.
.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam: Đồng tâm, hiệp lực xây dựng nông thôn mới

Chủ Nhật, 15/01/2012|23:26

(ĐUKDNTW) - Toàn hệ thống Agribank quyết tâm chung tay cùng cả nước thực hiện chủ trương, mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, phấn đấu đến năm 2015, nước ta có 20% số xã và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới.

Điểm sáng xã nghèo

Thiên Lộc vốn là xã nghèo của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, kinh tế thuần nông, ngành nghề dịch vụ kém phát triển, kết cấu hạ tầng xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo trên 30%... Từ giữa năm 2001 đến nay, Thiên Lộc bắt đầu xây dựng chương trình nông thôn mới (NTM) và sớm trở thành xã dẫn đầu của huyện nghèo miền Trung, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM toàn tỉnh.

Qua thực tiễn cuộc sống, xây dựng NTM ở xã nghèo với mục tiêu nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân, là một chương trình phát triển tổng hợp về kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội. Trong đó, cộng đồng dân cư là chủ thể xây dựng NTM, lấy nội lực là căn bản. Nói ngắn gọn đó là “nhà nhà làm NTM, người người làm NTM”!

Đến nay, đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia, xã Thiên Lộc đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, trong đó gồm 10 tiêu chí về hạ tầng xã hội (trường học, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở khu dân cư, thu nhập, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị xã hội); 4 tiêu chí về hạ tầng kinh tế, sản xuất (giao thông, điện, hình thức tổ chức sản xuất) và đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành 5 tiêu chí còn lại trước năm 2013. Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Đặng Phúc Vượng, cho biết: Địa phương đã quan tâm công tác quy hoạch ruộng đất, hạ tầng, giao thông, chỉnh trang khu dân cư… từ nhiều năm trước. Kết quả từ công tác quy hoạch mang lại rất quan trọng¸ tránh được sự lãng phí trong đầu tư và được nhân dân đồng thuận cao.

Huy động nguồn lực xây dựng Nông thôn mới 

Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, đội ngũ cán bộ là khâu then chốt, là những người tâm huyết, đoàn kết, có tầm với yêu cầu nhiệm vụ và có uy tín đối với nhân dân. Đó là những người biết tổ chức phát huy dân chủ, tổ chức thi đua, thu hút cộng đồng tham gia, chủ động kiểm tra, tổng kết thực tiễn, phát hiện nhân tố mới, cách làm mới có hiệu quả, bảo đảm phong trào “phát triển đến đâu, bền vững đến đó”.

Quy trình huy động nguồn lực trong dân luôn được bàn kỹ với phương châm “dân đứng ra tổ chức triển khai là chính”. Nhờ vậy, nên chỉ sau một thời gian, Thiên Lộc đã xây dựng được 32 km đường bê tông, 30 km kênh bê tông, 19 nhà văn hóa xóm, hiến đất mở đường giao thông nông thôn, xây dựng hàng chục km mương thoát nước trong khu dân cư, được nhân dân đồng thuận ủng hộ nhiệt tình. Ông Đặng Phúc Vượng phấn khởi cho biết: “Với những nỗ lực và kết quả đã đạt được, Thiên Lộc đang có đà để bước những bước vững chắc trong chặng đường xây dựng NTM”.

Bước đầu thực hiện chỉ đạo điểm phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Đảng “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, thời gian qua, Chính phủ đề ra mục tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thường xuyên nhấn mạnh vị trí chiến lược của Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn, nhưng những thành tựu đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, quá trình phát triển còn kém bền vững, sức cạnh tranh chưa cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, nông nghiệp và nông thôn phát triển còn thiếu quy hoạch, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị còn lớn...

Để chương trình xây dựng NTM tiếp tục được triển khai đồng bộ, rộng khắp, đặc biệt phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" đã góp phần tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện. Phong trào thi đua quan trọng này do Thủ tướng Chính phủ phát động được thực hiện từ năm 2011 đến 2020 với hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020. Để thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM, vấn đề đặt ra là cần phải phát huy được vai trò chủ thể của người nông dân. Nói một cách khái quát, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.

Agribank dẫn đầu cho vay xây dựng Nông thôn mới

Cùng với việc tập trung thực hiện tốt 6 nhóm giải pháp chủ yếu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, cùng với các Bộ, ngành, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cùng với ngành Ngân hàng, Agribank luôn khẳng định vai trò tiên phong, ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh công cuộc xây dựng NTM trên cả nước. Đến nay, Agribank đầu tư trên 283.000 tỷ  đồng cho vay nông nghiệp, nông thôn, chiếm tỷ trọng gần 70% tổng dư nợ của Ngân hàng.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 tại Quyết định 800/QĐ-TTg, ngày 4/6/2010, Agribank ưu tiên cung ứng vốn kịp thời nhu cầu vốn của 11 xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới gồm: xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; xã Tam Phước, huyện Phù Ninh, tỉnh Quảng Nam; xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước; xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh; xã Định Hoà, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; xã Hương Thuỵ, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội; xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nay, Agribank dẫn đầu các tổ chức tín dụng về cho vay chương trình này với dư nợ đạt trên 252,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ mà các tổ chức tín dụng cho vay trên địa bàn 11 xã. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu thấp, chiếm 0,41%. Nguồn vốn của Agribank được cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng nông thôn như hệ thống thủy lợi, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn… giúp người dân khu vực nông thôn cải thiện chất lượng đời sống.

Trong quá trình cung cấp tín dụng, các chi nhánh Agribank tại địa phương có xã thí điểm xây dựng nông thôn mới tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân được tiếp cận với vốn ngân hàng.

Đồng tâm, hiệp lực cùng cả nước xây dựng Nông thôn mới, Agribank tiếp tục phát huy vai trò tích cực vào phát triển kinh tế địa phương, thực sự trở thành người bạn đồng hành và thủy chung của Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn cả nước.
 

                                                                  Viết Chung - Trụ sở chính Agribank

.
.
.
.