.
.

Vinatex đạt lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng trong năm 2021

Thứ Sáu, 24/12/2021|16:35

Chiều 23/12, tại Hà Nội, thông tin với báo chí về kết quả sản xuất, kinh doanh và phong trào công đoàn lao động năm 2021, đồng chí Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2021 là một năm thực sự khó khăn đối với ngành dệt may Việt Nam. Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn, ngành dệt may duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Giữ được vị trí trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu thông tin về kết quả ngành dệt may và tập đoàn năm 2021.
Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu thông tin về kết quả ngành Dệt may và Tập đoàn năm 2021.

Báo cáo cho thấy, Vinatex đã triển khai đồng bộ 6 giải pháp: Tạo liên kết chuỗi sản xuất dệt may; quản trị; thị trường, khách hàng; đầu tư công nghệ; lao động và đào tạo; tài chính và tái cơ cấu. Nhờ vậy, năm 2021, hoạt động của các đơn vị trong Tập đoàn vẫn duy trì hiệu quả. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngành sợi có mức tăng trưởng “ngoạn mục” cả về doanh thu và lợi nhuận. Tính chung toàn Tập đoàn, năm 2021, doanh thu và thu nhập hợp nhất ước đạt 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 202% so với năm 2020, đạt 170% kế hoạch, cao hơn cả năm 2019 (trước đại dịch) 70%... Xuất khẩu của ngành dệt may ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Con số này còn cao hơn 0,3% so với năm 2019.

Năm 2021, cùng với việc đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực của các đơn vị, Vinatex cũng đưa vào hoạt động Nhà máy Sợi 3 (Công ty cổ phần Sợi Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với quy mô 32.000 cọc sợi và Nhà máy Sợi 2 (Công ty cổ phần Vinatex Phú Hưng, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với quy mô 22.800 cọc sợi. Từ đó, Vinatex cùng các đơn vị thành viên tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết sợi - dệt - nhuộm - may, hướng tới trở thành “một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang”.

Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cũng cho biết, giai đoạn 2022 - 2025, Vinatex đặt mục tiêu hình thành năng lực cung ứng đáp ứng yêu cầu của các chuỗi cung ứng quy mô lớn, trên nền tảng của ngành sợi đã phát triển trong 5 năm qua, cùng với ngành may quy mô và có uy tín.

Cùng với đó, ngành dệt may Việt Nam cũng nghiên cứu để đưa ra thị trường loại vải chống cháy, chống đâm thủng… Trước mắt, trong năm 2022, Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng chung đạt trên 8%, chú trọng chất lượng tăng trưởng thể hiện qua tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.

Cũng tại cuộc gặp mặt, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm thông tin thêm, đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp. Để hỗ trợ, đồng hành cùng người lao động, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã hỗ trợ hơn 34,9 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch, trợ cấp người lao động, chăm lo bữa ăn ca... Bên cạnh đó, chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần 2022, Công đoàn Dệt may dự kiến sẽ chi 3 tỷ đồng (gấp đôi Tết Nguyên đán 2021) để chăm lo, hỗ trợ người lao động.

Các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng chăm lo tại chỗ cho người lao động. Các doanh nghiệp dệt may khu vực phía Bắc sẽ chi tối thiểu 1,5-2 tháng lương cho người lao động. Các doanh nghiệp phía Nam dự kiến chi khoảng 1,5 tháng lương. Cùng với đó, Công đoàn Dệt may sẽ bố trí xe, hỗ trợ vé tàu, xe cho người lao động về quê đón Tết; tổ chức đón Tết cho những người lao động không về quê…

P.V

.
.
.
.