.
.

Ngân hàng Công thương Việt Nam:

Ngân hàng Vietinbank: Vượt khó, kinh doanh hiệu quả, luôn hướng tới chuẩn mực quốc tế

Thứ Ba, 20/12/2011|15:42

(ĐUKDNTW) - Năm 2011 là một năm tiếp tục có nhiều khó khăn đối với kinh tế thế giới cũng như trong nước. Trong nước, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát và lãi suất tín dụng vẫn còn ở mức cao, Ban lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) nhận thức rất rõ vấn đề này, đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt cùng lúc 2 nhiệm vụ: hoạt động kinh doanh phát triển an toàn, hiệu quả, hướng tới chuẩn mực quốc tế đồng thời tích cực đi đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. 

Hoạt động kinh doanh đạt 102% kế hoạch

TS Phạm Huy Hùng - SN 1954, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Uỷ viên BCH Đảng uỷ khối doanh nghiệp T.Ư; Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam.
TS Phạm Huy Hùng - SN 1954, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Uỷ viên BCH Đảng uỷ khối doanh nghiệp T.Ư; Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2011, quy mô tổng tài sản của VietinBank ước đạt 450 ngàn tỷ đồng, tăng 22,4% so với đầu năm (đạt 102% kế hoạch Đại hội cổ đông), dư nợ cho vay nền kinh tế trong giới hạn cho phép của NHNN.

Năng lực tài chính của Vietinbank cũng được nâng cao với việc tăng vốn điều lệ lên mức 20.230 tỷ đồng thông qua giao dịch bán vốn cho đối tác nước ngoài IFC và cho các cổ đông hiện hữu. Vốn chủ sở hữu đạt 26.122 tỷ đồng. Dự tính đến 31/12/2011, hệ số an toàn vốn của Ngân hàng ở mức xấp xỉ 10%, cao hơn quy định chung của NHNN là 9%. Lợi nhuận toàn hệ thống đạt khoảng 8.500 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước. Dự kiến tỷ lệ cổ tức năm 2011 ở mức 20%. Tổng nguồn vốn tăng 22,1%, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 27%, nợ xấu dưới 1%, nộp ngân sách, thuế 2.200 tỷ đồng, ROE đạt 30%, ROA đạt 2%. Mạng lưới hoạt động được mở rộng, VietinBank là Ngân hàng thương mại đầu tiên Việt Nam có chi nhánh ở Châu Âu, trụ sở tại thành phố Frankfurt, Cộng hòa liên bang Đức. Trong quý II/2012, Vietinbank sẽ tiếp tục khai trương chi nhánh tại thành phố Viên Chăn - Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và thành phố Berlin – Cộng hòa liên bang Đức.

Về nguồn vốn huy động tăng 22,1%, VietinBank đã dành phần lớn nguồn vốn này cho vay nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, đã góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “xây dựng nông thôn mới”. Đến cuối năm 2011, số dư cho vay nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu đạt trên 70.000 tỷ (tăng 46% so với đầu năm), công nghiệp hỗ trợ đạt trên 20.000 tỷ đồng (tăng 25%), cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ là 75.000 tỷ đồng (lãi suất tín dụng thấp hơn từ 1,5% đến 2,5% so với lãi suất tín dụng thông thường).

Năm 2011,VietinBank vẫn là một trong những Ngân hàng tài trợ vốn lớn cho một số dự án trọng điểm quốc gia như các dự án nguồn, lưới điện của Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Lai Châu; Dự án Khí điện đạm Cà Mau, Lọc dầu Dung Quất, Lọc dầu Nghi Sơn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Dự án Vệ tinh viễn thông Vinasat, Mạng 3G của Tâp đoàn Bưu chính Viễn thông và một số dự án lớn của Tập đoàn Than- Khoáng sản, Tổng công ty Xi măng, Thép, Xăng dầu, Hoá chất...

Với nguồn ngoại tệ có được từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ, Vietinbank đã đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khơi thông đầu ra cho nền kinh tế, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ trong nước còn hạn chế, đồng thời tạo nguồn ngoại tệ để doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết yếu phục vụ SXKD.

Năm 2011, Vietinbank đạt được tỷ lệ tăng trưởng tốt, hiệu quả kinh tế cao, phát huy hiệu quả mô hình doanh nghiệp cổ phần đa sở hữu, trong đó đông đảo cán bộ nhân viên người lao động là chủ sở hữu, tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động, có hiệu quả, huy động được thêm vốn của xã hội, của các cổ đông, sử dụng vốn tài sản nhà nước có hiệu quả hơn. Phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, của cổ đông và tăng cường sự giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp. Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, vao trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng được thực hiện tốt, các hoạt động đoàn thể: tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ được phát huy, quan tâm; quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện đầy đủ; điều kiện làm việc, đời sống của người lao động(18.000 cán bộ nhân viên) ổn định; tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi xã hội, học tập, khám chữa bệnh được quan tâm và không ngừng được cải thiện; doanh nghiệp đóng góp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

 Thiết lập 3 vòng kiểm soát độc lập, nâng cao năng lực quản trị hoạt động ngân hàng

Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về quy mô tổng tài sản, nhưng Ban lãnh đạo ngân hàng luôn định hướng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Từ xây dựng chiến lược, xây dựng phương hướng nhiệm vụ, chỉ đạo điều hành cụ thể, hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn hóa và hoàn thiện hệ thống quy trình, quy định nhằm củng cố và thiết lập 3 vòng kiểm soát độc lập theo thông lệ quốc tế. Đưa vào vận hành các module hiện đại hóa về quản trị (quản trị rủi ro tín dụng, kế hoạch và phân tích lợi nhuận đa chiều, quản trị rủi ro tác nghiệp, quản trị tài sản có, tài sản nợ,…) nhằm nâng cao năng lực quản trị hoạt động ngân hàng.

Trong bối cảnh các tội phạm kinh tế nói chung, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng phức tạp, những hành vi lợi dụng kẽ hở của cơ chế chính sách, lợi dụng mối quan hệ … bằng những thủ đoạn tinh vi, thông đồng rút tiền từ ngân hàng diễn ra ở một số ngân hàng, đặc biệt chất lượng nghiệp vụ quản trị, công nghệ của ngân hàng Việt Nam chưa đạt chuẩn quốc tế thì rủi ro đối với ngân hàng rất cao. Ban lãnh đạo Vietinbank đã chủ động chỉ đạo tăng cường các chốt kiểm soát, tăng cường kiểm tra, thường xuyên hoàn thiện cơ chế, quy chế nghiệp vụ, quản trị nội bộ, đầu tư công nghệ để có chất lượng quản trị tốt hơn, gắn tránh nhiệm của mỗi nhân viên, cán bộ quản lý với nhiệm vụ được giao. Tăng cường đào tạo, giáo dục, thực hiện luân chuyển cán bộ một cách hợp lý, chấp hành thực hiện nghiêm túc kỷ cương trong nội bộ ngân hàng. Vì thế, rủi ro nảy sinh trong hoạt động ngân hàng luôn ở mức rất thấp.

 

Thương hiệu Quốc gia đoạt giải vàng chất lượng Quốc tế tại NewYork.jpg
Ngân hàng Công thương Việt Nam - Thương hiệu Quốc gia đoạt giải vàng chất lượng Quốc tế tại NewYork

Thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng thông qua công tác từ thiện và an sinh xã hội

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008 của Thủ tướng Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi của UBTW MTTQVN về công tác hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, Vietinbank luôn là đơn vị tích cực đi đầu trong công tác từ thiện và an sinh xã hội. Đến nay, với tổng số tiền tài trợ gần 1.500 tỷ đồng. Tính riêng năm 2010 thực hiện 450 tỷ đồng, năm 2011, NHCTVN đã thực hiện công tác an sinh xã hội, chung tay cùng cộng đồng với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào tại một số địa phương,  xây dựng cầu giao thông nông thôn và các công trình cộng đồng…. với số tiền trên 700 tỷ đồng. Đây là những việc làm thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm và là nét văn hóa riêng của một Doanh nghiệp có vị thế đối với cộng đồng và xã hội. Vietinbank đã cùng với các địa phương xây dựng gần 16 ngàn ngôi nhà ở cho người nghèo, 248 trường học, 348 cầu giao thông nông thôn, 06 hệ thống cấp nước sinh hoạt và hồ chứa nước, 10 trạm y tế cho đồng bào nhân dân các huyện vùng cao, 37 công trình Nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng; tài trợ trên 114 xe ô tô cứu thương hiện đại, chất lượng cao; 2.000 xe lăn; đầu tư để cải tạo, nâng cấp trên 50 nghĩa trang liệt sỹ trong cả nước; Bên cạnh đó, Vietinbank còn nhận chăm sóc phụng dưỡng hàng tháng 265 Mẹ Việt Nam anh hùng (đến nay còn 85 mẹ), và một số đồng chí thương binh nặng đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng; tặng 9.200 cặp phao cứu sinh;trên 5.000 suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, hỗ trợ gần 1.000 trâu, bò cho hai tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, nuôi 500 cháu nhỏ mồ côi cha mẹ được cắp sách đến trường học. Đến nay, Vietinbank tài trợ kinh phí để tôn tạo được 50 nghĩa trang liệt sỹ, đúc 10 quả chuông lớn để tri ân các anh hùng liệt sỹ trong cả nước. Năm 2011, Vietinbank tài trợ 50 tỷ đồng tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ quốc gia tại huyện Đắc Cơ, tỉnh Gia Lai, tài trợ 20 tỷ đồng tôn tạo nghĩa trang Điện Bàn Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam, tài trợ 500 triệu tôn tạo nghĩa trang Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Những nỗ lực và đóng góp đó của Vietinbank đã được xã hội ghi nhận, vừa qua, tại Lễ trao giải Sao Vàng Đất Việt năm 2011, Vietinbank là Ngân hàng duy nhất được vinh danh 2 lần với giải thưởng TOP 10 Thương hiệu Việt Nam và TOP 10 doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Điều này đã minh chứng hiệu quả kinh doanh của Vietinbank và thể hiện niềm tin của cộng đồng xã hội dành cho Vietinbank. 

Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, VietinBank đã luôn nỗ lực để xứng đáng với trọng trách là một NHTM chủ lực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Những kết quả VietinBank đạt được ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên ngân hàng, còn có sự chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ban ngành TW, của NHNN Việt Nam, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW, của các doanh nghiệp tập đoàn kinh tế, tổng công ty 90, 91 và nhân dân trong cả nước.

Chủ tịch VietinBank Phạm Huy Hùng trao tài trợ Cà Mau 30 tỷ đồng..jpg Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng trao biển tài trợ cho tỉnh Gia Lai.
Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng với nhiều hoạt động từ thiện tại các địa phương

Một số giải pháp, kiến nghị

Với sự ra đời của Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thay thế Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 phần nào đáp ứng được yêu cầu thực tế trong việc CPH doanh nghiệp Nhà nước tuy nhiên thực tế cho thấy việc quản lý các doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối sau khi hoàn thành cổ phần hóa còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính rườm rà, khó khăn cho việc triển khai các kế hoạch, phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thực tế nhiều văn bản của các cấp về quản lý đối với doanh nghiệp cổ phần hiện nay còn mang tính chất quản lý theo mô hình quốc doanh nhiều hơn là quản lý theo mô hình cổ phần. Để nâng cao hiệu quả quản lý trong tương lai, chúng tôi xin có một số đề nghị sau:

-         Khung pháp lý điều tiết DNNN chưa đồng bộ, phù hợp, chưa tạo động lực cho DNNN phát triển mạnh. Đây được xem là nguyên nhân cơ bản nhất làm cho DNNN kinh doanh kém hiệu quả. Cùng với việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị đồng thời tiếp tục hoàn thiện đổi mới pháp luật, cơ chế quản lý, hoạt động tự chủ, cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước, để thật sự phát huy hết động lực hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện về cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng hơn trong việc  trao quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh và trong tài chính của của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, DNNN; phân định được chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước với chức năng sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; sửa đổi một số chính sách, quy định trong hệ thống quản trị nội bộ của DNNN; phòng chống động cơ trục lợi; tăng hiệu lực giám sát của cơ quan quản lý nhà nước; có chế tài đủ mạnh; nâng cao hiệu quả kinh doanh; hạn chế rủi ro.

-         Tách bạch giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị mà DNNN phải thực hiện. DNNN hiện nay phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ: kinh tế, chính trị, xã hội…lại bị ràng buộc bằng nhiều qui chế, qui định khác nhau, nên rất khó đánh giá một cách chuẩn xác hiệu quả của DNNN. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra giám sát.

-         Hệ thống giám sát và cưỡng chế cần được hoàn thiện, đủ mạnh để buộc các bên có liên quan tuân thủ chặt chẽ các cơ chế, chính sách, qui định ban hành. Nếu không thì các đổi mới về cơ chế, chính sách sẽ tiềm ẩn các rủi ro đạo đức lớn. Yêu cầu thực hiện kiểm toán nhà nước bắt buộc với tất cả các định chế tài chính ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Xếp loại và cáo bạch thông tin hoạt động của từng ngân hàng thương mại.

-         Minh bạch và đồng bộ các cơ chế đối với các yếu tố đầu vào của bất kỳ doanh nghiệp nào, hàng năm bắt buộc phải được kiểm toán để các thông tin đến được đông đảo người dân, các nhà đầu tư; hoàn thiện chế độ  hạch toán kế toán trong các DN.

-         Quản trị nội bộ DN phải được coi là vấn đề cốt lõi giúp làm tăng giá trị của doanh nghiệp. 

-         Cơ chế nhân sự, phải tạo ra một sân chơi công bằng giữa DNNN và DN ngoài nhà nước trong việc bổ nhiệm, bãi nhiệm, luân chuyển, điều động, tuyển dụng nhân sự dễ dàng, tạo điều kiện quản trị nhân sự một cách hiệu quả nhất. Đề nghị bỏ cơ chế duyệt quỹ lương, đơn giá tiền lương. Để doanh nghiệp tự chủ trong việc cân đối tài chính, xác định quỹ lương và chi trả tiền lương trong năm kế hoạch cho cán bộ, nhân viên, người lao động. Tiền lương phải gắn với chất lượng, kết quả, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tốc độ tăng  tiền lương phải nhỏ hơn tốc độ tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh; tăng nộp ngân sách, doanh nghiệp hoạt động phải bền vững.

-         Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Chính phủ để từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, chủ trương của Nhà nước, Chính phủ giữ tỷ lệ vốn cổ phần chi phối xây dưng các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty 90, 91 lớn mạnh, hệ thống NHTM chủ lực lớn mạnh của nền kinh tế đất nước, tích cực hội nhập, vươn lên ngang tầm khu vực và quốc tế, thì việc nâng cao năng lực tài chính, sức mạnh về vốn của Nhà nước tại ngân hàng lớn như VietinBank là vô cùng cần thiết. Vì vậy, VietinBank kiến nghị Chính phủ tích cực ủng hộ và hỗ trợ, tập trung vốn cho ngân hàng để triển khai thành công các kế hoạch tăng vốn điều lệ hàng năm, ngoài lợi nhuận hàng năm của ngân hàng để lại tăng vốn. Đề nghị Chính phủ cân đối các nguồn khác để tăng vốn cho Vietinbank- một NHTM có chỉ số tăng trưởng tốt, chất lượng, an toàn, hiệu quả, bền vững, đang tích cực hội nhập quốc tế. Theo quy định của Basel III hiện nay chỉ số CAR(tỷ lệ an toàn vốn) tối thiểu là 14%.

-         Với quy mô phát triển ngày càng lớn, hệ thống mạng lưới được mở rộng trong nước và quốc tế, VietinBank ngày càng chứng minh được vai trò là ngân hàng thương mại chủ đạo, chủ lực của nền kinh tế, là công cụ điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước. Để phát huy hơn nữa vai trò của một ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam, tài trợ nhiều dự án trọng điểm, dự án lớn của nhiều ngành kinh tế, VietinBank xin đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho Vietinbank được phát hành trái phiếu của VietinBank ra thị trường quốc tế, đầu tư vào các công cụ nợ của Chính phủ Việt Nam phát hành ở nước ngoài cũng như các sản phẩm phát sinh,… theo định hướng của Chính phủ hàng năm, trở thành ngân hàng thương mại hiện đại, lớn mạnh, mang tầm cỡ khu vực.

Năm 2012, nhiều dự báo kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn. Như vậy kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực từ xu hướng nói trên của kinh tế thế giới, vì thế thông điệp chính sách của Chính phủ vẫn là ổn định vĩ mô, kìm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng. Năm 2012 cũng là năm tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động thực tế mang tính chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào chính sách tiền tệ nới lỏng sang mô hình tăng trưởng dựa vào chính sách tiền tệ được quản lý chặt chẽ. Trong đó có cả tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Bám sát chủ trương, định hướng chỉ đạo hoạt động kinh doanh năm 2012 của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, năm 2012 VietinBank quyết tâm thực hiện tốt cả 2 nhiệm vụ : hoạt động kinh doanh tăng trưởng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, đầu tư công nghệ hiện đại hóa, nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng; tăng cường quản trị rủi ro, quản trị nội bộ, chuẩn hóa mọi hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, tiếp tục kiện toàn tổ chức Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong doanh nghiệp, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tiếp tục chăm lo cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, nhân viên; xây dựng hệ thống NHTMCP Công thương Việt Nam lớn mạnh và tích cực thực hiện tốt hơn trách nhiệm xã hội với cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

 

TS Phạm Huy Hùng

Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank)

Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Uỷ viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư

.
.
.
.