.
.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngân hàng: Cơ hội và thách thức

Thứ Hai, 19/04/2021|16:49

Từ sự thúc ép phải tồn tại và phát triển trong đại dịch COVID-19 và những chuyển biến mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn then chốt với những cơ hội lớn và thách thức chưa có tiền lệ.

Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã nêu rõ, tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
 
Chương trình này cũng nhấn mạnh, thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo.
Bài 1: Ngân hàng số bùng nổ trong trong đại dịch – ai hưởng lợi?
 
Cuối tháng 2 vừa qua, giữa lúc các cơ sở tôn giáo, di tích chưa được mở cửa trở lại do các yêu cầu nghiêm ngặt chống COVID-19, thông tin về việc một số cơ sở tôn giáo mở cổng đăng ký “cầu an trực tuyến” và “công đức online” thông qua ứng dụng ví điện tử đã thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận.
 
Tuy nhiên, điều này chỉ gây ngạc nhiên do theo truyền thống, lĩnh vực tâm linh vốn được coi là khá xa lạ với các thành tựu công nghệ. Thực tế thì việc chuyển đổi số đã diễn ra âm thầm nhưng khá mạnh mẽ ở Việt Nam những năm qua, tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực và COVID-19 là tác nhân đẩy nhanh quá trình này.
 
Công ty kiểm toán toàn cầu PwC ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động để thanh toán hàng hoá, dịch vụ tăng từ 37% lên 61%. Theo Ngân hàng Nhà nước, tới cuối năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua di động tăng tới hơn 1.111,2% và 4.049,1% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Riêng năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,4 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt gần 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
 
Ở chiều ngược lại, việc sử dụng thẻ ngân hàng để rút tiền mặt có xu hướng giảm trong thời gian bùng nổ đại dịch.
 
Tương ứng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thanh toán điện tử, tốc độ phát triển của kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian qua luôn ở mức rất cao. Năm 2020, thương mại điện tử tăng tới 46% so với năm trước. Theo ước tính của Google và Temasek trong Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á E-conomy năm 2020 thì nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 14 tỷ USD và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt mức 54 tỷ USD. Đầu tư vào lĩnh vực internet ở Việt Nam năm 2020 cũng bùng nổ, đến 151 giao dịch với giá trị là 935 triệu USD. 
 
Riêng trong lĩnh vực ngân  hàng, nhiều đơn vị đã xem việc phát triển ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh, không đơn thuần là các dự án công nghệ thông tin và xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với đặc thù đơn vị mình.
 
Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước  cho biết, theo kết quả khảo sát vào tháng 9/2020, có 95% số ngân hàng đã và đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% số ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số…
 
Trong chiến lược chuyển đổi số, đa số (88%) các ngân hàng đều lựa chọn chuyển đổi số cả kênh giao tiếp khách hàng (front-end) và nghiệp vụ nội bộ (back-end) hoặc số hóa toàn bộ; số ít ngân hàng (6%) dự kiến chỉ số hóa kênh giao tiếp khách hàng (front-end only).
 
Về lợi ích của chuyển đổi số trong vòng 3 đến 5 năm tới, có 82,5% ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; 58,1% ngân hàng kỳ vọng hơn 60% khách hàng sử dụng kênh số và 44,4% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức hơn 50%.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2021 sẽ là năm bùng nổ về chuyển đổi số, sẽ có các chuyển đổi tích cực trong việc cải thiện trải nghiệm khách hàng và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh thông qua tự động hoá, các nền tảng mới gắn kết khách hàng sẽ ra đời.
 
Người hưởng lợi đầu tiên
 
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số ngân hàng liên quan tới một loạt các vấn đề công nghệ và đi cùng đó là các vấn đề pháp lý mới mẻ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm trí tuệ nhân tạo (A.I.), phân tích dữ liệu (Data Analytics), xử lý dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), nhận dạng sinh trắc học (Biometrics) hay các công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng không gặp mặt trực tiếp thông qua phương tiện điện tử (e-KYC); QR Code; Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox), hoạt động công nghệ tài chính (Fintech)…
 
Những thuật ngữ trên về cơ bản không quen thuộc với số đông, nhưng thực tế, cuộc đua chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ cả trong hai khối ngân hàng có vốn nhà nước và thương mại cổ phần. Trong đó, công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo... được các ngân hàng áp dụng nhiều nhất và tận dụng triệt để phân tích hành vi, nhu cầu khách hàng giúp tối ưu hóa, cá nhân hóa việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ.
 
Theo các chuyên gia, mẫu số chung cho hoạt động của các ngân hàng để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh COVID-19 là đẩy mạnh số hóa, tập trung triển khai các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số, với mục tiêu tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng một cách khác biệt và vượt trội, đưa khách hàng trở thành đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ cuộc cách mạng chuyển đổi số.
 
Theo ông Phạm Tiến Dũng, một số dịch vụ ngân hàng (thanh toán, nhận tiền tiết kiệm) gần như đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sử dụng dịch vụ thanh toán (từ mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nộp rút tiền tiết kiệm thông qua tài khoản thanh toán,...), nhiều ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân,... giúp đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải ngân, cho vay từ nhiều ngày xuống trong ngày.
 
Hàng chục triệu khách hàng đã trở thành khách hàng số của ngân hàng với việc sử dụng thường xuyên các ứng dụng ngân hàng số trong mọi giao dịch thường nhật như: Ứng dựng ngân hàng số VCB Digibank, VietinBank iPay, BIDV Smart Banking, eBank X của TPBank; Omni-Channel của OCB... BIDV phát động chiến dịch chuyển đổi số "BIDV digi up", công bố nhiều dự án chuyển đổi số. VietinBank cũng có kế hoạch xây dựng ứng dụng "chatbot" (robot tự động nói chuyện, tương tác với khách hàng) “đa nhiệm” hơn.
Cơ hội mới cho các ngân hàng
Khách hàng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính hơn so với ngân hàng truyền thống. Chẳng hạn, trước đây, khi nghĩ đến gửi tiết kiệm, khách hàng thường chờ có khoảng 5 hay 10 triệu đồng mới ra ngân hàng để gửi, giờ đây khách hàng có thể gửi tiết kiệm chỉ từ 100.000 đồng.
 
Mô hình ngân hàng số cho phép nhanh chóng mở rộng mạng lưới và cơ sở khách hàng, nhất là đối tượng khách hàng trẻ, có tiềm năng trở thành khách hàng cao cấp trong tương lai; đồng thời gia tăng năng suất vận hành và kiểm soát chi phí hiệu quả. TPBank ước tính chi phí giao dịch tại Ngân hàng số TPBank chỉ bằng 1/50 chi nhánh truyền thống, nên dù số lượng khách hàng và giao dịch tăng gấp nhiều lần nhưng nguồn nhân lực chỉ tăng 5 đến 7% nguồn lực nhân sự mỗi năm.
 
Trong khi đó, giải pháp eKYC của Vietinbank giúp khách hàng chỉ cần chụp ảnh giấy tờ tùy thân (căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu), chụp ảnh khuôn mặt, hệ thống sẽ kiểm tra các thông tin hợp lệ và tiến hành mở tài khoản cho khách hàng ngay lập tức.
 
Như nhiều doanh nghiệp, Vietinbank đang ứng dụng giải pháp OCR (Optical Charater Recognition - nhận dạng kí tự quang học, cho phép chuyển đổi tài liệu dạng ảnh thành tài liệu có thể biên tập được như file word…). để các kiểm tra thông tin trên giấy tờ tùy thân. Cùng với đó, áp dụng các công nghệ AI để kiểm tra các tiêu chí nhận diện các giấy tờ tùy thân đó có phải là thật hay không, như hình ảnh, vị trí quốc huy…
 
Trước những lo ngại về khả năng bảo mật của giải pháp số, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank khẳng định doanh nghiệp này quản lý rủi ro rất chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc giấy tờ tùy thân phải trong hiện trạng có thể đọc được thông tin, kiểm tra được khuôn mặt thì mới cho mở tài khoản.
 
“Ngoài ra, chúng tôi tuân thủ yêu cầu của NHNN là bảo đảm khuôn mặt dùng để mở tài khoản cũng chính là khuôn mặt thực hiện giao dịch, bảo đảm tài khoản không thể chuyển tay cho người khác”, ông Lân khẳng định.
 
Chuyển đổi số đã giúp ngân hàng đưa ra được các sản phẩm sáng tạo đột phá mới để mở rộng những mô hình kinh doanh phù hợp hơn với thời đại công nghệ. Với tốc độ tăng trưởng qua các năm và xu hướng về sự dịch chuyển hành vi của khách hàng sang các kênh số, đa số các ngân hàng đều kỳ vọng tỷ lệ khách hàng sử dụng kênh số sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới.
 
* Bài 2: Chuyển đổi số ngân hàng thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác
 
Nhóm PV (Theo Chinhphu.vn)

 

.
.
.
.