.
.

Phó Tổng giám đốc Phạm Mạnh Thắng:

Niềm tin của khách hàng và thị trường là "giải thưởng" lớn nhất đối với Vietcombank

Thứ Hai, 02/10/2017|17:41

Năm 2017, trong hệ thống giải thưởng của Tạp chí Asiamoney lần đầu tiên xuất hiện Gói giải thưởng “Thương hiệu tài chính tốt nhất” (Best Brands in Finance). Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được trao giải thưởng này. Tham dự nhận giải thưởng của Tạp chí Asiamoney tại Bắc Kinh - Trung Quốc vừa qua, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng đã có một số chia sẻ với phóng viên báo chí.

Vietcombank nhận giairi thưởng “Thương hiệu tài chính tốt nhất”
Vietcombank nhận giairi thưởng “Thương hiệu tài chính tốt nhất”

PV: Việc nhận giải thưởng lần này có ý nghĩa như thế nào với Vietcombank?

Đây là lần đầu tiên Tạp chí Asiamoney bình chọn giải thưởng “Thương hiệu tài chính tốt nhất” và Vietcombank vinh dự là ngân hàng đầu tiên được trao giải thưởng này.

Vietcombank xin gửi lời cảm ơn và chia sẻ niềm vinh dự này tới quý khách hàng, quý đối tác nhằm tri ân sự hỗ trợ, tin tưởng đồng hành mà quý khách hàng và quý đối tác đã dành cho Vietcombank để giúp chúng tôi có được sự tin cậy, uy tín mà cộng đồng tài chính và đầu tư khu vực đã ghi nhận qua giải thưởng này. Đây cũng là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Vietcombank trong hành trình kiến tạo giá trị cho khách hàng, thị trường và xã hội.

PV: Vừa qua, Vietcombank đã nhận được nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế như: “Ngân hàng uy tín nhất Việt Nam”; “Top 500 thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất thế giới”…, ông có thể cho biết những ưu thế nổi bật nào để Vietcombank luôn vượt lên dẫn đầu trong các cuộc bình chọn?

Chất lượng tài sản, hiệu quả hoạt động cùng với sự phát triển ổn định, bền vững, tạo được những bứt phá quan trọng thời gian qua chính là những yếu tố mà các tổ chức xếp hạng luôn dành sự đánh giá tích cực cho Vietcombank.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng luôn hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc minh bạch hóa thông tin thông qua áp dụng các chuẩn mực quốc tế trên các lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, kế toán, phân loại xử lý dự phòng rủi ro…, điều này cũng được thị trường ghi nhận, đánh giá cao. Những nỗ lực trong hoạt động tiếp tục khẳng định vị thế ngân hàng hàng đầu của Vietcombank trên thị trường hiện nay.

PV: Xin ông có thể chia sẻ thêm những kết quả mà Vietcombank đạt được?

Thời gian qua, Vietcombank đã đạt được kỷ lục về lợi nhuận năm 2016 (8.523 tỷ đồng) với mức tăng gần 1.700 tỷ đồng (25%) so với năm trước đó. Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên xử lý xong dư nợ xấu tại VAMC trước thời hạn 3 năm và đã hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, minh bạch đưa nợ xấu về 1 sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất.

Chúng tôi tin rằng, với việc kiểm soát được chất lượng tín dụng và chặn đứng, thậm chí có thể giảm được mức trích lập dự phòng rủi ro, các cổ đông, nhà đầu tư và thị trường hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào một kết quả đặc biệt ấn tượng của Vietcombank cho năm 2017.

PV: Vietcombank đã xác định tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 là trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong một trăm tập đoàn tài chính ngân hàng hàng đầu khu vực, nằm trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, ông có thể cho biết về kế hoạch mở rộng hoạt động của Vietcombank ra thị trường quốc tế?

Để đạt được mục tiêu chiến lược đã đề ra, Vietcombank rất coi trọng việc mở rộng hoạt động ra các thị trường nước ngoài. Hiện tại, Vietcombank đã có hiện diện tại một số thị trường tài chính lớn như Mỹ, Singapore, Hong Kong thông qua các công ty con và văn phòng đại diện tại các quốc gia này. Trong thời gian tới, Vietcombank sẽ mở VPĐD tại Mỹ và thành lập Ngân hàng con 100% vốn tại Lào (đã được sự chấp thuận của NHNN). Vietcombank cũng đang nghiên cứu và xúc tiến việc thành lập Chi nhánh tại Úc và một số thị trường khác.

Niềm tin của khách hàng và thị trường dành cho Vietcombank chính là “giải thưởng” lớn nhất đối với chúng tôi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hưng – Hữu Kiên (thực hiện)

.
.
.
.