.
.

Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 44 - 44,5 tỷ USD năm 2022

Thứ Sáu, 30/12/2022|14:46

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vừa cho biết, năm 2022, ngành Dệt May trải qua một năm với nhiều bất định của thị trường, bởi đây là ngành chủ yếu xuất khẩu nên bị ảnh hưởng lớn bởi tổng cầu của thế giới; lạm phát tại Mỹ và EU năm qua đều lên mức cao nhất 4 thập kỷ, lần lượt ở mức 8% và 10%; lãi suất tại các quốc gia, khu vực này vì thế đều tăng nhanh và mạnh để kiềm chế lạm phát, đổi lại tăng trưởng GDP suy giảm, quy mô nền kinh tế thu hẹp, giảm việc làm và thu nhập, qua đó gián tiếp tác động đến chi tiêu hàng tiêu dùng trong đó có hàng dệt may.

Trong bối cảnh khó khăn đó, xuất khẩu của ngành Dệt May Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 vẫn đạt trên 41 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2021. Với kết quả này, Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của ngành Dệt May Việt Nam ước đạt 44 - 44,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Vinatex ước đạt mức doanh thu hợp nhất là 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6 % kế hoạch.

Để có được kết quả tích cực trong điều kiện thị trường nhiều khó khăn, biến động khó lường trong năm 2022 là nhờ sự linh hoạt, nhạy bén trong công tác dự báo và điều hành của Hội đồng quản trị, Cơ quan điều hành Tập đoàn, cùng với đó là sự đóng góp, nỗ lực của các doanh nghiệp và toàn thể đội ngũ cán bộ nhân viên, người lao động trong toàn hệ thống Tập đoàn.

Năm 2022, Vinatex đã tổ chức 8 buổi Hội thảo về thị trường, cập nhật kịp thời công tác dự báo thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, phân tích dữ liệu theo biến động của thị trường tài chính, tiền tệ để các đơn vị thành viên có cơ sở cân nhắc, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn. Theo đó, giải pháp đối với ngành Sợi: bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối trong chuỗi sản xuất của ngành Dệt và ngành May của Tập đoàn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sợi; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để đảm bảo dòng tiền; luôn quan tâm đảm bảo chất lượng sản phẩm cao và ổn định; bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu. Đối với ngành May, tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để đảm bảo duy trì sản xuất và giữ chân người lao động; nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường; luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất tốt nhất để đón những cơ hội khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.

Vinatex cũng xác định sản phẩm chủ lực thích hợp nhất tại thời điểm này để từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín. Trong đó, có sự kết hợp chặt chẽ giữa Ban SXKD Sợi và các ban sản xuất kinh doanh khác, cũng như phát huy vai trò từng Ban để thực hiện chức năng điều phối giữa các đơn vị, tận dụng tối đa lợi thế của từng đơn vị, cân đối sản xuất trong toàn chuỗi, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như tìm kiếm thị trường đầu ra; định hướng phát triển sản phẩm mới bằng cách khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường đối với từng loại sản phẩm mà các đơn vị trong Tập đoàn có khả năng đáp ứng; tư vấn công tác đầu tư cả về chiều rộng và chiều sâu của chuỗi sản xuất.

Cùng với đó, Tập đoàn Dệt May đã và đang thực hiện có hiệu quả 5 mục tiêu kiên định đó là: Kiên định tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi chỉ nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu với tư cách thành viên chính thức thì mức độ bấp bênh, sụt giảm trước những biến động của thị trường sẽ luôn thấp hơn ngoài chuỗi. Thứ hai là kiên định xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để Vinatex trở thành một điểm đến cung cấp từ sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các đối tác. Xu thế của thế giới hiện nay là khách hàng muốn tiếp xúc với những đối tác có thể làm từ đầu đến cuối và cắt đi các khâu trung gian. Nếu có hệ thống sản xuất hoàn chỉnh thì Vinatex sẽ có một bước tiến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ 3 là kiên định thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội, sản xuất xanh vì đây sẽ là những yếu tố phi tài chính để lựa chọn những đối tác bền vững hơn, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường trong sản xuất bền vững. Thứ 4 là kiên định về chuyển đổi số và tự động hóa vì đây cũng sẽ là xu thế trong tương lai của các thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ 5 là kiên định trong phát triển nguồn nhân lực và con người để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, kinh tế số và giao dịch số. Đây sẽ là 5 giải pháp xuyên suốt, cốt lõi trong chỉ đạo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đối với các đơn vị thành viên. 

Trước bối cảnh, tình hình kinh tế thế giới năm 2023 không mấy khả quan; nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng thì các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex vẫn duy trì đảm bảo việc làm, thu nhập và tổ chức các hoạt động chăm lo người lao động trong dịp Tết Nguyên đán. Hiện tại, 100% các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex đều đảm bảo tháng lương thứ 13 cho người lao động, một số đơn vị lớn như: Hòa Thọ, Dệt May Huế, Hanosimex, Phong Phú… đều có thêm ít nhất từ 0,5 - 2 tháng lương cho NLĐ ngoài tháng lương thứ 13. Đây là nỗ lực rất lớn từ phía các doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình SXKD đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. 

Cùng với đó, từ ngày 10/12 - 10/01/2023 Vinatex và Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức 6 hội chợ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam trong chương trình “Tết sum vầy, Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình xuân Quý Mão 2023”, cung cấp các nhu yếu phẩm Tết cho người lao động tại các doanh nghiệp trực thuộc với các gian hàng đồng giá, gian hàng 0 đồng và gian hàng giảm giá lên tới 40%. Điều này sẽ giúp người lao động có thể tiết kiệm từ 30-40% so với việc mua ngoài thị trường. Cùng với hoạt động này, hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam dự kiến sẽ trao từ 5.000 - 7.000 phần quà Tết cho người lao động khó khăn, gia đình chính sách. 

P.V

 
.
.
.
.