Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt May lần thứ IV
Ngày 11, 12/10, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp Tập đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức Ngày hội Lao động sáng tạo lần thứ IV và Hội diễn văn nghệ ngành Dệt May Việt Nam khu vực miền Bắc.
Tham dự chương trình, có đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Lê Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam; đồng chí Cao Hữu Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam; đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam…, cùng cán bộ, công đoàn viên thuộc các công đoàn cơ sở của Công đoàn Dệt May Việt Nam (DMVN).
Ngày hội của Dệt May năm 2024 gồm các nội dung: Ngày hội Lao động sáng tạo (LĐST), Hội diễn văn nghệ với những sáng tác mới về ngành, tôn vinh Doanh nghiệp vì người lao động, trao Giải thưởng Nguyễn Thị Sen cho những lao động nữ tiêu biểu. Đây chính là điểm nhấn quan trọng của hành trình mới, của năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đại hội VI Công đoàn DMVN; đồng thời, là một trong những hoạt động thi đua tiêu biểu nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn DMVN lần thứ III, nhiệm kỳ 2025-2030.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam tham quan các gian trưng bày triển lãm sản phẩm sáng tạo. |
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn DMVN cho biết: Đây là lần thứ 4, ngành Dệt May thúc đẩy mạnh mẽ phong trào và tổ chức Ngày hội LĐST cấp ngành. Qua mỗi kỳ, trí tuệ lao động dệt may lại tiếp tục được khẳng định với các đề tài, giải pháp tốt, đóng góp hữu hiệu cho hoạt động của từng đơn vị, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong quá trình hội nhập và phát triển. Cùng với đó, việc tôn vinh 12 doanh nghiệp (DN) đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Công đoàn DMVN coi đây vừa là sự ghi nhận, vừa là cách tri ân, đồng thời là sự cổ vũ các DN thực hành kinh doanh có trách nhiệm, luôn coi người lao động (NLĐ) là trung tâm trong sự phát triển của mình. Ngày hội cũng tổ chức trao giải thưởng Nguyễn Thị Sen cho 10 lao động nữ tiêu biểu như một sự động viên, khích lệ các chị em phát huy tốt truyền thống của tiền nhân, luôn tận tâm với nghề, khéo léo, sáng tạo, góp phần tạo nên những bước tiến mới của ngành DMVN trên chặng đường mới.
“Đồng hành với Ngày hội lớn này, Hội diễn Văn nghệ ngành DMVN khu vực miền Bắc diễn ra với những sáng tác mới về ngành. Thông qua đó, lao động nghệ thuật cùng hòa chung với lao động sáng tạo, làm nên những giá trị và hình ảnh thật đẹp đẽ, sống động về ngành nghề và con người dệt may, cùng thăng hoa với những thanh âm trên đường tơ sông lụa, những giai điệu tự hào dệt may Việt Nam”, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm nhấn mạnh.
Với các nội dung: Bảo vệ đề tài giải pháp; trưng bày triển lãm các mô hình, mẫu vật, sản phẩm sáng tạo hướng tới chủ đề “Xanh hóa và phát triển bền vững”; triển lãm ảnh về đề tài Lao động sáng tạo, Ngày hội Lao động sáng tạo năm nay cho thấy sự đột phá trong chất lượng đề tài, sáng kiến được các công đoàn cơ sở chọn lựa để dự thi. Được phát động từ đầu năm, sau các vòng bảo vệ và xét chọn tại cơ sở, các đơn vị đã gửi đến Ngày hội 75 sáng kiến, giải pháp (gồm 21 sáng kiến, giải pháp thuộc lĩnh vực Sợi - Dệt - Nhuộm và 54 sáng kiến, giải pháp thuộc lĩnh vực May, quản lý điều hành và lĩnh vực khác).
Hội diễn văn nghệ khu vực phía Bắc thu hút hơn 400 diễn viên là cán bộ, đoàn viên, người lao động đến từ 10 đơn vị trong hệ thống Công đoàn. Đây là dịp sinh hoạt văn hóa tinh thần sôi nổi, ý nghĩa cho đoàn viên, người lao động bởi mỗi lời ca, tiếng hát được cất lên đều mang hơi thở của cuộc sống lao động sản xuất. Từ giai điệu cho tới ca từ, đều chan chứa tình yêu, niềm tự hào của lớp lớp các thế hệ lao động trên hành trình xây đắp văn hóa và dấu ấn Dệt May.
Quang cảnh chương trình. |
Tại lễ Tổng kết Ngày hội Lao động sáng tạo và Hội diễn văn nghệ ngành Dệt may Việt Nam khu vực miền Bắc, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đánh giá cao sự quan tâm của Ban lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam từ việc tạo điều kiện đến động viên, khích lệ để công tác tổ chức Ngày hội LĐST diễn ra thuận lợi; đồng thời biểu dương tinh thần tham gia của các công đoàn cơ sở và sự sáng tạo của Công đoàn DMVN trong việc duy trì thường niên các giải thưởng, tổ chức những diễn đàn, sân chơi nghệ thuật để cán bộ, đoàn viên, NLĐ có cơ hội thể hiện tình cảm, sức sáng tạo đổi mới, sáng kiến đóng góp cho ngành. Những sáng kiến sáng tạo đó trong suốt hành trình vừa qua đã làm lợi hàng tỷ đồng cho ngành.
Đồng chí mong rằng, mỗi cán bộ, đoàn viên, NLĐ Dệt May cùng cố gắng bằng trái tim, khối óc và đôi bàn tay khéo léo, sức sáng tạo không ngừng nghỉ đóng góp cho sự phát triển của ngành, của đất nước...
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đồng chí Lê Tiến Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT chúc mừng và đánh giá cao các hoạt động ý nghĩa của Tập đoàn, Công đoàn DMVN trong dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn ghi nhận, đánh giá cao sự đồng hành của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở tại DN đã góp phần nâng tầm các hoạt động công đoàn ở cơ sở lên về chất.
“Sau 4 lần tổ chức Ngày hội LĐST thì phong trào LĐST của Tập đoàn, Công đoàn DMVN đã trở thành hoạt động thường nhật, là hoạt động NLĐ mong muốn và tích cực tham gia. Trong một ngành có nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, lãnh đạo đã luôn đoàn kết, chia sẻ, cố gắng chăm lo, tổ chức các hoạt động tốt nhất cho NLĐ, qua đó, NLĐ cũng yên tâm, tin tưởng và nỗ lực LĐST đóng góp cho DN. Tập đoàn đã vượt qua 4 năm của khó khăn từ dịch bệnh đến khủng hoảng kinh tế năm 2023, ngay cả 2024 này cũng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các DN đã bảo toàn được đội ngũ lao động, ổn định được tư tưởng, tinh thần hứng khởi, tập trung cho SXKD của những người thợ dệt may. Trong thời gian tới, các hoạt động của Công đoàn cần tiếp tục xoay quanh mục tiêu chung là xây dựng DN, xây dựng đời sống tốt hơn cho NLĐ không chỉ vật chất mà cả tinh thần”, đồng chí Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
N.G