệu “Đạm Cà Mau” theo hướng khác biệt hóa, khẳng định vị thế là một trong những thương hiệu uy tín tin dùng trên thị trường trong nước và khu vực Đông Nam Á; tiếp tục xây dựng văn hóa công ty tạo môi trường và động lực phát triển bền vững.

Trong quá trình triển khai xây dựng dự án Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tham gia vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh Cà Mau và các dự án hỗ trợ tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng số tiền khoảng 600 tỷ đồng. Đó là các dự án Đường từ TP. Cà Mau đến khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau; đường vào xã anh hùng Hồ Thị Kỷ; Khu tái định canh định cư Khánh An; Trường THPT Đất Mũi; Trường THPT Khánh An; Trường tiểu học ấp Bào Nhàn,... Ngoài ra, PVN đã xây dựng nhiều căn nhà tình nghĩa và đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ chính sách trong dự án cũng như các hộ chính sách ngoài dự án, nhà đại đoàn kết,… cùng nhiều hoạt động an sinh xã hội khác.

Dự án công nghiệp này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với tỉnh Cà Mau mà còn có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, xã hội của cả khu vực Tây Nam Bộ. Sự phát triển của Cụm Khí - Điện - Đạm đã biến mảnh đất này thành trung tâm công nghiệp và kinh tế. Hàng nghìn công nhân có việc làm, nhiều ngôi nhà tạm đã được thay thế bằng nhà xây kiên cố, đảm bảo điều kiện sinh hoạt; những ngôi trường mới đã được dựng lên, các em đến tuổi đi học không phải bỏ học, không được đi học vì nhà xa nữa. Rồi những cây cầu mới xây cũng xuất hiện nhiều hơn, giao thông đi lại thuận tiện, thu hút không chỉ lao động trong tỉnh mà cả lao động ở nơi khác đến giao thương, làm việc…

Với sự chung sức chung lòng, gìn giữ bản sắc và giá trị cốt lõi của văn hóa Dầu khí; bằng tất cả nhiệt huyết, ý chí quyết tâm và khát vọng vươn lên, sẵn sàng cống hiến sức lực và trí tuệ của tập thể CBCNV-LĐ cho ngành Dầu khí, chắc chắn ngọn lửa Dầu khí, tinh thần Dầu khí sẽ mãi tỏa sáng.

P.V

.
.
.
.