.
.

Agribank góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu

Thứ Sáu, 28/06/2019|08:58

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ban ngành và các địa phương, cùng với sự sự quyết tâm của Agribank, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đem lại nhiều kết quả khả quan.

Agribank đã tiến hành tổ chức rà soát, xây dựng, tập huấn quy chế thu giữ tài sản đảm bảo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường; mạnh dạn, chủ động thực hiện tổng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ xấu đến 15/8/2017, thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực; miễn, giảm lãi tồn đọng theo thời hạn trả nợ gốc để khuyến khích khách hàng tìm mọi nguồn thu trả nợ ngân hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
 
Với mục tiêu được Agribank quán triệt ngay từ đầu đó là gắn việc xử lý nợ xấu với hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vì vậy, trong các phương án xử lý nợ của Agribank có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ. Bên cạnh đó, Agribank đã chủ động phối hợp với VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng.
 
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ban ngành và các địa phương, cùng với sự sự quyết tâm của Agribank, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đem lại nhiều kết quả khả quan.
 
Kết thúc năm 2018, nợ xấu nội bảng về mức 1,51%, thu hồi được gần 12.000 tỷ đồng nợ đã bán và đã xử lý rủi ro, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý.
 
Những con số trên đã tạo ra sự bút phá ngoạn mục về lợi nhuận năm 2018 của Agribank đạt trên 7.525 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với gần 26.000 tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro, Agribank tự tin đủ khả năng mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.
 
Lũy kế đến 31/3/2019, Agribank thu hồi và tự xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đạt trên 93.000 tỷ đồng, bao gồm: Thu nợ gốc đã bán cho VAMC; thu nợ gốc đã xử lý rủi ro; thu và xử lý nợ xấu nội bảng; thu và xử lý nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780, Thông tư 09 và Nghị định 55.
 
Với kỳ vọng triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu quả hơn nữa, Agribank mong muốn tiếp tục nhận được sự sẻ chia, phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ, ban, ngành và các địa phương để sớm được giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản như: thu giữ tài sản; áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm (TSBĐ) tại tòa án; xử lý TSBĐ là dự án bất động sản; nghĩa vụ nộp thuế (thuế thu nhập cá nhân, các khoản nợ thuế, phí nợ khác liên quan đến TSBĐ); mua bán nợ theo giá thị trường,… qua đó, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn, đảm bảo theo yêu cầu của Quyết định 1058.
 
Anh Minh (Theo Chinhphu.vn)
.
.
.
.