.
.

"Đổi mới thực chất, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền xây dựng Đảng – vũ khí đấu tranh bảo vệ niềm tin của Nhân dân"

Thứ Hai, 23/09/2024|15:06

Trước âm mưu xâm thực thông tin của các thế lực thù địch với mạng lưới dày đặc tin tức xấu độc, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, việc tăng cường đẩy mạnh công tác truyên truyền, đặc biệt là các nội dung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, mà hạt nhân là các tổ chức đảng, cán bộ đảng viên và đội ngũ làm công tác tuyên truyền. Tăng cường mặt trận thông tin - tư tưởng là phương thức đấu tranh trực diện, ngăn ngừa và cản phá âm mưu “ngoại xâm tư tưởng” của các thế lực thù địch, và quan trọng hơn hết là để bảo vệ tài sản lớn nhất của Đảng ta, đó chính là niềm tin tưởng, sự tin yêu của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong suốt sự nghiệp cách mạng, đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước.

Kỳ 1: Bảo vệ niềm tin của Nhân dân là giữ gìn tài sản quý báu của Đảng

Nhìn lại chặng đường 94 năm qua của Đảng, một trong những thành quả lớn nhất của Đảng ta chính là sự tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối của Nhân dân, là nội lực để Đảng dẫn dắt cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn thử thách của lịch sử. Sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân là tài sản vô giá của Đảng, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân và là thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ngay từ khi thành lập (3/2/1930), trải qua 94 năm thử thách và chiến thắng, với sự ủng hộ và đồng hành của Nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng dẫn dắt toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước ta từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, Việt Nam vươn lên trở thành nước đang phát triển; tình hình chính trị-xã hội ổn định, giữ vững nền độc lập chủ quyền quốc gia; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Để đạt được những thành công đó, không thể không nói tới sự ủng hộ, đồng sức, đồng lòng của Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là bệ phóng để Đảng ta lãnh đạo và hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Nhân dân.

Trong suốt sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn đề cao vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. "Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong". (1) Câu ca dao cũng là lời căn dặn của Người trong buổi nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (ngày 18/1/1967), cho thấy quan điểm của Người về việc phát huy sức mạnh Nhân dân trong mọi hoàn cảnh. Người căn dặn: “Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc.” (2); “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” (3). Sự tin tưởng tuyệt đối của Nhân dân là nền tảng vững chắc để Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ. Khi đất nước chiến tranh ác liệt, nhân dân là hậu phương vững chắc, là tiền tuyến xung kích trên mọi mặt trận. Khi hòa bình lập lại, nhân dân ra sức lao động sản xuất, xây dựng và kiến thiết đất nước. Dù thời bình hay thời chiến, Nhân dân, bằng tất cả nguồn lực và tinh thần, luôn sẵn sàng đấu tranh, hy sinh gian khổ, vì sự nghiệp Tổ quốc. Nhân dân cũng chính là lực lượng chủ chốt bảo vệ sự đúng đắn của đường lối cách mạng, thành quả cách mạng và đưa cách mạng đi lên. Song hành cùng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đi qua mọi khó khăn, thử thách và những biến chuyển của thời đại, nếu thiếu vắng sức mạnh của Nhân dân, sự nghiệp cách mạng Việt Nam không thể nảy mầm, phát triển và đi đến toàn thắng.

Công tác tuyên truyền - Nhịp cầu kết nối Đảng và Nhân dân

Đảng ta luôn xác định công tác chính trị tư tưởng là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Trong đó, công tác tuyên truyền là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng nhằm tập hợp, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Công tác tuyên truyền được triển khai đa dạng hình thức như: tuyên truyền miệng; thông qua các loại hình văn hóa nghệ thuật; trên các kênh truyền thông đại chúng,… Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng tinh thần đoàn kết và quyết tâm dựng xây phát triển đất nước.

Tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền xây dựng Đảng được đề cập tại Đại hội XII và XIII của Đảng. Nhằm tổ chức quán triệt, tuyên truyền triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 114-KH/BTCTW ngày 21/4/2023 về Thông tin tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023; Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 108-HD/BTGTW ngày 20/6/2023 về Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Đảng cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ làm công tác tuyên giáo, tăng cường đẩy mạnh hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Tiêu biểu là việc tuyên truyền những mô hình hay, cách vận dụng sáng tạo trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Các cuộc thi viết chính luận như: Giải Búa liềm vàng (phát động từ năm 2016), Cuộc thi chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (tổ chức lần đầu năm 2021) nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của quần chúng về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Thách thức “nặng gánh” nhịp cầu tuyên truyền

Trước tác động của những nguyên nhân khách quan và chủ quan, niềm tin của Nhân dân với Đảng có phần suy giảm trong một bộ phận quần chúng nhân dân. Một bộ phận thanh niên có biểu hiện xa rời, thờ ơ với tình hình chính trị - xã hội của đất nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặc biệt nhấn mạnh tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI về "tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" của một bộ phận đoàn viên, thanh niên hiện nay. Lo ngại hơn, trên các trang mạng xã hội và các kênh tin tức không chính thống, số lượng không nhỏ quần chúng theo dõi thường xuyên những thông tin sai sự thật, là “sản phẩm” xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá những thành tựu cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.

Trận chiến xuyên ngày đêm trên không gian mạng với sự phân bổ dày đặc và ngày càng tinh vi của các đối tượng phản động đang là thách thức đối với công tác an ninh mạng và thông tin tuyên truyền. Với đặc tính siêu kết nối, khó định danh và truy xuất nguồn phát, mạng xã hội và các thông tin xấu độc được các thế lực thù địch tận dụng triệt để, trở thành công cụ đắc lực để các đối tượng phát tán những luận điệu xuyên tạc, sai trái, chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Theo báo cáo của We Are Social: Digital Vietnam 2023, chỉ tính đến Quý I/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet; 70 triệu người sử dụng mạng xã hội. Tổng số kết nối di động là 161,6 triệu, chiếm 164,0% tổng dân số. Dữ liệu này cho thấy Việt Nam có lượng người dùng Internet và mạng xã hội chiếm số lượng lớn, số lượng kết nối di động vượt quá tổng dân số. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro an ninh mạng và an toàn thông tin, nếu không có sự cảnh giác và các biện pháp đấu tranh trực diện đối với những nguồn tin sai sự thật.

 

d
Sự phát triển của Internet và mạng xã hội tại Việt Nam năm 2023 (Nguồn ảnh: We Are Social).

Hàng ngày, hàng nghìn tin bài chống phá, sai sự thật, được các thế lực thù địch phát tán dày đặc trên không gian mạng. Chúng sử dụng thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu” với chiêu thức trộn lẫn tinh vi thông tin thật - giả, dẫn dụ quần chúng vào ma trận thông tin. Hàng loạt bài phân tích ra sức đả kích, hạ thấp uy tín của Đảng, bôi nhọ danh dự và những thành quả của công cuộc đổi mới, hạ bệ nền báo chí cách mạng và công tác thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ta. Với cách thức tổ chức phức tạp, luồn lách vào các luồng thông tin tiếp cận quần chúng nhân dân, những thông tin xấu độc đang thực hiện âm mưu bóc tách dư luận, lôi kéo quần chúng bàn luận, chia sẻ, thậm chí là tiếp tục sản xuất tin tức xấu độc dựa trên những luận điệu xuyên tạc mà chúng đã ngụy tạo. Điều này gây nhiễu loạn thông tin, gia tăng mâu thuẫn và kích động các hành vi bất mãn, chống đối Đảng và Nhà nước.

Mũi nhọn xung kích đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ niềm tin của Nhân dân

Trước sự chuyển biến liên tục của dòng chảy thông tin và sự khó lường của những luận điệu sai trái thù địch, đặt ra những yêu cầu mới cho nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Đảng chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp quản trị tổng thể an ninh mạng, ban hành các chủ trương, chính sách siết chặt công tác an ninh, an toàn thông tin như: Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia; Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030…

Tăng cường nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thể hiện rõ nét nhất trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, nhằm đưa công tác đấu tranh tư tưởng được triển khai toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, công tác tuyên truyền đóng vai trò mũi nhọn trong việc nhận diện, cảnh báo, vạch trần những luận điệu xuyên tác, hành vi chống phá Đảng và Nhà nước. Qua đó, giúp quần chúng hiểu rõ, làm đúng, kêu gọi nhân dân đấu tranh, phản bác âm mưu “xâm lược tư tưởng”, “ngoại xâm văn hóa” của các thế lực thù địch.

d
Nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới được quán triệt sâu sắc tại Hội nghị toàn quốc 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Ban Chỉ đạo 35 TƯ.

Hơn bao giờ hết, cần có chiến lược tổng thể và đồng bộ trên mặt trận đấu tranh thông tin-tư tưởng nhằm bảo vệ niềm tin của Nhân dân trước sự công phá mạnh mẽ của các thế lực thù địch. Nhân dân, nếu không được hiểu đúng về các vấn đề diễn ra trong và ngoài nước, không được tôi rèn bản lĩnh và bồi đắp niềm tin, rất dễ bị rơi vào âm mưu “xâm lược thông tin” của các đối tượng phản động, gây khó khăn cho việc lãnh đạo toàn diện của Đảng trong bối cảnh đầy thách thức của tình hình chính trị-kinh tế thế giới. Và nếu không có định hướng và giải pháp cụ thể chống lại những luận điệu sai trái và âm mưu chống phá thù địch, rất dễ tổn thương đến niềm tin yêu của Nhân dân và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, vốn là tài sản quý báu, không dễ gì có được của Đảng và Nhân dân ta trong suốt 94 năm song hành và thử thách.

Kỳ 2: Để công tác tuyên truyền là nhịp cầu kết nối Đảng và Nhân dân

Xác định rõ tầm quan trọng đặc biệt của mặt trận thông tin-tư tưởng đối với việc bảo vệ niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ then chốt của Đảng, cần được triển khai bài bản, có định hướng dài hạn, có kế hoạch và đồng bộ trong toàn hệ thống.

Chiến lược tuyên truyền mới trên mặt trận thông tin

Trước ma trận thông tin dày đặc và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, Đảng ta cần có chiến lược tuyên truyền mới nhằm xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mặt trận thông tin. Chiến lược tuyên truyền cần được triển khai đồng bộ, có định hướng trọng tâm, đổi mới thực chất và toàn diện nội dung, hình thức, bắt kịp xu hướng giao tiếp thông tin của quần chúng, tạo không gian đối thoại, trao đổi thông tin minh bạch, cởi mở giữa Đảng và Nhân dân. Chiến lược tuyên truyền xây dựng Đảng trong giai đoạn mới cần có một số phương hướng, giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của các cấp tổ chức Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Năm 2024 được đánh giá là năm quan trọng đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Để hoàn thành mục tiêu, chiến lược của tổ chức Đảng, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng cần được đẩy mạnh và quyết liệt trong công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng các cấp; phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng tại mỗi đơn vị. Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thông tin, hướng dẫn, cụ thể hóa các mục tiêu chính trị, đốc thúc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, giúp cán bộ đảng viên hiểu rõ vai trò, trách nhiệm, tăng cường lao động sản xuất, đóng góp vào kết quả chung của tập thể và hiện thực hóa Nghị quyết đã đề ra.

Thứ hai, tăng cường xây dựng, vận hành và quản trị các hiện diện chính thức, tận dụng tối đa ưu thế và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên không gian mạng. Đã đến lúc cần tăng cường bảo vệ Nhân dân trước sự lôi kéo và âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Cần nghiên cứu kế hoạch xây dựng, vận hành, quản trị và phát triển các kênh truyền thông chính luận trên internet và mạng xã hội. Xây dựng chiến lược tuyên truyền, tăng cường sự hiện diện chính thức và phát ngôn của các cơ quan Trung ương, ban/bộ/ngành, các cơ quan thông tấn báo chí trên các kênh truyền thông mới.

d
Trang fanpage “Thông tin Chính phủ” hiện diện trên Facebook - mạng xã hội nhiều người dùng nhất tại Việt Nam, với hơn 4.5 triệu tài khoản theo dõi.

Cùng với đó là xây dựng hệ thống thông tin xác thực, trước nhất là để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến Nhân dân trên các kênh truyền thông, sau là để dự trù nguồn tư liệu, dữ liệu gốc, sạch về tư tưởng chính trị của Đảng trên nền tảng số, nhất là trong thời kỳ phát triển vũ bão của khoa học công nghệ thông tin như dữ liệu lớn (Big Data), dữ liệu đám mây (Cloud Storage) và trí tuệ nhân tạo (AI),…

Một trong số những hiện diện quan trọng của các cấp chính quyền là website thông tin chính thức. Cần chú trọng đẩy mạnh chất lượng quản trị nội dung và vận hành website, không chỉ dừng lại là đưa tin về các hoạt động nổi bật của đơn vị, cần tạo lập diễn đàn trao đổi, giải đáp thắc mắc của quần chúng về khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, quần chúng hiểu hơn về vai trò, trách nhiệm, phạm vi chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị trong việc xây dựng, quản trị vận hành chính sách.

d
Không gian trao đổi thông tin trực tuyến trên website chính thức của Bộ Công thương (https://moit.gov.vn/).

Thứ ba, tăng cường công tác kế hoạch, hướng dẫn triển khai tuyên truyền đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn và cụ thể hàng năm. Công tác tuyên truyền chính trị được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Để triển khai chỉ thị, kế hoạch và hướng dẫn của Ban Bí thư TƯ Đảng, cấp ủy và tổ chức đảng cần bám sát kế hoạch, chủ động phối hợp, xây dựng đề cương thông tin, tuyên truyền, phù hợp với đặc thù công tác và tình hình sinh hoạt tại đơn vị, tránh lối tuyên truyền áp đặt, thiếu khoa học, thiếu chọn lọc đến quần chúng nhân dân. Tăng cường thông tin những kết quả nổi bật trong việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh, đoàn kết; các nội dung ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tuyên truyền công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; tuyên truyền về công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch,…

Thứ tư, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức tuyên truyền, thu hút sự quan tâm và kêu gọi tinh thần tiên phong xung kích của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân. Nội dung tuyên truyền chính trị không khô khan, khô khan chỉ có thể là ở cách triển khai, cách tiếp cận, cách truyền tải thông tin đến quần chúng. Cần nghiên cứu, xây dựng các chương trình phù hợp với yêu cầu truyên truyền và nhu cầu tiếp nhận thông tin của quần chúng. Hàm lượng nội dung cô đọng, khoa học, mạch lạc phù hợp với từng nhóm đối tượng, đảm bảo đạt các mức độ thẩm thấu thông tin. Nội dung tuyên truyền Nghị quyết cần cụ thể hóa thành các giải pháp thực tiễn, hướng dẫn cụ thể để kêu gọi hành động của quần chúng nhân dân. Đồng thời, công tác tuyên truyền cần vận dụng sáng tạo và linh hoạt về cách thức, hình thức tổ chức, tận dụng các kênh thông tin, nhất là các trang mạng xã hôi với tiêu chí: Nơi đâu có quần chúng, nơi đó có công tác thông tin tuyên truyền.

Thực hiện phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tăng cường nội dung tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, tôn vinh, phổ biến những sáng kiến, cải tiến, những thành tựu vượt trội trên các lĩnh vực và những dấu mốc phát triển trên trường quốc tế mang dấu ấn Việt Nam. Cùng với đó là đẩy mạnh hướng dẫn nhận diện, cảnh báo những hành vi lừa đảo; vạch trần các thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Tăng cường nghiên cứu, xây dựng các chương trình trọng tâm quảng bá, tuyên truyền chính trị-văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam, làm sâu sắc thêm truyền thống bản sắc dân tộc. Chiến lược thông tin tuyên truyền với hình thức đa dạng, nội dung sinh động, gần gũi là “chìa khóa” để công tác Đảng thu hút sự quan tâm, tham gia của quần chúng, hun đúc niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống, thành tựu phát triển của quốc gia dân tộc và tinh thần đại đoàn kết toàn dân, góp phần bảo vệ và giữ vững nền hòa bình, độc lập, ổn định chính trị của đất nước.

Thứ năm, tháo gỡ những rào cản, coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng Đảng tại các cơ quan thông tấn, báo chí. Lực lượng quan trọng trong công tác tuyên truyền, sản xuất các sản phẩm tuyên truyền chính trị chất lượng cao là các cơ quan thông tấn báo chí và đội ngũ nhà báo, phóng viên chuyên nghiệp. Việc duy trì và vận hành kênh “bút chiến” hiện nay còn tồn tại một số rào cản để đổi mới và phát triển trên mặt trận thông tin tuyên truyền. Cần có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, phân bổ nguồn lực cho hoạt động truyền thông báo chí, trong đó nội dung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là nội dung ưu tiên quan trọng cần được đầu tư chất lượng và đổi mới toàn diện. Trước sự chuyển dịch nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng, những thách thức cạnh tranh của mạng xã hội,… các cơ quan báo chí cần xây dựng định hướng chiến lược, hoạch định rõ ràng nhằm tăng cường mức độ hiệu quả phủ sóng, tập trung đầu tư cho các nội dung chất lượng, gia tăng hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm truyền thông mới, đặc biệt là đưa các nội dung tuyên truyền xây dựng Đảng đến gần hơn với quần chúng nhân dân.

Thứ sáu, xây dựng chiến lược tổng thể về đào tạo, nâng cao trình độ nhận thức, năng lực phân loại thông tin chính trị cho quần chúng nhân dân. Quần chúng là đối tượng trực tiếp của hoạt động tuyên tuyền xây dựng Đảng, cũng chính là đối tượng mục tiêu của các thế lực thù địch nhằm chống phá hệ tư tưởng chính trị của nhân dân. Quần chúng cần được trang bị kiến thức cơ bản, kĩ năng tiếp cận, sơ loại và đánh giá bản chất thông tin; lựa chọn kênh truyền thông chính thức để cập nhật tin tức; văn minh ứng xử trên mạng xã hội và có năng lực “tự phòng vệ” trước những thông tin xấu độc, tránh rơi vào “bẫy” tin tức của các thế lực thù địch. Công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng thông tin cho nhân dân cần được triển khai đồng bộ, phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tiễn. Đó là nội dung chuyên đề tại các cấp học phổ thông đến trung cấp/cao đẳng/đại học; là nhóm chủ đề giáo dục toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; là nội dung tuyên truyền miệng, dân vận tại các vùng miền địa phương;… Việc nâng cao nhận thức, năng lực tiếp nhận thông tin của quần chúng chính là giải pháp hiệu quả gia tăng chất lượng tuyên truyền và bảo toàn những nỗ lực toàn diện trong việc đổi mới công tác tuyên truyền xây dựng Đảng.

Chiến lược đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền là yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết trên mặt trận tư tưởng, cần được triển khai đồng bộ các giải pháp, cùng sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống Đảng và lực lượng làm công tác tuyên truyền. Tăng cường giao lưu đối thoại với Nhân dân, góp phần đẩy mạnh vai trò nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc quan trọng nhất trong tổ chức sinh hoạt Đảng, đảm bảo mọi công việc của Đảng và Nhà nước diễn ra minh bạch, thông suốt, để “dân biết, dân bàn, dân làm” và cùng thảo luận, trao đổi tích cực. Công tác tuyên truyền cần tăng cường đổi mới thực chất, là cầu nối đưa Nhân dân gần Đảng, Đảng gần Nhân dân, đưa đường lối, Nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn, góp phần ổn định an ninh chính trị-xã hội quốc gia, hun đúc tinh thần đại đoàn kết toàn dân, tiếp thêm sức mạnh nội sinh để Đảng hoàn thành sứ mệnh chèo lái sự nghiệp cách mạng mà Nhân dân tin tưởng giao phó.

Kỳ 3: Tăng cường đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền xây dựng Đảng - Thực tiễn tại Đảng bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Tăng cường đổi mới thực chất, đưa công tác Đảng đến gần hơn với cán bộ, đảng viên, người lao động đã và đang góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng bộ BIDV góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BIDV nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Triển khai Quy định số 60-QĐ/TW ngày 08/03/2022 của Ban Bí thư và Quyết định số 1160-QĐ/ĐUK ngày 01/03/2023 của Đảng ủy Khối DNTW, lần đầu tiên trong 66 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ BIDV chính thức trở thành Đảng bộ toàn hệ thống với 249 tổ chức đảng trực thuộc và gần 12.000 đảng viên, đưa Đảng bộ bước sang một giai đoạn mới với sự tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi mặt hoạt động. Trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, công tác tuyên truyền xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng được Ban thường vụ Đảng ủy, BCH Đảng bộ BIDV quán triệt triển khai, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, đảm bảo thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao công tác tuyên truyền xây dựng Đảng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối DNTW lần thứ III, tiếp tục quán triệt triển khai Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ BIDV, Đảng bộ BIDV đã xác định rõ phương hướng nhiệm vụ là“Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với toàn hệ thống BIDV; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo Đảng… tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BIDV lần thứ XIV.”. Để tập trung toàn bộ hệ thống, thống nhất ý chí và hành động hoàn thành mục tiêu chung, Đảng bộ BIDV xác định công tác tuyên truyền đi trước một bước và song hành cùng các hoạt động của toàn Đảng bộ, đảm bảo các mục tiêu được triển khai thông suốt, nhất quán, phát huy vai trò của từng tập thể, từng cá nhân trong việc hoàn thành sớm các nhiệm vụ đã đề ra.

Với đặc thù sinh hoạt chính trị tại doanh nghiệp, công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tuyên truyền nói riêng được Đảng bộ BIDV triển khai bài bản, khoa học, có kế hoạch, phù hợp và gắn liền với hoạt động kinh doanh, đảm bảo thực hiện đúng, đủ các yêu cầu công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương và Đảng ủy Khối DNTW, xây dựng nội dung sinh hoạt có tính định hướng cao, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được thế mạnh của Đảng bộ BIDV trong giai đoạn phát triển mới.

Đảng bộ BIDV tăng cường triển khai có hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, nhất là kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK ngày 28/4/2023 của Đảng ủy Khối; Chỉ thị 202-CT/ĐU ngày 12/5/2023 của Đảng ủy BIDV về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong xây dựng và thực hành văn hóa doanh nghiệp; tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức đảng đổi mới, sáng tạo trong triển khai Kết luận số 01-KL/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đảng bộ BIDV chủ động nghiên cứu xây dựng và tuyên truyền, vận động các tổ chức đảng triển khai Đề án số 338-ĐA/ĐU và Nghị quyết số 26-NQ/ĐU ngày 22/9/2023 của Đảng ủy BIDV triển khai kế hoạch BIDV – Đồng hành vì biển đảo giai đoạn 2023-2025. Đây vừa là hoạt động cụ thể nhằm thực hiện chiến lược phát triển biển đảo Việt Nam, đóng góp vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vừa là tiền đề quan trọng cho việc chỉ đạo xây dựng các chương trình có tính dài hạn mang dấu ấn của Đảng bộ và hệ thống BIDV, gắn kết hoạt động kinh doanh với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của BIDV – doanh nghiệp tiên phong hành động vì sự phát triển của đất nước.

Nhằm nâng cao chất lượng tổ chức các cuộc thi chính luận do Trung ương và Đảng ủy Khối DNTW phát động, Đảng ủy BIDV triển khai có kế hoạch, đạt chất lượng trong công tác chỉ đạo, vận động các tổ chức đảng, cán bộ đảng viên tham gia tích cực hàng năm Giải Búa liềm vàng và Cuộc thi chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đảng ủy BIDV tổ chức tập huấn kỹ năng viết bài trong toàn Đảng bộ, xây dựng kế hoạch phân giao, định hướng đề tài để các đơn vị triển khai các cuộc thi hiệu quả, đạt kết quả cao.

d
Đảng ủy Khối DNTW khen thưởng Đảng ủy BIDV là đơn vị xuất sắc tiêu biểu tham gia giải Búa liềm vàng trong 5 năm (giai đoạn 2019-2023).

Nhằm đổi mới và thiết thực phục vụ công tác tuyên truyền xây dựng Đảng, cán bộ tham mưu xây dựng Đảng và cán bộ chuyên trách Công đoàn và Đoàn Thanh niên BIDV được tạo điều kiện tham gia tập huấn kỹ năng, cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ lý luận chính trị. Đảng ủy BIDV cũng tổ chức chương trình tập huấn hàng năm cho Bí thư, cấp ủy và đảng vụ tại các 249 chi đảng bộ nhằm hướng dẫn triển khai công tác đảng tại đơn vị. Trong đó, nội dung xây dựng kế hoạch và tuyên truyền xây dựng Đảng là một trong những chuyên đề quan trọng được trao đổi và hướng dẫn cụ thể bởi đội ngũ báo cáo viên, để các tổ chức đảng thực hiện đúng, đủ, tích cực, sáng tạo công tác Đảng, góp phần nâng cao nhận thức và bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong việc gương mẫu đi đầu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh hoàn thành các mục tiêu chung của toàn hệ thống.

Đưa công tác Đảng đến gần hơn với quần chúng nhân dân, đặc biệt là cán bộ đảng viên trẻ

Công tác tuyên truyền gần gũi, sáng tạo, đổi mới thực chất nội dung và hình thức tuyên truyền, phù hợp với trình độ nhận thức, đặc thù chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên, người lao động, bắt kịp xu hướng giao tiếp thông tin hiện đại… là những định hướng của Đảng bộ BIDV trong việc xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống.

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền và xây dựng diễn đàn trao đổi thông tin trong toàn Đảng bộ, Đảng ủy BIDV quản trị nội dung và vận hành chuyên mục Xây dựng Đảng trên ấn phẩm nội bộ Bản tin Đầu tư Phát triển với số lượng xuất bản khoảng 1.000 bản/số và nhóm Xây dựng Đảng trên mạng xã hội BIDVZone/Gapowork với sự tham gia của gần 26.000 tài khoản. Thông tin về các hoạt động nổi bật của Đảng ủy BIDV được cập nhật các kênh truyền thông và hệ thống luồng mail nội bộ, đảm bảo thông tin thông suốt, tạo không gian trao đổi lý luận và thực tiễn, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm tổ chức triển khai công tác Đảng gắn liền với hoạt động phát triển kinh doanh của từng đơn vị.

d
Chuyên mục Xây dựng Đảng trên Bản tin Đầu tư Phát triển BIDV trở thành diễn đàn giao lưu, chia sẻ của Ban thường vụ, Ban chấp hành và các tổ chức Đảng trong toàn hệ thống.

Các chương trình, nội dung tuyên truyền được đội ngũ chuyên trách tăng cường nghiên cứu chắt lọc, cô đọng nội dung trọng tâm, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, sinh động về hình thức thể hiện, nhằm đưa nội dung tuyên truyền ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, tăng cường sức lan tỏa và hưởng ứng trong cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân. Một số chương trình tiêu biểu như: Chương trình “Đọc sách của Tổng Bí thư cùng Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy BIDV”; Cuộc thi trực tuyến“Tìm hiểu Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chuyên đề học tập năm 2024 của Đảng ủy BIDV”, kết hợp truyền thông và tặng các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... Với sự đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức, hướng đến đa dạng đối tượng, đặc biệt là cán bộ trẻ, các chương trình tuyên truyền của Đảng bộ BIDV đang dần được “trẻ hóa” và nhận được sự quan tâm sâu sắc, hướng ứng đông đảo, tương tác tích cực và lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống.

d
Đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua video và hình ảnh thiết kế mới.

 

d
Cuộc thi trực tuyến của Đảng bộ BIDV đạt gần 10.000 lượt tương tác và là nội dung được quan tâm nhiều nhất trong tháng (Theo số liệu Gapowork).

Đảng bộ BIDV tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị-xã hội triển khai công tác tuyên truyền chính trị. Hưởng ứng Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/12/2018 của BCH Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2023, Đề án số 338-ĐA/ĐU và Nghị quyết số 26-NQ/ĐU ngày 22/9/2023 của Đảng ủy BIDV triển khai kế hoạch BIDV - Đồng hành vì biển đảo giai đoạn 2023-2025, nhiều hoạt động cụ thể đã được Công đoàn và Đoàn thanh niên BIDV tích cực triển khai: Tháng 12/2023, Đoàn Thanh niên BIDV tổ chức chương trình sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ BIDV với chủ quyền biển đảo Tổ quốc”; Tháng 5/2024, Công đoàn BIDV hoàn thành trao tặng 6 căn nhà tình nghĩa trị giá gần 1 tỷ đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện đảo Vân Đồn, Lý Sơn, Cù Lao Xanh, Côn Đảo, Phú Quý và Phú Quốc. Sự hưởng ứng tích cực và triển khai đa dạng các hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội góp phần đẩy mạnh giáo dục chính trị trong toàn hệ thống, tăng cường tính kế hoạch và phối hợp trong công tác tuyên truyền, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng bộ BIDV.

 

d
Công đoàn BIDV và Đoàn Thanh niên BIDV tích cực triển khai các hoạt động ASXH tại các vùng ven biển và hải đảo.

Nhằm ứng phó với các thông tin xấu độc tràn lan trên mạng xã hội và không gian mạng, Ban Chỉ đạo 35 - Đảng ủy BIDV chỉ đạo thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội tại Quyết định số 480-QĐ/ĐU ngày 15/6/2023 và triển khai công văn số 526-CV/ĐU ngày 14/3/2024 về việc nâng cao công tác tuyên truyền miệng, phát triển đội ngũ tuyên truyền viên gắn với đẩy mạnh công tác dư luận xã hội năm 2024. Đồng thời, cán bộ BIDV tuân thủ bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Quy định số 1599/QyD-BIDV ngày 30/3/2023 của BIDV, nhằm xây dựng cộng đồng cán bộ BIDV văn minh, lịch sự, không chia sẻ và tham gia vào các thảo luận không xác định nguồn tin để hạn chế tối đa mức độ lây lan của các dòng tin tức chưa xác thực.

Với những nỗ lực đổi mới tổng thể công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tuyên truyền nói riêng, Đảng bộ BIDV đã và đang xây dựng kế hoạch và triển khai bài bản, linh hoạt và sáng tạo trong sinh hoạt đảng. Đổi mới thực chất nội dung và hình thức tuyên truyền tại Đảng bộ BIDV góp phần đưa hoạt động xây dựng Đảng đến gần hơn quần chúng nhân dân, góp phần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với toàn diện các mặt hoạt động, nêu cao vai trò, trách nhiệm tiên phong của tổ chức đảng và cán bộ đảng viên trong việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, đóng góp vào việc hiện thực hóa các Nghị quyết, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.

Tài liệu tham khảo: 

  1. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, tr. 212.
  2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, tr. 38.
  3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, tr.409-410.

 

 Nguyễn Ngọc Nhật - Ban Tuyên giáo Đảng ủy BIDV

.
Các bài viết khác:
.
.
.