.
.

Đại hội VCCI lần thứ VII: "Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng"

Thứ Sáu, 31/12/2021|23:24

Trong 2 ngày (30 - 31/12/2021), tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 - 2016 theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Tham dự Đại hội có đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội; đồng chí Nguyễn Quang Dương - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Long Hải - Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Dự đại hội có 434 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 220 hiệp hội doanh nghiệp thành viên và gần 200.000 doanh nghiệp hội viên trong cả nước, trong đó 256 đại biểu tham dự trực tiếp tại Hà Nội, các đại biểu còn lại tham dự trực tuyến tại các chi nhánh, văn phòng đại diện VCCI  ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vũng Tàu; 73 đại biểu tham dự trực tuyến tại đơn vị.

Cơ cấu đại biểu theo thành phần gồm: 30 đại biểu là đại diện tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, 183 đại biểu là các hiệp hội ngành nghề Trung ương và địa phương, 216 đại biểu là các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân, 2 đại biểu là đại diện các hợp tác xã. Trong số 218 đại biểu doanh nghiệp, đơn vị có số lao động thấp nhất là 100 và đơn vị có số lao động cao nhất là hơn 104.000 lao động. 100% hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, đóng góp ngân sách nhà nước thấp nhất 0,4 tỷ, nhiều nhất hơn 100.000 tỷ trong năm 2020.

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trước thềm năm 2022, năm mới của niềm tin và hy vọng mở ra những vận hội mới cho sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và sự thịnh vượng của Đất nước trong giai đoạn tới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khai mạc trọng thể tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến trong cả nước.

Đánh giá nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí Phạm Tấn Công cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, VCCI đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác chủ yếu Đại hội VCCI lần thứ VI đề ra và những nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao. Các hoạt động chính của VCCI như xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại - đầu tư, đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp,… đã được đẩy mạnh, tăng 20% so với nhiệm kỳ trước, đạt mức độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm. Các mặt công tác được triển khai toàn diện và chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa. Vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao. VCCI đã chú trọng tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực của các hiệp hội, cơ bản hoàn thành việc thành lập và triển khai hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh; phát huy chức năng đại diện cho người sử dụng lao động… Vị thế, uy tín của VCCI được nâng cao ở trong nước và quốc tế. VCCI đã nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng chung tay phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Đồng chí Phạm Tấn Công cho biết, ước tính đến cuối năm 2021, số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế khoảng 850.000 doanh nghiệp, tăng gần 2 lần so với năm 2015. Nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Nền kinh tế nước ta cũng có bước phát triển đáng tự hào, với tốc độ tăng trưởng luôn thuộc nhóm cao nhất thế giới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Chủ tịch VCCI khẳng định đây cũng là khát vọng của dân tộc, và đất nước đang trông chờ ở Đại hội và cộng đồng doanh nghiệp những chiến lược và giải pháp để góp phần thực hiện khát vọng này.

Với tinh thần Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Trách nhiệm, tại phiên ngày 30/12, Đại hội đã tiến hành phiên nội bộ, thảo luận, thông qua các nội dung quan trọng như: Tổng kết công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam trong nhiệm kỳ qua, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ tới; kiểm điểm công tác của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra khoá VI.

Đại hội với sự nhất trí tuyệt đối đã thông qua việc đổi tên VCCI với tên gọi mới là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và sửa đổi Điều lệ VCCI; Đại hội đã Hiệp thương bầu Ban Chấp hành, BKT VCCI khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đặc biệt, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, các đại biểu đã thảo luận, phân tích và thống nhất cao về Tầm nhìn và Sứ mệnh của VCCI trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, đó là Tầm nhìn: Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng.

Đó là Sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới. Đại hội đã thông qua các phương hướng, mục tiêu cùng với 06 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm và đặc biệt là 03 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ mới. Đại hội phiên nội bộ đã bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra khóa VII gồm 93 ủy viên BCH và 7 uỷ viên Ban Kiểm tra. Các ủy viên được lựa chọn là những đại diện ưu tú, với đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, năng lực, trình độ và nhiệt huyết cống hiến vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và của đất nước.

Cũng trong ngày hôm qua, Ban chấp hành khoá VII đã họp phiên thứ nhất bầu ra Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng thư ký, trong đó có 2 phó chủ tịch không chuyên trách là người đứng đầu các doanh nghiệp tiêu biểu, đầu ngành đại diện khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Trong phiên trọng thể ngày 31/12, Đại hội tiếp tục lắng nghe các ý kiến tham luận của đại biểu và ra mắt Ban chấp hành, Ban Kiểm tra, Ban Thường trực nhiệm kỳ VII. 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Đại hội.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và đóng góp tích cực của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước, của dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong hai năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động; phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau với tinh thần “tương thân, tương ái” để cùng vượt qua khó khăn và thách thức; có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực, hiệu quả, kịp thời cả về vật chất và tinh thần trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp đối với nhân dân, với đất nước.

Cùng cộng đồng doanh nghiệp, vai trò, vị thế và uy tín của VCCI ngày càng được khẳng định, đề cao. Với tư cách tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp tích cực, có tính lan tỏa, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước. 

VCCI đã tập hợp được đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tăng cường vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. VCCI đã chủ động và tham gia tích cực xây dựng và hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật - một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định. VCCI có những sáng kiến thúc đẩy quá trình thực thi chính sách, góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh như việc nghiên cứu và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 16 năm vừa qua, tạo thêm động lực và xung lực mới cho sự phát triển. VCCI cũng tích cực dẫn dắt và thúc đẩy quá trình hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, có được những kết quả này là nhờ VCCI đã bám sát tinh thần, nắm vững, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân; phát huy truyền thống và tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo; sự tín nhiệm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; các hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng và triển khai có hiệu quả.

“Công việc của VCCI sẽ nhiều hơn, nặng nề hơn, với những nhiệm vụ lớn hơn, khó khăn hơn phải làm và cần làm tốt hơn để đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, sự mong đợi, tin tưởng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của hoạt động sản xuất, kinh doanh - là nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để có được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đoàn kết, lớn mạnh thì vai trò của VCCI - tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI.

Về kế hoạch nhiệm kỳ tới, Thủ tướng cơ bản tán thành 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá lớn mà văn kiện Đại hội của VCCI đã đề ra. Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ bao trùm, quan trọng nhất của VCCI là đại diện làm tốt công tác tập hợp, liên kết, phát huy sức mạnh tổng lực, tinh thần đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để góp phần giải quyết những bài toán, vấn đề lớn đang đặt ra cho đất nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của từng doanh nghiệp, doanh nhân. Việc phát huy sức mạnh tổng lực của cộng đồng doanh nghiệp là nhiệm vụ của nhiều chủ thể, nhưng trong đó có vai trò quan trọng, không thể thay thế của VCCI.

Thủ tướng đề nghị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, không ngừng xây dựng, củng cố VCCI thực sự trở thành tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. VCCI không chỉ đại diện cho gần 200.000 doanh nghiệp hội viên. Phải xây dựng vị thế và xác lập uy tín xứng đáng là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cả cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Hai là, ưu tiên, tham gia tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế, chính sách trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Mục tiêu quan trọng nhất là làm sao các chính sách, pháp luật khi ban hành phải gần với cuộc sống nhất, khả thi nhất, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển hiệu quả nhất.

Ba là, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Thủ tướng tán thành với quan điểm cho rằng, doanh nghiệp vững mạnh thì quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Thủ tướng đề nghị VCCI triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại, tích cực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động để nâng cao vị trí của doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, quan tâm hơn đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp; quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, xây dựng và củng cố quan hệ lao động bền vững, hài hòa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng BCH Khoá VII.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng BCH khoá mới.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam với tinh thần đoàn kết, dân tộc, tự lực, tự cường, tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước, lấy nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài, chiến lược, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Cần đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 10 Hội nghị Trung ương 5, khóa XII về phát triển doanh nghiệp tư nhân và các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ xây dựng đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn, vươn tầm thế giới. Thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, VCCI phải cùng các doanh nghiệp giương cao ngọn cờ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số; xây dựng công dân số, doanh nghiệp số, nền kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Tổng Bí thư chủ trì đã xác định rất rõ tầm quan trọng của văn hóa. Với cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng văn hóa kinh doanh phải xứng tầm phát triển, truyền thống văn hóa  - lịch sử của đất nước. Văn hóa kinh doanh gắn liền với xây dựng đất nước ta văn minh, phồn vinh, hiện đại, hạnh phúc.

Năm là, dẫn dắt doanh nghiệp hội nhập thành công, chủ động tham vấn, góp phần hoàn thiện các chính sách hội nhập của đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2021, dù tình hình kinh tế hết sức khó khăn, nhưng tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn đạt được con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay, khoảng  670 tỷ USD, tăng 22,6% so với 2020. Thủ tướng nhấn mạnh, tương lai của kinh tế Việt Nam là hội nhập và thực tế Việt Nam đã là quốc gia hội nhập rất sâu rộng với thế giới. Do vậy, Thủ tướng đề nghị VCCI tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, pháp lý, công nghệ, nguồn vốn, công nghệ quản trị, tìm kiếm bạn hàng, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, xử lý và hỗ trợ khi có các tranh chấp trong quá trình hoạt động; thúc đẩy liên kết, hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.

Thủ tướng tin tưởng Ban Chấp hành mới của VCCI sẽ tiếp tục kế thừa những thành tựu của những thế hệ trước, đồng thời tạo luồng gió mới, sinh khí mới, đổi mới sáng tạo, kết nối các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước, góp phần giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của đất nước.

P.V

 
.
.
.
.