.
.

Cổ phiếu Đạm Cà Mau tăng trưởng mạnh

Thứ Sáu, 01/09/2017|16:21

Trong những tháng đầu năm 2017, cổ phiếu DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) là một trong số ít những cổ phiếu của ngành Dầu khí có mức tăng trưởng mạnh, đem lại lợi nhuận cao cho các cổ đông và nhà đầu tư. 

Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Cà Mau
Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Chuyển mình mạnh mẽ

Sau khi đã sụt giảm 12,82% trong năm 2016 trước những lo ngại về khó khăn của ngành phân bón, giá cổ phiếu DCM đã ghi nhận sự hồi phục ấn tượng kể từ đầu năm 2017. Từ đầu năm đến nay giá cổ phiếu DCM đã tăng hơn 40% từ 10.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 14.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Đi cùng với sự chuyển mình ấn tượng về giá, giao dịch khớp lệnh của DCM cũng diễn ra rất sôi động với khối lượng trung bình cuối phiên tăng hơn 20 lần so với cuối năm 2016 và lên mức 3,7 triệu cổ phiếu trong giai đoạn hiện nay. Điều này cho thấy sức hút của cổ phiếu DCM đang gia tăng mạnh và tập trung sự chú ý của giới đầu tư.

Sự tăng trưởng của cổ phiếu DCM cũng phản ánh đúng kết quả sản xuất kinh doanh của công ty với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt. Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu hợp nhất của DCM đạt 3.025 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 528,5 tỉ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ và hoàn thành 83% kế hoạch lợi nhuận năm 2017.

Bên cạnh sự tăng trưởng của doanh thu, công tác quản trị chi phí hoạt động cũng được DCM tăng cường chú trọng, nhờ đó đã giúp DCM giảm giá thành sản xuất, gia tăng lợi nhuận.

Một kết quả nổi bật khác là hoạt động xuất khẩu của DCM tại thị trường trọng điểm Campuchia cũng tăng trưởng rất ấn tượng. Thị phần tiêu thụ của DCM ở thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2017 đã gia tăng lên mức 38%, tăng hơn 26% so với năm 2016. Với những tín hiệu khả quan đó, thị trường Campuchia được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành một trong những động lực tăng trưởng chủ đạo của DCM bên cạnh thị trường tiêu thụ nội địa.

Ở thị trường nội địa, thị phần thực tế (tiêu thụ trực tiếp xuống nông dân) 6 tháng đầu năm 2017 của DCM tiếp tục duy trì mức khả quan khi đều ghi nhận sự tăng trưởng tại các thị trường trọng điểm. Trong đó, thị phần tại Tây Nam Bộ chiếm 60%, tăng 7% so với năm 2016; thị phần tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đều đạt khoảng 25%.

Trong năm 2017, DCM đặt kế hoạch doanh thu 5.328 tỉ đồng và lợi nhuận 633 tỉ đồng. Để đạt được các chỉ tiêu này, DCM tiếp tục đổi mới mô hình kinh doanh, thực hiện chính sách bán hàng linh hoạt, không ngừng nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ, đầu tư các dòng sản phẩm phân bón chất lượng cao… Những điều này cũng đã giúp gia tăng kỳ vọng của giới đầu tư về triển vọng tăng trưởng của DCM.

Tăng trưởng dài hạn

Cùng với sự chuyển mình ấn tượng của hoạt động sản xuất kinh doanh, các chỉ số tài chính tích cực và sự kỳ vọng về các chính sách mới của Nhà nước cũng hỗ trợ tích cực cho triển vọng kinh doanh của DCM trong năm 2017 cũng như những năm tới.

Các khoản phải thu của DCM ghi nhận sự cải thiện rõ rệt với giá trị phải thu ngắn hạn chỉ còn hơn 410 tỉ đồng tính đến cuối quý I/2017, giảm gần 15% so với đầu năm. Sự sụt giảm khoản phải thu ngắn hạn chủ yếu đến từ khoản tiền mua khí hơn 116 tỉ đồng đã thu hồi từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong quý I/2017.

Áp lực lãi vay của DCM tiếp tục ghi nhận sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực. DCM đã thanh toán được hơn 50% khoản vay dùng để đầu tư Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngoài ra, để phòng ngừa rủi ro về tỉ giá, DCM cũng tích cực làm việc với Bộ Tài chính và các ngân hàng thương mại để tiến hành tái cơ cấu các khoản vay ngoại tệ; thực hiện gia tăng dự trữ nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu phân bón. 

Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước đối với ngành phân bón thời gian qua cũng đã tạo ra tác động tích cực đến cổ phiếu của DCM nói riêng và của doanh nghiệp trong ngành nói chung.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đồng ý bãi bỏ chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động và không quy định cửa nhập khẩu đối với mặt hàng phân bón urê, phân khoáng hoặc phân hóa học có chứa 3 nguyên tố cấu thành nitơ, phospho và kali. Quyết định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 13-7-2017. Điều này sẽ giúp hạn chế sự dư thừa nguồn cung phân bón và giảm áp lực cạnh tranh với phân bón giá rẻ từ Trung Quốc trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ về việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 0% (thay vì miễn thuế như hiện tại). Nếu đề xuất này được chấp thuận sẽ giúp giảm đáng kể chi phí và giá thành, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp được Chính phủ định hướng trọng tâm, đặc biệt là mảng nông nghiệp sạch cùng các giải pháp mở rộng thị trường và gia tăng nguồn tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ phân bón trong thời gian tới.  

Các doanh nghiệp ngành phân bón còn có nhiều cơ sở để tăng lợi nhuận bởi các yếu tố tích cực khác trên thị trường. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá urê trên thị trường thế giới có thể sẽ tăng bởi nguồn cung đang có xu hướng thắt chặt. Đặc biệt là chính sách cắt giảm sản lượng tại Trung Quốc - quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, vì ô nhiễm không khí khiến sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu nội địa, giảm lượng hàng xuất khẩu… Các dự báo cho rằng giá phân bón 2017 sẽ tăng nhẹ, trong đó giá urê dự báo sẽ tăng khoảng 4%, NPK sẽ tăng khoảng 6% so với mức đáy của năm 2016.

Hàng loạt các yếu tố thuận lợi đang thúc đẩy sự tăng trưởng của DCM nói riêng và ngành phân bón nói chung.

Với cam kết không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, DCM đã không ngừng đầu tư nghiên cứu phát triển để cung cấp các sản phẩm mới chất lượng cao mang thương hiệu DCM - Hạt Ngọc Mùa Vàng ra thị trường như: N46.Plus, N.Humate+TE, N.Nano C+… Bên cạnh các dự án phát triển sản phẩm phân bón urê, DCM cũng đang nghiên cứu triển khai dự án sản xuất NPK cao cấp với kỳ vọng sẽ góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới cũng như gia tăng cơ hội cho xuất khẩu.

Phùng Huế

.
.
.
.