.
.

Agribank phát huy vai trò cung ứng vốn phục vụ thu mua lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)

Thứ Sáu, 17/09/2021|17:15

Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), trong 7 tháng đầu năm, ngân hàng này đã giải ngân hơn 17.600 tỷ đồng cho vay phục vụ nhu cầu thu mua lúa gạo khu vực ĐBSCL.

Agribank đã thực hiện giải ngân hơn 17.600 tỷ đồng với hơn 12.000 khách hàng vay vốn thu mua, tạm trữ và xuất khẩu thóc gạo
Agribank đã thực hiện giải ngân hơn 17.600 tỷ đồng với hơn 12.000 khách hàng vay vốn thu mua, tạm trữ và xuất khẩu thóc gạo

Là ngân hàng chủ lực trong lĩnh vực “Tam nông”, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Agribank luôn chiếm 70% tổng dư nợ. Tại ĐBSCL - vựa lúa gạo, thuỷ sản của cả nước, tổng dư nợ cho vay của Agribank trong khu vực là hơn 186.000 tỷ đồng, trong đó tỉ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 86,5%.

Phát huy vai trò chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020, doanh số cho vay ngành lúa gạo của Agribank đạt gần 250.000 tỷ đồng, dư nợ tăng đều qua các năm, đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo của cả nước.

Agribank luôn nỗ lực bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho thương nhân, doanh nghiệp (DN) để có nguồn vốn thu mua, tạm trữ bảo quản, chế biến, xuất khẩu gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc, gạo tại khu vực ĐBSCL.

Tính trong 7 tháng đầu năm, Agribank đã thực hiện giải ngân hơn 17.600 tỷ đồng với hơn 12.000 khách hàng vay vốn thu mua, tạm trữ và xuất khẩu thóc gạo.

Để bảo đảm cho các DN có đủ vốn, kịp thời thu mua lúa, gạo trong dân, Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh chủ động nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng, đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ DN trong thời gian giãn cách xã hội để bảo đảm hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khoản dư nợ hiện hữu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Triển khai Thông tư 01, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 20.025 khách hàng với dư nợ hơn 53.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.484 khách hàng với dư nợ hơn 11.460 tỷ đồng.

Vừa qua, Agribank giảm lãi suất cho vay lần thứ 5 liên tiếp, với mức giảm 10% so với lãi suất đang áp dụng của dư nợ tại thời điểm 15/7. Theo số liệu thống kê, có khoảng 3,1 triệu khách hàng với hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ được Agribank điều chỉnh giảm lãi suất. Điều này cho thấy, nhiều bà con nông dân, hộ sản xuất, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và sản xuất, kinh doanh lúa gạo nói riêng được Ngân hàng hỗ trợ, chia sẻ khó khăn.

Đáng chú ý, đối với khoản nợ bị quá hạn của khách hàng ở địa phương áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ, trong đó bao gồm các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, khách hàng là F0, F1, F2 phải thực hiện cách ly tập trung hoặc có thông báo cách ly của chính quyền địa phương, Agribank sẽ cân đối chỉ áp dụng thu lãi trong thời gian quá hạn bằng mức lãi suất cho vay trong hạn.

Trước tác động kéo dài của dịch bệnh, Agribank cũng liên tục đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn nhằm khôi phục hoạt động, duy trì liền mạch sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của người dân, DN. Trong đó, chương trình tín dụng với quy mô 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch đã được Agribank tăng gấp đôi quy mô lên 200.000 tỷ đồng, lãi suất giảm đến 2,5%/năm so với cho vay thông thường. Việc triển khai chương trình tín dụng này đến nay đạt kết quả rất tích cực với trên 102.000 tỷ đồng được giải ngân và khoảng 9.000 khách hàng được tiếp cận vốn vay ưu đãi.

Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 cũng được Agribank miễn 100% phí dịch vụ thanh toán, bao gồm cả phí dịch vụ liên quan đến hoạt động cho vay, qua đó chia sẻ khó khăn, giảm phần nào gánh nặng kinh tế đối với khách hàng.

Theo chinhphu.vn

.
.
.
.