.
.

Vinatex nâng cao chất lượng hoạt động quản trị nhân sự

Thứ Năm, 06/04/2023|09:48

Với mục đích củng cố, cập nhật và nâng cao kiến thức cho các cán bộ phụ trách nhân sự tại các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quản trị nhân sự, từ đó giúp duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, vừa qua, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội nghị công tác nhân sự năm 2023 cho lãnh đạo, Trưởng các ban chức năng của Tập đoàn; lãnh đạo đơn vị, Trưởng phòng nhân sự (Chánh Văn phòng phụ trách nhân sự) tại các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinatex cho biết: Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nhân sự trong toàn hệ thống Vinatex. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chiến lược dài hơi của mỗi doanh nghiệp cần được vun đắp hằng ngày để có được “lợi ích trăm năm”. Diễn ra trong bối cảnh sản xuất kinh doanh nhiều khó khăn, hội nghị với các nội dung trọng tâm nêu rõ thực trạng, hạn chế và giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong công tác nhân sự là cơ hội để các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, học tập cái mới, thêm động lực cùng vượt quá khó khăn, giữ được tinh thần Vinatex trong sự phát triển bền vững, lâu dài. 

“Hội nghị nhằm mở ra cách làm, sinh hoạt trong khối quản lý nguồn nhân lực, công tác đào tạo nhân sự sẽ được cụ thể hóa, là nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên trong chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp. Với những bài giảng, trình bày có nội dung khoa học, chặt chẽ, đi vào chiều sâu, gắn lý thuyết với thực hành và học tập bài học thực tiễn. Bên cạnh đó, góp phần củng cố, cập nhật và nâng cao kiến thức cho các cán bộ phụ trách nhân sự tại các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động quản trị nhân sự, từ đó giúp duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, đồng chí Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu được tiếp cận các thông tin dự báo thị trường lao động và tiền lương; nghiên cứu tình huống thực tiễn tại Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, đồng thời tham gia vào các chuyên đề: Xây dựng hệ thống khung năng lực và đánh giá năng lực cán bộ; kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng; văn hóa doanh nghiệp và thảo luận ý kiến đóng góp vào các nội dung trọng tâm triển khai chương trình hành động năm 2023… nghe lãnh đạo Tập đoàn báo cáo đánh giá về tính đầy đủ của quy trình và mức độ trưởng thành của hệ thống quản lý và phát triển nguồn nhân lực tại Công ty Mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinatex; báo cáo dự báo thị trường lao động và tiền lương.

Cũng tại Hội nghị diễn ra lễ ký kết Chương trình hành động giữa Tập đoàn với các đơn vị về công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Ký kết Chương trình Hành động giữa Tập đoàn với các đơn vị về công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ký kết Chương trình hành động giữa Tập đoàn với các đơn vị về công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Kế hoạch đào tạo cán bộ làm công tác nhân sự năm 2023, Tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thành các chương trình đào tạo của năm 2022: Chương trình đào tạo Young Talent (dự kiến tháng 5-8/2023); đào tạo cập nhật cho khóa Bồi dưỡng cán bộ cấp cao (dự kiến tháng 4 và tháng 10/2023). Bên cạnh đó là dự kiến một số chương trình đào tạo mới như: Quản trị tài chính cho cán bộ quản lý cấp trung tại các đơn vị; Đào tạo đội ngũ giảng viên nội bộ tại các đơn vị; tổ chức các khóa đào tạo cho Cơ quan Văn phòng Tập đoàn, tập trung vào các nội dung nghiệp vụ về đầu tư, luật doanh nghiệp, tài chính; kỹ năng quản trị; quy trình 5S; văn hóa doanh nghiệp. Cũng trong năm nay, Trung tâm đào tạo tiếp tục kết hợp với trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tổ chức các lớp đào tạo theo chương trình sẵn có như: Giám đốc nhà máy, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng... 

Chuẩn bị cho kế hoạch đào tạo dài hạn, Tập đoàn sẽ xây dựng khung năng lực và tiêu chuẩn đánh giá cán bộ tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên nhằm xác định kế hoạch đào tạo phù hợp tại từng vị trí cán bộ. Khảo sát nhu cầu đào tạo tại các đơn vị để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp. Đồng thời, bổ sung các khóa đào tạo ngắn hạn đáp ứng yêu cầu cấp bách tại doanh nghiệp. Tăng cường công tác quản lý và đánh giá chất lượng sau đào tạo. Xây dựng các quy trình, tiêu chí đánh giá để quản lý và kiểm soát chất lượng sau đào tạo. Tiến hành rà soát lại nội dung các chương trình đào tạo sẵn có, cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp…

N.G

.
.
.
.